(VTC News) - Ngày Tết cổ truyền là dịp mọi người được sum họp quây quần bên gia đình mình. Đối với PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2011 Phạm Hoàng Hiệp, nỗi nhớ càng trở nên da diết bởi đây là cái Tết thứ hai anh không được đoàn tụ cùng gia đình.
Cái Tết thứ hai xa nhà
Những năm trước, dù bận rộn với công tác nghiên cứu, giảng dạy nhưng PGS trẻ nhất 2011 Phạm Hoàng Hiệp vẫn luôn sắp xếp công việc để đón Tết cổ truyền cùng gia đình.
Anh chia sẻ: “Đón Tết cổ truyền dân tộc là một điều thiêng liêng hàng năm đối với mỗi người dân Việt Nam chúng ta, là một dịp được sum họp cùng gia đình người thân và bạn bè. Do vậy khi ở trong nước dù có bận rộn công việc đến mấy bao giờ tôi cũng bố trí ít ngày nghỉ dành cho bố mẹ, anh em, vợ con cùng bạn bè thân thiết”.
Những kỷ niệm về Tết có lẽ thú vị nhất lại là công việc chuẩn bị đón năm mới. “Công việc chuẩn bị Tết ở quê thật là vui vẻ và đầm ấm, vui nhất là cảnh các gia đình chung nhau mổ lợn, gói bánh chưng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa...”. Hiện nay, tuy đã lập gia đình song nếp sống về quê ăn Tết cùng gia đình vẫn được anh duy trì.
Nỗi nhớ con, "thèm" được đón Tết bên gia đình luôn luôn thường trực |
Đây là năm thứ 2 PGS Hiệp phải đón năm mới xa quê. Năm ngoái, anh đón năm mới trên đất nước Ý còn năm nay anh sẽ đón năm mới cùng cộng đồng người Việt tại Pháp. Tuy cộng đồng người Việt ở Pháp rất đông và đoàn kết nhưng điều đó vẫn không làm vơi đi nỗi nhớ gia đình, quê hương và người thân trong anh những ngày trước thềm năm mới này.
“Có đi xa mới thấy rằng phong tục đón tết cổ truyền của người Việt thật là thiêng liêng, trân trọng và đáng quý biết chừng nào. Đã là người Việt ai cũng muốn được đón Tết tại quê hương Việt Nam mình; vừa có không khí sum họp gia đình, vừa nhớ đến công lao của ông bà tổ tiên, vừa chúc cho nhau gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Trong ngày Tết mọi người cảm thấy hướng thiện hơn, sống tốt đẹp với nhau hơn” - PGS Phạm Hoàng Hiệp tâm sự.
Anh Hiệp quan niệm rằng “Tết cổ truyển dân tộc của người Việt Nam rất quan trọng và thiêng liêng, có nhiều ý nghĩa giáo dục nhân văn trong cuộc sống”.
Tuy nhiên, vị PGS trẻ tuổi này cũng thừa nhận cùng với sự phát triển của khoa học và đời sống kinh tế phát triển, một số phong tục, tập quán đón Tết cũng có sự thay đổi và giảm bớt độ tín ngưỡng nhất định song điều đó cũng không thể làm mất đi sự thiêng liêng của ngày Tết cổ truyển.
Đây đã là năm thứ 2 PGS Phạm Hoàng Hiệp không thể về Việt Nam ăn tết cùng gia đình |
Những giá trị giáo dục nhân văn của ngày Tết cổ truyền sẽ không bao giờ thay đổi. Đó là nhớ về công lao của ông bà, cha mẹ tổ tiên, công lao dạy dỗ của thầy cô, sống tốt đẹp và hoà đồng hơn trong gia đình họ hàng làng xóm và cộng đồng xã hội. Hành động quan tâm mừng tuổi cho con trẻ là mong các cháu mạnh khoẻ ngoan ngoãn và hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn sẽ đến với tất cả mọi nhà.
Trân trọng những giây phút Giao thừa bên gia đình
Năm mới sắp tới, PGS Hiệp lại bồi hồi nhớ lại: “đã thành thông lệ khi sắp đến Giao thừa bố thường cùng 2 anh em tôi đi dạo quanh đường phố, bờ sông xem bắn pháo hoa cảm nhận giờ phút của năm cũ qua đi năm mới đã đến. Sau đó cả 3 bố con sẽ về xông nhà mong cho một năm mới nay mắn và hạnh phúc với tất cả các thành viên trong gia đình”.
Giây phút khi người bố anh trao tận tay từng bao lì xì và chúc năm mới cho lần lượt các thành viên trong gia đình sẽ là kỷ niệm thiêng liêng không thể nào quên đối với chàng trai PGS trẻ tuổi này.
Giây phút cả gia đình quây quần bên mâm cơm lúc giao thừa sẽ luôn được những người con xa quê như anh trân trọng và nhớ mãi.
Theo PGS Phạm Hoàng Hiệp, dù đời sống có phát triển nhưng những giá trị truyền thống vẫn không bao giờ thay đổi |
Năm nay, Phạm Hoàng Hiệp vinh dự được trở thành PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2011 nhưng điều đó cũng không khiến anh chịu quá nhiều áp lực. Thành tích đó chỉ là ban đầu giúp anh thêm động lực tiếp tục phấn đấu đạt được những thành công hơn nữa trong sự nghiệp phía trước.
Anh tâm sự: “Khi nhận được danh hiệu này tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc, tuy nhiên là người Việt Nam đang trong lứa độ tuổi trẻ, với niềm đam mê khoa học tôi vẫn mong muốn rằng phải tiếp tục học tập nghiên cứu nhiều hơn nữa để có thể khám phá những phát hiện mới trong toán học”.
Bản thân anh tự nhận thấy mình phải cố gắng làm tốt hơn nữa công tác giảng dạy để làm tròn trách nhiệm đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng phát triển trí tuệ và phẩm chất, góp phần cống hiến cho sự nghiệp phát triển quê hương đất nước.
Trước thềm năm mới, với tư cách là một người trẻ thành công, PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2011 không quên gửi lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ: “Với các bạn trẻ trước thềm năm mới, chúng ta hãy ra sức học tập và sống hết mình với niềm đam mê của tuổi trẻ là được khám phá và cống hiến. Với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Việt Nam tôi tin tưởng rằng các bạn trẻ chúng ta sẽ đạt được nhiều thành công trong học tập, công tác và có những đóng góp nhất định cho xã hội ngày càng phát triển của chúng ta”.
Phạm Thịnh
Bình luận