Chuyến công du diễn ra chỉ một ngày ngay sau chuyến thăm một loạt nước châu Phi của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được cho là không chỉ giúp tăng cường hợp tác và kinh tế song phương, mà còn thúc đẩy chiến dịch ngoại giao vaccine để gia tăng “quyền lực mềm” tại những khu vực chiến lược.
Ngoại trưởng Trung Quốc hôm qua (11/1) đến Myanmar ở chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm 5 ngày đến các quốc gia Đông Nam Á. Tại cuộc gặp Tổng thống Myanmar U Win Myint, ông Vương Nghị cho biết sẽ đề nghị phân phối vaccine do nước này sản xuất tới Myanmar để giúp kiểm soát đại dịch.
Theo đó, Ngoại trưởng Trung Quốc cam kết cung cấp 300.000 liều vaccine cho Myanmar. Tổng thống U Win Myint cũng khẳng định cam kết thúc đẩy mối quan hệ và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực bao gồm vaccine ngừa Covid-19, văn hóa và du lịch. Sau khi đến Myanmar, Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ đến thăm Indonesia, Brunei và Philippines.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các nước ASEAN đang chuẩn bị tiến hành chiến dịch tiêm chủng vaccine đại trà. Theo truyền thông địa phương, nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, Thái Lan hay Philippines đều đặt hàng vaccine ngừa Covid-19 từ Trung Quốc. Theo đó, Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn dự kiến bắt đầu từ 13/1 tới và Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ là một trong những người đầu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 Sinovac của Trung Quốc.
Tại Philippines, nước này đã đàm phán để sở hữu 25 triệu liều vaccine Sinovac, dự kiến bàn giao vào tháng 3/2021. Thái Lan cũng sẽ nhận được khoảng 2 triệu liều vaccine Sinovac trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4/2021. Giới chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc cung cấp vaccine cho các quốc gia ASEAN có thể thúc đẩy hình ảnh của nước này tại khu vực mà Trung Quốc nhấn mạnh có vị trí địa chiến lược quan trọng.
Ngoài vấn đề thúc đẩy hợp tác phòng ngừa dịch Covid-19, chuyến thăm tới Đông Nam Á cũng được cho là thảo luận những biện pháp hợp tác kinh tế với các quốc gia ASEAN, đặc biệt sau khi Thỏa thuận thương mại tự do RCEP được ký kết gần đây.
Mặc dù Trung Quốc khẳng định kế hoạch này nằm trong cam kết chia sẻ vaccine với thế giới, nhưng giới chuyên gia nhận định không khó để thấy mục tiêu của Trung Quốc trong việc sử dụng ngoại giao vaccine trong chính sách đối ngoại.
Chuyên gia phân tích Yanzhong Huang thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại nhận định:“Trước hết, Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh của nước này trên toàn cầu. Thứ 2, Trung Quốc muốn quảng bá vaccine do nước này sản xuất trên thị trường các nước và thứ 3 dùng vaccine như một công cụ ngoại giao đối với các quốc gia mà nước này có lợi ích chiến lược”.
Việc chọn Đông Nam Á trong chuyến thăm vào đầu năm 2021 của Ngoại trưởng Trung Quốc chỉ diễn ra 1 ngày sau khi tới một loạt quốc gia châu Phi. Theo giới chuyên gia, nhìn vào danh sách các quốc gia mà Trung Quốc muốn ưu tiên tiếp cận vaccine, tất cả đều thuộc các nước đang phát triển, hầu như đều nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường và một số quốc gia đó được coi là quan trọng về mặt chiến lược đối với Trung Quốc như Pakistan hay Indonesia.
Trong bối cảnh các nước phát triển châu Âu ráo riết thu mua các liều vaccine và tiêm phòng cho người dân của mình, việc Trung Quốc cung cấp vaccine cho các quốc gia khó có cơ hội tiếp cận, đang thể hiện hình ảnh một "cường quốc hữu nghị”, cung cấp quyền tiếp cận vaccine cho tất cả mọi người.
Bình luận