• Zalo

Trường công lập top trên hạ chuẩn 'vét' thí sinh, trường top dưới có lâm cảnh 'khát'?

Giáo dụcThứ Tư, 02/08/2017 15:28:00 +07:00Google News

"Có ý kiến cho rằng các trường công lập “top trên” đã “chơi không đẹp” khi cố tình hạ điểm sàn để vét các sinh viên vào học khiến các trường dân lập “top dưới” không có sinh viên, tôi cho rằng chưa hẳn là như vậy" - đó là ý kiến của PGS.TS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Phương Đông.

PGS.TS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Phương Đông đã có những trao đổi thẳng thắn với PVVTC News khi đề cập đến vấn đề đổi mới đào tạo đại học và tuyển sinh đại học ở Việt Nam hiện nay.

Video: Tổng hợp điểm chuẩn năm 2017 của hàng loạt trường đại học

Các trường công lập “top trên” hạ điểm sàn để vét các sinh viên

- Thưa PGS.TS Bùi Thiện Dụ, tự chủ đại học đang được xem là xu thế tất yếu và sẽ tạo ra những cơ hội cho đổi mới đào tạo ở cấp đại học của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng vấn đề này còn nhiều bất cập, có thể gây trở ngại cho các trường “top dưới”. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Trong vấn đề quản lý xã hội thì tất nhiên luôn luôn có những bất cập. Ở đâu cũng vậy thôi, chứ không riêng gì ở ta. Nhiều nước phát triển khác họ cũng thế. Nhưng vấn đề là phải thay đổi tư duy. Nhìn thấy những bất cập thì phải đưa ra giải pháp để giải quyết.

Anh đã tham gia cuộc chơi thì anh phải chấp nhận. Kể cả quản lý có phần bất cập, họ “quăng quật” anh như thế, nhưng anh phải chấp nhận để tìm hướng đi cho mình.

Cũng như không thể đòi hỏi suốt đời bố mẹ đi theo để có thể chỉ dạy con những bài học đúng. Bố mẹ già yếu sẽ mất đi chứ, đâu cứ cả đời đi theo con cái mãi được. Mà ngay cả bố mẹ cũng có phải lúc nào cũng có thể giám sát con cái được đâu.

Nên vấn đề này tôi nghĩ hơi khác một chút. Tôi không cho rằng đây là rào cản, mà đây là cơ hội. Để các trường có thể cạnh tranh bình đẳng với nhau, thể hiện đúng năng lực của mình.

DSC02044

PGS.TS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Phương Đông.

Tôi lấy đơn cử như trong tuyển sinh, trường ngoài công lập thì gặp rất nhiều khó khăn. Trường chúng tôi cũng bị rơi vào trường hợp này nhưng mà chưa “rơi tự do”. Cũng có nhiều trường đại học hệ dân lập không trụ được vì không có đủ sinh viên theo học. Nhưng trường chúng tôi vẫn tuyển sinh được, dao động cũng không nhiều, từ 1.400 – 1.500 sinh viên. So với các trường ĐH khác thì không có vấn đề gì.

Cũng có ý kiến cho rằng các trường công lập “top trên” đã “chơi không đẹp” khi cố tình hạ điểm sàn để vét các sinh viên vào học khiến các trường dân lập “top dưới” không có sinh viên, tôi cho rằng chưa hẳn là như vậy. Tôi nghĩ về cơ bản và lâu dài, nhà nước phải tạo ra được một cái “khung chơi”.

Cũng như thi đấu thể thao ấy, anh đấu boxing hay muay Thái hay võ Judo hay vật cổ truyền Việt Nam gì đi nữa thì khi đã ra sân, anh phải tự tìm lối chơi của anh, phải sáng tạo, chứ lúc đó không thể đổ lỗi tại cái này cái khác.

Nên tôi nghĩ tự chủ đại học gặp khó khăn là đương nhiên. Nghĩa là anh phải tự hạch toán, tự đổi mới, tự tìm lối đi và chấp nhận cạnh tranh với nhau.

Có vị giáo sư Nhật sang Việt Nam, khi nói chuyện với tôi ông ấy bảo ở Nhật có những công ty rất thành công, sau thành các tập đoàn lớn, độ 4 – 5 tập đoàn. Nhưng mà Nhật cũng có tới hàng nghìn công ty chết đấy chứ. Gần 4000 công ty kia chết để cho 4 – 5 công ty này lên đấy chứ.

Thì quản lý nhà nước cũng phải nhìn vào thực tế, rằng nó khốc liệt như thế. Nên vấn đề ở đây là chính sách phải làm thế nào để các trường đại học “top dưới” vẫn còn điều kiện sống, vẫn còn có cơ hội để phát triển sang hướng đi khác. Không được như những trường lớn được thì cũng phải thành cái gì đấy, nghĩa là có hướng đi riêng, có bản sắc, vẫn có thể cạnh tranh và phát triển được.

