Chương trình tọa đàm "Phát triển bền vững ngành tiêu dùng nhanh" do Báo điện tử VTC News vừa tổ chức mới đây với sự tham gia của Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cùng các khách mời khác đã phân tích nhiều vấn đề một cách chi tiết và ấn tượng. Các chuyên gia cùng thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc phát triển bền vững trong ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Ngành hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam hiện là một trong số những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực ASEAN. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 180 tỷ USD năm 2023, phần lớn trong đó là hàng tiêu dùng nhanh.
Hiện, Việt Nam là một trong những thị trường lớn cho các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh cùng các tác nhân trong ngành này.
Tuy nhiên doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh đứng trước rất nhiều thách thức như: Phải luôn tự đổi mới, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa rộng khắp và hiệu quả; cạnh tranh với mặt hàng từ nhà nhập khẩu, thị trường nước ngoài; xu hướng quan tâm đến trách nhiệm xã hội trong sản phẩm, từ đó đòi hỏi những mặt hàng thân thiện môi trường, có tiêu chuẩn về mặt sản xuất…
Để giữ vững được thị trường, phát triển bền vững trong tương lai, các doanh nghiệp Việt bắt buộc phải thay đổi. Chuyên gia kinh tế: PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc về sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng nhanh cũng như những thách thức mà ngành hàng này phải đối mặt.
Có thể thấy, ngành hàng tiêu dùng nhanh cực kì quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Việt Nam là một trong số những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực ASEAN. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, tiềm năng của ngành hàng này hiện tại là rất lớn.
Việc phát triển của ngành hàng tiêu dùng nhanh đang được thể hiện bằng việc nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng. Chính thu nhập đó đang tạo ra nhu cầu tiêu dùng rất nhiều các mặt hàng khác nhau, từ những sản phẩm công nghệ có tính lâu bền cho đến các sản phẩm tiêu dùng nhanh.
Sản phẩm tiêu dùng nhanh là một trong những mặt hàng tăng trưởng rất nhanh, liên tục tăng trưởng ở mức hai con số trong nhiều năm qua. Với dân số hơn 100 triệu dân ở nước ta, việc phát triển tiêu dùng tương đối đa dạng. Ở những người tiêu dùng trẻ, có nhu cầu tiêu dùng nhanh tương đối lớn. Họ thường yêu cầu hàng hóa đáp ứng được nhu cầu ngay và luôn vì thời gian đối với họ tương đối gấp gáp. Số người tiêu dùng này có yêu cầu cao và đa dạng.
Cùng với sự phát triển của người tiêu dùng trẻ, sự già hóa dân số cũng đang xảy ra. Nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng trung niên và già cũng đang thay đổi, họ cũng có nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng nhanh rất lớn. Cùng với sự phát triển của công nghệ số, nhu cầu đặt mua hàng online và ship đến tận nơi ở đã mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng cũng là một yếu tố lợi thế giúp ngành hàng tiêu dùng nhanh tiếp cận với đối tượng khách hàng này.
Thực tế, xu hướng tiêu dùng xanh, sạch hơn và đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đã trở thành 1 trong những yêu cầu của toàn dân, toàn xã hội. Vì thế, ngành hàng tiêu dùng nhanh cũng phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và vệ sinh môi trường, thu gom tái chế các phế thải. Đây là một trong những vấn đề ngành hàng này cần phải trú trọng để đáp ứng nhu cầu.
Mặc dù vậy, một yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh là phát triển bền vững, đặt trong thực tế khi các tài nguyên không thể tái tạo đang dần cạn kiệt, ảnh hưởng hậu khủng hoảng,... Hiện nay, doanh nghiệp Việt đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng “tiêu dùng bền vững”.
Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tiềm năng của ngành hàng tiêu dùng nhanh rất lớn, nhưng cạnh tranh cũng khốc liệt cùng với sự phát triển của kinh tế số và hoạt động mua sắm qua thương mại điện tử.
Thống kê của Bộ Công Thương mới đây cho biết, có hàng trăm điểm giao thương hàng hóa với Trung Quốc qua biên giới, chưa kể với các nước khác. Người tiêu dùng trong nước chỉ cần đặt hàng, 3-4 ngày sau hàng hóa đã về tay. Như vậy, cạnh tranh là quá khốc liệt với doanh nghiệp trong nước.
Khó khăn riêng của ngành hàng tiêu dùng nhanh đó là làm sao để sản phẩm trở nên tiết kiệm hơn, an toàn hơn nhưng đồng thời phải có chi phí hợp lý hơn. Hơn nữa, trong bối cảnh chúng ta có các cam kết NET Zero, đòi hỏi sản phẩm tiêu dùng nhanh nói riêng phải có rất nhiều thay đổi, chuyển biến để phù hợp với các yêu cầu xanh.
Chúng ta đã thấy, thời gian qua có rất nhiều các sản phẩm tiêu dùng nhanh từ mì ăn liền, bia, rượu… của chúng ta bị các quốc gia nhập khẩu kiểm tra rất gắt gao. Do đó, chúng ta cần phải xanh ngay từ khâu sản xuất, xanh từ lưu kho cho đến logistic, vận tải, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn nhất.
Đồng thời, quá trình này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có chứng chỉ xanh. Từng sản phẩm của doanh nghiệp phải gắn chứng chỉ xanh thì mới dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam và quốc tế. Đây là một vấn đề lớn, cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành. Tuy vậy, đầu tiên và cuối cùng vẫn là trách nhiệm của doanh nghiệp.
Việc xác nhận chứng chỉ xanh, doanh nghiệp dù muốn cũng không tự mình làm được. Do đó, họ rất cần nhận được sự vào cuộc, sự quan tâm của chính quyền, Chính phủ, của Quốc hội. Các quy định, nghị quyết phải được đồng bộ thì doanh nghiệp mới có thể giảm được chi phí tối đa trong việc đáp ứng được tất cả các yêu cầu.
Bình luận