Điều hòa hay nhiệt kế?
"Chúng tôi đã chơi tốt hơn đối thủ, nhưng bóng đá là vậy" - Pep Guardiola trả lời với tâm trạng trĩu nặng trong phòng họp báo. Thảm bại 0-4 trước Everton, nửa xanh thành Manchester đã rơi xuống vị trí thứ 5. Chưa lúc nào trong kỷ nguyên thống trị (tính từ chức vô địch Premier League dưới thời HLV Roberto Mancini), Man City có thành tích kém cỏi như vậy.
Video: Everton 4-0 Manchester City
Để phục vụ mục tiêu "hóa rồng", trở thành đại gia thực sự của bóng đá châu Âu (thay cho hình ảnh "thiếu gia ăn xổi" với thành công trên nền tảng dầu mỏ), Man City đã mang về những bản hợp đồng chất lượng. Kevin de Bruyne, Raheem Sterling, Nicolas Otamendi, John Stones, Claudio Bravo... và hơn hết là Pep Guardiola - chiến lược gia được cả thế giới theo đuổi.
Chỉ vậy là đủ để vẽ ra hai bức tranh đối lập của Man City, giữa mảng màu tươi sáng của sự kỳ vọng và mảng màu tối tăm của hiện thực phũ phàng. Man City mạnh nhất trong nhiều năm đang có thành tích tồi nhất trong nhiều mùa (ít điểm nhất, hiệu số kém nhất, bàn thua nhiều nhất). Lí do tại sao?
Pep Guardiola trả lời: Bóng đá là vậy! Lỗi là của bóng đá, thất bại là do quy luật khắc nghiệt của bóng đá, Man City thủng lưới cũng là do... quả bóng lăn vào lưới. Đổ lỗi của một đối tượng "không thể cãi lại", đó là lựa chọn thông minh mà chẳng ai có thể bắt bẻ Pep Guardiola.
Nhưng tận sâu thâm tâm, chiến lược gia người Tây Ban Nha có khi nào đặt câu hỏi: Tại sao Man City đá hay hơn mà vẫn thua?
Đội chủ sân Etihad vẫn cầm bóng nhiều nhất Premier League (60,6%), chuyền bóng chính xác nhiều thứ hai (84,6%) và có số cú sút nhiều thứ tư (16,2). Pep Guardiola đã thành công khi gây dựng cho Man City một bộ chỉ số hoàn hảo. Man City áp đảo đối phương, tạo dựng cơ hội và lên bóng hoàn hảo. Chỉ có một điều Pep Guardiola không thể kiểm soát, đó chính là bàn thắng.
Nếu chơi hay hơn đối thủ mà không thể chiến thắng, đó là thiếu may mắn. Dẫu vậy, có đến 8 trận đấu "thiếu may mắn", đội bóng phải tự xem lại mình. Kiểm soát bóng khác với kiểm soát thế trận, bởi đội bóng sở hữu thời lượng cầm bóng ít vẫn có thể làm chủ tình hình. Pep Guardiola không tin điều đó khi cho rằng: Cầm bóng nhiều mới là phương thức dẫn đến chiến thắng.
Sự xung đột tư duy giữa Pep Guardiola và bóng đá Anh là nguyên nhân sa sút của Man City hiện tại. Dưới thời cựu HLV Barcelona, Man City tôn sùng triết lý kiểm soát với mục đích: trấn áp Premier League bằng tư duy chơi bóng của mình.
Giống như một chiếc điều hòa có thể khiến môi trường biến đổi theo mình, Pep Guardiola được ví như "nhà truyền giáo" đến để "dạy người Anh cách chơi bóng" (theo cách gọi của truyền thông Anh).
Tuy nhiên, chiếc điều hòa ấy có "thiên biến vạn hóa" hay không, thành tích của Man City hiện tại của Man City là câu trả lời, với gương mặt đượm buồn của nhà truyền giáo đang thất thế bởi thứ bóng đá do mình tôn sùng.
Bảo thủ hay kiên định?
Jose Mourinho được coi như chiến lược gia bảo thủ và cứng nhắc bậc nhất thế giới bóng đá hiện đại, song ông thầy người Bồ Đào Nha không sánh được với Pep Guardiola ở thời điểm hiện tại. Trên phương diện "dụng nhân", Pep Guardiola còn bảo thủ hơn nhiều.
Tin tưởng John Stones (dù phong độ sa sút), để Kolarov đá trung vệ, cho Zabaleta chơi tiền vệ phòng ngự, trao băng đội trưởng cho Fernandinho, gò ép cặp hậu vệ biên phải bó vào trung lộ,... chỉ là số ít trong hàng loạt thử nghiệm bất thành của Pep Guardiola. Ai cũng biết, Guardiola thích sự sáng tạo và những chiến thuật mang lại cảm hứng cao độ, nhưng Man City đang là tập thể rối ren giữa sự chuyển giao của hai thế hệ.
Gael Clichy, Sagna, Kolarov, Yaya Toure, David Silva,... đã ở giai đoạn hoàng hôn của một chu kỳ. Kết hợp với những nhân tố mới, Man City không có sự đồng nhất về mặt chất lượng con người. Khác với Barcelona hay Bayern Munich với nền tảng vững vàng, Man City quá lỏng lẻo để Pep Guardiola thực hiện những mảnh ghép liên hoàn như vậy.
Zabaleta không thể thông minh như Phillip Lahm để đá tốt vị trí tiền vệ phòng ngự dù xuất thân là hậu vệ biên. Hàng thủ Man City cũng không thể ổn định nếu chưa cầu thủ nào (ngoài Kolarov) đá quá 17 trận. Mà trong 24 lần ra sân mùa này, 12 lần Kolarov đá trung vệ, 12 lần đá hậu vệ. Vậy vị trí sở trường của hậu vệ này là gì?
Bảo thủ không nhất thiết phải là "dùng người bất chấp thất bại", mà còn là "thay đổi liên tục dù thay đổi liên tục sẽ đồng nghĩa với thất bại". Jose Mourinho - "con cá mập" ở Premier League còn phải cương nhu tùy lúc, Antonio Conte, Jurgen Klopp phải hóa thành những chiếc nhiệt kế để thích nghi với bóng đá Anh.
Trong khi Pep Guardiola vẫn ở trong vai "nhà truyền giáo" với những thất bại do trọng tài, do "bóng đá Anh như thế" hay ngắn gọn hơn là do "bóng đá là vậy". Để rồi, Man City vẫn tiếp tục rơi với những trận đấu cầm bóng trong vô vọng.
Bình luận