Sáng 15/1, tại Hà Nội, Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Hội đồng gia tộc Nguyễn Cảnh và Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức hội thảo khoa học “truyền thống lịch sử - văn hóa dòng họ Nguyễn Cảnh Việt Nam”.
Hội thảo nhằm góp phần tìm hiểu, đánh giá chính xác, khoa học, đầy đủ hơn về lịch sử cũng như những đóng góp của dòng họ Nguyễn Cảnh Việt Nam đối với đất nước, dân tộc, trên cơ sở hệ thống hóa những tư liệu lịch sử, dã sử, gia phả được thu thập, sưu tầm thời gian qua.
Với 33 bản tham luận khoa học của các nhà khoa học gửi tới Hội thảo, tập trung vào các nội dung như Lịch sử hình thành và phát triển của dòng họ Nguyễn Cảnh Việt Nam, thân thế và sự nghiệp của những danh nhân tiêu biểu dòng họ, truyền thống văn hóa của dòng họ, di sản văn hóa dòng họ Nguyễn Cảnh và việc bảo tồn, phát thuy hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ, hội thảo là dịp để tìm hiểu và phát hiện những đóng góp to lớn của dòng họ Nguyễn Cảnh với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Hội thảo cũng là dịp để cơ quan nhà nước, các nhà khoa học và con cháu trong dòng họ cùng tìm hiểu và làm sáng tỏ những nghi ngờ, những điểm mờ trong lịch sử hình thành và phát triển của dòng họ dưới góc nhìn khoa học và các căn cứ lịch sử văn hóa.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho hay, sức mạnh của một dân tộc, một quốc gia luôn bắt nguồn từ sức mạnh truyền thống của những gia đình, dòng tộc, của những gia đình ưu tú của dân tộc ấy.
“Như chúng ta đều biết, qua 6 thế kỷ từ khi xuất hiện, qua thư tịch và gia phả, dòng họ Nguyễn Cảnh đó đóng góp cho đất nước nhiều người con xuất sắc bên cạnh các tướng lĩnh tài ba, dòng họ Nguyễn Cảnh cũng có nhiều nhân sĩ tri thức có công lớn trong lịch sử dân tộc.
Không có nhiều dòng họ mà tên của 2 cha con được đặt cho 2 con đường tại thủ đô Hà Nội, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị, cũng không có nhiều dòng họ có truyền thống văn võ song toàn như dòng họ Nguyễn Cảnh.
Ngoài việc để lại bộ tiểu thuyết chương hồi đồ sộ nhất Việt Nam “Thiên Nam liệt truyện Hoan Châu ký” còn có nhiều cứ liệu cho thấy dòng họ này đã mở đầu cho quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản thời Lê – Trịnh một mối quan hệ mà cho đến nay vẫn đề lại nhiều bài học, nhiều tiềm năng để phát triển ở tầm mức cao hơn”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu.
Sự phát triển của dòng họ Nguyễn Cảnh gắn liền với dòng chảy của lịch sử địa phương, của dân tộc. Kể từ khi thủy tổ của dòng họ Nguyễn Cảnh rời vùng đất Đông Triều, trấn Hải Dương (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) về vũng đất Hoan Diễn đến nay đã hơn 600 năm, vùng đất Nghệ An địa linh nhân kiệt được chọn là nơi định cư và chính tại đây, 25 đời con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh đã chung sức, đồng lòng gây dựng cơ nghiệp trở thành một dòng họ lớn có nhiều danh tướng, danh nhân, nhà văn hóa, lương y.
Trong lịch sử quân sự có Nguyễn Cảnh Chân và con trai ông Nguyễn Cảnh Dị hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh.
Dưới thời Lê Trung Hưng, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh đã liên tục 4 thế hệ “ông, cha, con, cháu – chắt” làm tướng, có công lớn trong sự nghiệp trung hưng của nhà Lê, tiêu biểu có thể kể đến như Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Kiên, Nguyễn Cảnh Hà, Nguyễn Cảnh Quế.
Về khoa bảng bia tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ghi danh 2 tiến sĩ của dòng họ Nguyễn Cảnh là Nguyễn Cảnh Diễn, Nguyễn Cảnh Quýnh của triều Lê.
Trong thời kỳ mới, họ Nguyễn Cảnh có ông Nguyễn Cảnh Dinh (SN 1934), Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 5,6,7,8; ĐBQH các Khóa 7,8,9,10; Bộ trưởng Bộ Thủy lợi, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng chủ tịch nước. Có GS.TS hàn lâm toán học Nguyễn Cảnh Toàn được trung tâm tiểu sử danh nhân Mỹ đánh giá là một trong những trí tuệ lớn nhất của thế kỷ XX..
Trong thời kỳ mới, dòng họ Nguyễn Cảnh tiếp tục đóng góp cho đất nước những người con ưu tú trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, khoa học, quân sự, công an nhiều danh nhân tài ba.
“Nhắc lại truyền thống của các dòng họ cũng là cách để chúng ta ghi nhớ, tự hào về công lao của các bậc tiền nhân đối với đất nước nhưng quan trọng hơn là từ truyền thống và lịch sử của cha ông, để các thế hệ hôm nay học hỏi, rút ra những bài học cho chính mình.
Đối với dòng họ Nguyễn Cảnh đó là truyền thống “trung cần, nhân nghĩa”, “bảo quốc – hộ dân”, phấn đấu vươn lên, vượt lên khó khăn tự học để hoàn thiện bản thân, văn võ song toàn, giúp dân giúp nước.
Chúng ta vui mừng nhận thấy con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh đã và đang phát huy gia phong, gia đạo, truyền thống của dòng họ, của quê hương, đóng góp công sức, trí tuệ, tâm huyết vào việc xây dựng bảo để đất nước, quê hương, góp phần làm cho đất nước quê hương ngày càng giàu mạnh, phồn vinh”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Đất nước chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới, sự thay đổi hàng giờ hàng phút của kỷ nguyên số, đang tác động mạnh mẽ vào mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, gia tăng áp lực lên văn hóa truyền thống. Sự bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong mỗi gia đình, dòng họ đang gặp những thách thức mang tính thời đại.
Việc tổ chức hội thảo khao học như thế này không chỉ có ý nghĩa với những người con của dòng họ Nguyễn Cảnh, của giới sử học mà còn có ý nghĩa đối với những dòng họ, gia tộc và vùng quê khác.
“Do đặc trưng lịch sử đất nước ta, công cuộc dựng nước luôn song hành với giữ nước nên dòng họ nào cũng có nhiều cống hiến nhưng lưu truyền một cách tương đối có hệ thống gia phả và các sử liệu thì không phải dòng họ nào cũng làm được như dòng họ Nguyễn Cảnh.
Chúng tôi mong sẽ có nhiều hội thảo được tổ chức với quy mô và tính khoa học cao, các tư liệu được sử dụng có liên hệ mật thiết với chính sử để góp phần bảo tồn di sản văn hóa của đất nước nói chung, di sản văn hóa của các dòng họ nói riêng. Công tác này nếu được thực hiện tốt, khoa học và bài bản sẽ góp phần chấn hưng các giá trị văn hóa của dân tộc, của địa phương và dòng họ” PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.
Bình luận