Trong chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Hiểu đúng về Mì ăn liền" do Báo điện tử VTC News tổ chức, chuyên gia dinh dưỡng PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia đã đưa ra những lời khuyên bổ ích giúp các bậc phụ huynh, người tiêu dùng có cái nhìn thấu đáo hơn về mì ăn liền, từ đó, có thể sử dụng món ăn này một cách an toàn, lạnh mạnh hơn mà không phải lo lắng.
Sau đây là phần tóm tắt hỏi đáp của chuyên gia giúp quý vị độc giả có thêm thông tin khoa học hơn.
1, Thực trạng sử dụng mì ăn liền hiện nay tại Việt Nam, quan điểm của chuyên gia về việc sử dụng mì ăn liền
Hiện nay, mì ăn liền là thực phẩm được nhiều người ưa thích sử dụng. Có nhiều gia đình không thích cho con sử dụng mì ăn liền, nhưng cũng có gia đình đã biết cách chế biến gói mì để bữa ăn đa dạng, đủ chất dinh dưỡng hơn.
Theo quan điểm của tôi, mì gói hoàn toàn có thể đưa vào bữa ăn trong gia đình, có thể thay thế bữa chính hoặc bữa phụ đều được. Vấn đề là chúng ta cần chọn loại mì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ nguyên liệu đến cơ sở chế biến có uy tín. Các khâu từ chọn lựa đến sản xuất, đóng gói đều đứng về khía cạnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, kiến thức từ người tiêu dùng cũng quan trọng. Khi chúng ta đã lựa chọn được gói mì tốt rồi, thì còn phải biết chế biến cho dinh dưỡng hơn.
Trong gia đình chúng ta có sẵn các loại rau, gia vị như xà lách, hành tây… cũng sẽ giúp chế biến nhanh 1 bát mì ăn liền. Rồi chúng ta có thể cho thêm quả trứng, mấy miếng giò để được 1 bát mì cân đối, đủ các nhóm thực phẩm từ chất bột đường, chất béo, protein, rau xanh, quả chín. Nếu ăn xong mà không vội thì có thể ăn thêm 1 quả chín gì đó, giúp bữa ăn thêm cân đối.
2, Ăn mì có gây nóng không?
Nóng trong người thường được hiểu như khi trẻ bị táo bón, mẹ sẽ bảo là do ăn món này, món kia nên bị nóng. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu bản chất rằng, các khẩu phần ăn, đặc biệt là của học sinh, sinh viên thường lười ăn rau xanh và quả chín, dẫn đến thiếu chất xơ. Chính đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng táo bón thường xuyên.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là do uống ít nước. Ở tuổi học sinh, các cháu chạy, chơi, vận động ra mồ hôi rất nhiều nhưng không có ý thức uống đủ nước. Đối với độ tuổi học sinh cấp 1, cấp 2, cũng phải cần bổ sung đủ nước, từ 1 - 2 lít nước mỗi ngày. Khi cơ thể thiếu nước thì sẽ tăng hấp thu nước ở đường ruột, dẫn đến táo bón.
Có một thực trạng là nhiều người ăn những loại quả có vị chát như hồng xiêm chưa chín, mận còn xanh, ổi chát, sung… điều này cũng có thể gây táo bón ở người trưởng thành.
Một tình trạng nữa là thiếu vitamin D. Theo các nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, 50% người Việt Nam thiếu vitamin D. Chính điều này làm cho canxi trong khẩu phần ăn không được hấp thu. Đặc biệt như khi các em nhỏ uống sữa rất nhiều, nhưng trong đó có ít vitamin D thì canxi không được hấp thu, đọng trong lồng ruột và gây ra táo bón.
Ngoài ra, ở Việt Nam, quy trình vệ sinh ở nhà trường không sạch sẽ, các cháu mót đi ngoài nhưng sợ, nhịn, tạo thành thói quen dẫn đến táo bón.
Ở các bạn học sinh, sinh viên thường vận động quá ít, mà thời gian tĩnh tại nhiều như xem tivi, chơi điện tử, học bài… cũng là nguyên nhân góp phần gây thêm tình trạng táo bón. Do vậy, nguyên nhân gây táo bón thì rất nhiều, chúng ta cứ “đổ oan” cho mì gói thì cũng không đúng.
