Sáng 6/9, các đại biểu tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội để cho ý kiến về báo cáo phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2017.
Góp ý về báo cáo, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cũng cho rằng, báo cáo chưa đạt yêu cầu, chưa đúng tầm của một báo cáo PCTN, cần phải cân nhắc đưa cái gì, bỏ cái gì.
Đại biểu Vũ Trọng Kim dẫn chứng thống kê trên 98% người kê khai tài sản, không nên đưa vào báo cáo, rồi trong số đó chỉ 3 người kê khai không trung thực bị xử lý. Vì vậy, ông Kim cho rằng số liệu này không phản ánh đúng bản chất sự việc và nên bỏ ra khỏi báo cáo.
Ông Kim cũng không đồng tình với con số 25 người đứng đầu các cơ quan đoàn thể chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng.
“Tham nhũng tràn lan như thế mà người đứng đầu chẳng chịu trách nhiệm gì, thoát tội hết. Né tránh quá nhiều, như Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói, tổ chức thực hiện quá kém và không có bản lĩnh làm việc này”, ông Kim nêu.
Vị đại biểu này cho rằng cần cập nhật về những đại án nghìn tỷ đã được xử lý như thế nào. Ngoài ra, những vụ án lớn kéo dài cũng cần được làm rõ.
“Nếu cứ nói chung chung thì “đánh” cái gì nữa? Lò nóng rồi mà củi không đưa vào thì lò sẽ tắt… Không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả, nên chống lưng với chống tham nhũng là giống nhau”, ông Kim nói.
Ông Kim cho rằng cần phải dựa vào nhân dân vì ở địa phương nếu ai tham nhũng thì nhân dân cũng sẽ biết.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng đánh giá, báo cáo đưa ra nhận định tình hình không sát, không đáp ứng kỳ vọng của người dân.
Đại biểu Học cũng nêu ra câu hỏi: "Tham nhũng năm 2017 tăng hay giảm? Trong khi Chính phủ nhận định tham nhũng giảm, nhưng số liệu lại cho thấy tăng, số liệu khởi tố vụ án mới tăng so với năm 2016. Rồi nhìn nhận “tình hình tham nhũng là tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng, vậy Chính phủ nhìn nhận tăng hay giảm?".
Ông Học cho rằng báo cáo chưa đưa ra nhận định, đánh giá mang tính thuyết phục.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay, nếu nhìn lại các vụ án về tham nhũng đang điều tra, xét xử thì đa phần đã xảy ra cách đây hàng chục năm như vụ Hà Văn Thắm từ 2009, Trịnh Xuân Thanh cũng thời điểm 2009, Vinashin, Vinalines, Phạm Công Danh cũng ở giai đoạn đó.
“Tức là các vụ án lớn hiện nay đang giải quyết hậu quả của thời gian trước, quản lý hạn chế, nhất là các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Ở các vụ này đều có hai vấn đề cần phải tập trung giải quyết là lợi ích nhóm, thành lập sân sau”, ông Vương cho hay.
Video: Ông Nguyễn Thiện Nhân nói ' việc kỷ luật cán bộ cấp cao thể hiện trách nhiệm của Đảng'
Theo Thứ trưởng Vương, qua các vụ việc này nổi lên một số vấn đề như việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả, đạo đức công vụ của cán bộ trong một số lĩnh vực yếu kém, lợi ích nhóm, cầm tiền chia chỗ này, chỗ kia; kiểm toán nội bộ và thanh tra chuyên ngành chưa đạt hiệu quả; thiếu công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan...
“Đơn cử như sai phạm PVC - vụ án đang điều tra thì việc thành lập doanh nghiệp, chỉ định thầu không đúng quy định, nhất là sai phạm trong tổng thầu. Hay lĩnh vực ngân hàng cũng cho vay rất dễ dàng, cứ rót vốn Nhà nước vào rồi cho vay. Hiện đang xử vụ Oceanbank cho thấy sơ hở rất lớn trong quản lý”, ông Vương nói.
Bình luận