Trường chúng tôi khâu tuyển sinh vẫn ổn. Chúng tôi nói vui là vẫn “vét được cả cá to, cá nhỏ, cả tép”, vì khả năng mình có thế thôi. Muốn hơn thì phải tự mình nâng mình lên, chứ cứ ngồi đó mà than vãn thì có ích gì.

Lâu nay khi nói đổi mới đào tạo đại học, chúng ta mới chỉ nói đến đổi mới cơ chế từ phía nhà nước. Nhưng đổi mới phải nhìn từ hai phía, đổi mới cũng phải bắt đầu từ chính tư duy của những người lãnh đạo các trường đại học.

Ở ta, tôi thấy có hai thái cực: một mặt thì quản lý tồi; mặt khác thì thấy bao cấp nghèo đói thế, muốn bỏ bao cấp nhưng lại muốn được sống trong sự bao cấp. Muốn đi ô tô, muốn tự do phát ngôn nhưng lại muốn nhà nước cứ đảm bảo cho tôi để tôi có thể duy trì sự tồn tại. Thế là thế nào? Phải thay đổi tư duy của mình đi.

Cần phải có kênh để đánh giá “đầu ra”

- Lâu nay trong đào tạo đại học, chúng ta mới chỉ đề cập nhiều đến khâu “đầu vào”, còn “đầu ra” thì chưa được chú ý nhiều. Hiện nay đã có trường nào đánh giá chất lượng đầu ra của sinh viên chưa?

Hiện nay trường chúng tôi chưa có thống kê đánh giá về điều này. Và tôi được biết nhiều trường khác cũng chưa có sự đánh giá thực sự có hệ thống và khoa học về chất lượng đầu ra của sinh viên.

Thông thường thì cũng có những biện pháp thống kê đấy, nhưng mà tính chính xác không cao. Ví dụ như cũng có gửi ra 1000 cái phiếu khảo sát cho các sinh viên sau khi đã tốt nghiệp ra trường, sau đó thu lại. Trong phiếu thì sinh viên cũng có ý kiến phản hồi thế này thế kia, nhưng để mang tính hệ thống và bài bản thì phải nói ngay là chưa có.

Tôi nghĩ việc đánh giá chất lượng đầu ra là rất quan trọng. Lẽ ra là khi học xong, ra trường, cần phải có ý kiến phản hồi từ sinh viên, bởi họ chính là khách hàng, họ có quyền phản ánh. Còn các trường đại học là nơi đào tạo, cung cấp dịch vụ giáo dục, thì phải nhờ khách hàng phản hồi ý kiến mà anh mới biết được là chất lượng đào tạo của anh đã tốt hay chưa, cái nào còn hạn chế, để từ đó mà điều chỉnh cho phù hợp.

Thực tế thì chúng tôi cũng cố gắng gắn kết với rất nhiều người, từ sinh viên cho đến cả phụ huynh, cả những người tìm được việc và chưa tìm được việc. Nhưng mà ở Việt Nam các trường chưa làm được điều này.

Chúng tôi nói vui là vẫn “vét được cả cá to, cá nhỏ, cả tép”, vì khả năng mình có thế thôi.

PGS.TS Bùi Thiện Dụ

Hiện nay, nhiều trường đại học cả công lập lẫn ngoài công lập đã và đang có đổi mới một chút, song cũng chưa mạnh. Tôi tiếp xúc phụ huynh và các em sinh viên, kể cả các em sau khi đã ra trường thì thấy phản hồi về trường khá tốt.

Khi khảo sát sinh viên trong trường thì chúng tôi nhận thấy khi hỏi biết đến trường ĐHDL Phương Đông do đâu thì chỉ có vài chục phần trăm cho biết là biết đến nhờ mạng xã hội, đài báo, internet thôi, số còn lại đa phần đều biết đến qua kênh bạn bè, người thân giới thiệu, hơn 60%. Qua đấy cho thấy dư luận đánh giá về Trường ĐHDL Phương Đông cũng khá ổn.

Phải biết nhận ra thế mạnh để chọn hướng đi

- Như trên ông đã nói là trong cạnh tranh, điều quan trọng là các trường phải nhận biết được thế mạnh và tìm cho mình hướng đi mới sao cho phù hợp. Vậy thế mạnh của Trường ĐHDL Phương Đông là gì?

Nhiều người cho rằng Trường ĐHDL Phương Đông là một trong những trường “top đầu” của khối trường ngoài công lập. Thực ra có lý do khách quan là trường được ra đời khá sớm, từ năm 1994, và có một đội ngũ sáng lập từ ban đầu. Chúng tôi nắm được cơ hội là thành lập đúng lúc, xã hội lại rất thiếu trường. Nên suốt hơn hai mươi năm qua, chúng tôi luôn bảo nhau cùng nỗ lực xây dựng trường phát triển và phải biết mình, biết người, phải khiêm tốn.