3, Ăn nhiều mì tôm hoặc ăn liên tục trong thời gian dài có tốt không?
Chúng ta rất may là đã đi qua thời kỳ COVID-19. Tôi thấy rằng trong thời kỳ COVID-19 xảy ra, đã có tình trạng nhiều cửa hàng hết cả mì ăn liền để bán. Có người còn mua đến 5-6 thùng về chia cho các thành viên trong gia đình.
Khi tôi đi công tác cũng gặp nhiều người mang theo mì rất nhiều. Trong những tình huống chẳng may chúng ta phải ăn mì ăn liền nhiều, cũng không có nhiều những thực phẩm đa dạng để ăn.
Trong thời kỳ giãn cách, cơ quan ban ngành cũng đã cố gắng cung cấp thực phẩm ở mức giới hạn. Ví dụ như rau xanh, tôi thấy vẫn được cung cấp đủ thông qua việc bố trí những địa chỉ ở các khu phố. Các tổ chức từ thiện cũng cung cấp rau sạch, trứng cũng là mặt hàng dễ cung cấp.
Chúng ta vẫn nên nấu mì và cho thêm các loại thức ăn chứa chất đạm, chẳng hạn như trứng, đậu phụ, thịt lợn, thịt bò, thịt gà… Chúng ta có thể chọn thêm các loại rau củ mà để được lâu như rau cải, rau muống, bí, mướp… đều có thể nấu cùng với mì.
Ngoài ra hiện nay, chúng ta còn có một loại thực phẩm khác nữa là rong biển cũng được bán nhiều ngoài thị trường. Có thể ngâm rong biển cho nở ra, mẹ nấu mì cho con và thêm quả trứng. Nếu mẹ nấu mì cho con mà thêm các thành phần như vậy thì sẽ đầy đủ chất dinh dưỡng. Chúng ta cần hiểu rằng, mì ăn liền ở đây chỉ là ngũ cốc, thay thế cho cơm hay bánh mì.
Các doanh nghiệp sản xuất mì cũng đã cố gắng cho thêm một ít thịt vào mì, nhưng vì số lượng không đáng kể nên chúng ta có thể cho thêm một số lượng chất đạm (protein) từ các món kể trên như thịt, tôm, trứng, thêm rau xanh nữa. Tùy theo nhóm tuổi thì mỗi bữa ăn chúng ta có thể cho thêm khoảng 100-150g rau xanh. Như vậy thì món ăn sẽ đa dạng hơn.
4, Cách dùng các loại mì nhập khẩu như thế nào để phù hợp với người Việt?
Những loại mì nhập khẩu của nước ngoài đa phần không phù hợp khẩu vị, vị giác của người Việt Nam. Do vậy, chúng ta vẫn thiên về các gói gia vị của mì trong nước.
Một số bạn trẻ thích thử, ăn tăng độ cay, thì tôi nghĩ chúng ta có thể thử, nhưng khi cho gói gia vị cay thì chỉ nên cho 1/4, 1/3 thôi chứ đừng cho hết vì sẽ cay quá không ăn được. Những bạn có nguy cơ về dạ dày, khi ăn cay quá sẽ bị kích thích, đau dạ dày. Khi chế biến chúng ta cũng thêm các loại rau khác nhau, uống đủ nước, thêm một món ăn có chất đạm nữa thì bữa ăn sẽ cân đối hơn.
Ngay cả những gói gia vị mặn quá, chúng ta cũng khuyến khích ăn nhạt hơn, chúng ta cũng chỉ cho 1/3 gói gia vị đó thôi để tránh thừa muối. Do vậy, tùy theo các loại mì nhập khẩu mà chúng ta tự cân đối với khả năng ăn của mình cho phù hợp.
Nội dung chi tiết và đầy đủ của chương trình Tọa đàm trực tuyến "Hiểu đúng về Mì ăn liền" kính mời quý vị theo dõi tại đây.
Bình luận