• Zalo

Ông Vương Đình Huệ và những lời mẹ dặn

Thời sựThứ Bảy, 05/01/2013 12:24:00 +07:00Google News

Việc bổ nhiệm Bộ trưởng Vương Đình Huệ vào cương vị mới đã thu hút sự quan tâm của truyền thông, dự luận và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Bộ Chính trị vừa ban hành quyết định về việc thành lập Ban Kinh tế T.Ư và phân công đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính - giữ chức Trưởng ban Kinh tế T.Ư.

Việc bổ nhiệm Bộ trưởng Vương Đình Huệ vào cương vị mới này đã thu hút sự quan tâm của truyền thông, dự luận và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Hồi ông Vương Đình Huệ đắc cử Bộ trưởng Bộ Tài chính, một tờ báo đã cử phóng viên về tận làng Xuân Lộc, Hà Tĩnh để gặp thân mẫu của tân Bộ trưởng.

Bài báo mở đầu bằng câu mẹ ông Huệ nói: “Con cái thành đạt, ai cũng tự hào. Nhưng đã làm “đầy tớ” của dân thì phải làm cho hết lòng. Yêu lấy dân thì dân sẽ yêu lại. Đó là điều mà tôi vẫn thường dặn mỗi khi Huệ về thăm nhà”.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ 

Thế rồi, ngay trong những ngày đầu nhậm chức, vị tân Bộ trưởng - trước đó giữ trọng trách Tổng kiểm toán Nhà nước - khẳng định: “Một trong những công việc tôi ưu tiên là làm việc với Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, rà soát lại các số liệu về giá điện, giá xăng cũng như kiểm soát giá một số mặt hàng khác rất quan trọng như thuốc chữa bệnh, giá lương thực, thóc lúa”.


Ông đã không nói đùa, bởi ngay trong những hoạt động đầu tiên dưới cương vị tư lệnh nắm “tay hòm chìa khóa” tài chính quốc gia, Bộ trưởng đã nói tới hai chữ “vì dân”: “Quan điểm điều hành của Bộ Tài chính - ông nói - sẽ không thể vì quyền lợi của 11 doanh nghiệp đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân”.

Thậm chí, vị Bộ trưởng, nom dáng vẻ nho nhã khẳng định như đinh đóng cột sẽ “chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định giảm giá xăng dầu”.

Không cần phải nhắc lại, lời tuyên bố bấy giờ đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của nhân dân cũng như truyền thông như thế nào. Và cùng với Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ông được kỳ vọng như những nhân tố đột phá của một “thế hệ bộ trưởng mới”, được tán dương như một “bộ trưởng (của) hành động”.

Giờ đây, khi đảm nhiệm trọng trách Trưởng ban Kinh tế T.Ư, trách nhiệm của ông lớn hơn nhiều so với việc kiểm soát giá cả, nắm tay hòm chìa khóa tài chính quốc gia.
Những phát ngôn nổi tiếng:

Không ai dọa được Nhà nước

Phát biểu tại Hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” ngày 20/9, Bộ trưởng Huệ khẳng định: “Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập TCty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước…

Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi xin tuyên bố sẽ không cho phép doanh nghiệp nào bỏ việc lưu thông xăng dầu, khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 80 triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ này”.

Mất ngủ

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ có lần đã nói ông “mất ngủ” vì cái khó: Một mặt theo cơ chế thị trường, mặt khác chỉ tiêu lạm phát dưới hai con số. Hai mục tiêu này gần như trái ngược nhau, không gian chính sách và dư địa để cho doanh nghiệp phấn đấu là rất khó khăn. Đây là điều quá khó, nhất là trong trường hợp nếu giá điện tăng 5% sẽ tác động đến 0,36% CPI.
Không thích dùng từ “thắt chặt”

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: “Tôi không thích dùng từ “thắt chặt”. Tài chính như mạch máu của nền kinh tế, ta phải đảm bảo cho nó lưu thông theo đúng quy luật kinh tế khách quan của nó. Do đó, tôi thích dùng chính sách tiền tệ hay tài khóa chặt chẽ, đúng với nguyên lý sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ”.

Ngân sách như một tấm chăn

Đăng đàn sáng 31/10/2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã cố gắng “co kéo” các nguồn để dự kiến bố trí được 20.700 tỉ đồng để tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng hiện nay lên 1,15 triệu đồng.

Bên hành lang Quốc hội ngay sau đó, ông nói: “Cố gắng bố trí tăng thêm 100.000 đồng tiền lương mà còn nhiều ý kiến khác nhau, lo không đủ nguồn. Nói thật, ngân sách như tấm chăn, co chỗ này thì hụt chỗ kia. Tiền chỉ có vậy, muốn nâng lên cũng khó.

Theo Lao Động
Bình luận
vtcnews.vn