Chúng tôi đã đầu tư vào đào tạo chất lượng và xây dựng cơ sở từ rất sớm. Ngay từ những năm trước năm 2000, chúng tôi đã xây dựng cơ sở đào tạo ở phố Hoàng Quốc Việt (Q.Cầu Giấy, Hà Nội). Bây giờ đã chuyển nhượng. Sau đó mới xây dựng cơ sở nhà trường ở phố Trung Kính (Q.Cầu Giấy, HN). Nhưng trước đó chúng tôi cũng đã có cơ sở ở Hưng Ký (Q.Hai Bà Trưng, HN).

Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập, chúng tôi đã xác định là phải dựa vào hai trụ cột là Ngoại ngữ và Tin học. Ngày nay có vẻ hai lĩnh vực này vẫn còn phù hợp.

Nhưng cũng ngay từ năm 1995, chúng tôi cũng đã xác định xã hội sẽ cần những ngành khoa học công nghệ, khoa học và kỹ thuật. Nghĩa là còn cần cả phần cứng nữa chứ không chỉ có phần mềm. Chúng tôi đã tốn rất nhiều tiền để xây dựng ở khu Hưng Ký một Khoa công nghệ thông tin và Kiến trúc công trình, Khoa điện cơ – điện tử trong mức độ trường có thể đầu tư được.

Nếu nhìn rộng ra thì xã hội thì cứ khoảng 5 năm lại thay đổi. Thay đổi đó buộc các trường cũng phải nhận ra và điều chỉnh sao cho phù hợp. Ví dụ như trường chúng tôi, lúc đầu là Ngoại ngữ và Tin học. Nhưng đến khoảng năm 2010 thì lĩnh vực đào tạo Kiến trúc lại khá nổi ở trường ĐHDL Phương Đông.

DSC02024

 Hiện nay đào tạo tiếng Nhật đang là thế mạnh của Trường ĐHDL Phương Đông.

Nhưng trong Ngoại ngữ cũng có sự phân hóa. Mấy năm gần đây nổi lên là tiếng Nhật. Thế mạnh của ngoại ngữ trường ĐHDL Phương Đông chính là tiếng Nhật, chúng tôi đào tạo khá tốt. Sứ quán Nhật Bản hay các tổ chức Nhật Bản sang đây thì họ đều liên hệ với chúng tôi để cùng tổ chức các sự kiện.

Hiện nay, các lĩnh vực như Kiến trúc và tiếng Nhật, Công nghệ thông tin, đặc biệt là tiếng Nhật đang là điểm nhấn của trường.

- Được biết, ở một số trường đại học hiện nay đã thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, tổ chức. Trường ĐHDL Phương Đông đã thực hiện điều này chưa?

Thực tế thì hiện nay chúng tôi chưa có đào tạo theo đơn đặt hàng, hợp đồng cứng với các doanh nghiệp cụ thể, trừ đào tạo theo địa chỉ hay đơn đặt hàng của các địa phương miền núi, đấy là hình thức hợp đồng.

Chúng tôi chỉ có những buổi giao lưu, cung cấp thông tin định hướng hoặc là tạo điều kiện để thực tập hoặc hướng dẫn cho làm các đồ án, luận án. Hay như trong công nghệ sinh học, hướng dẫn cho các phòng thí nghiệm đắt tiền của họ thì mới chỉ liên kết các cơ sở theo chuỗi còn hợp đồng thì chưa có.

Cũng có vài trường hợp như có công ty chè họ cần lớp người như thế, họ đến và liên hệ. Nhưng khi bàn bạc thì họ cũng không khẳng định là sẽ ký hợp đồng để nhận số người đào tạo như thế. 

Chúng tôi không dám so sánh trường mình với những trường lớn cỡ như trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vì mình không thể bằng họ được. Trường đại học Bách khoa Hà Nội có những thuận lợi mà các trường khác không có được.

Không phải là trường ĐH Bách khoa Hà Nội phải ký kết hợp đồng đào tạo nguồn với ngành điện mà là ngành điện cần phải liên hệ với trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Vì họ được nhà nước ưu ái, mà họ cũng giỏi thật, họ có tới hơn 700 tiến sĩ cơ mà. Chất lượng đào tạo của họ khá tốt.

Nhưng cũng phải nói là mấy chục năm chiến tranh, rồi lại bao cấp, cơ chế đó cũng khiến cho tư duy con người ta cũng trì trệ. Mấy người bạn tôi ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thường nói với tôi về điều này.

Nhìn chung, không chỉ ở tầm vĩ mô của nhà nước, mà ngay chính các trường đại học của ta hiện nay cũng cần phải thay đổi tư duy của chính mình.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn