Tại Đại hội lần thứ I, các đại biểu cũng đã thống nhất bầu ra Ban Chấp hành Hiệp hội; Ban Kiểm tra Hiệp hội, đồng thời thông qua phương hướng hoạt động và Dự thảo Điều lệ với 8 chương và 26 điều.
Bước tiến mới của ngành dịch vụ phát triển kinh doanh
Chia sẻ tại Đại hội, ông Nguyễn Tiến Đức - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết: “Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, việc đạt được mục tiêu thành lập 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là hết sức khả thi”.
Tuy nhiên, chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay mỗi tháng trung bình có khoảng 7.300 doanh nghiệp giải thể, phá sản. Hiện tượng này đến từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân quan trọng là doanh nghiệp chưa biết sử dụng hoặc chưa có một tổ chức chính thức hỗ trợ các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Trong bối cảnh trên, sự ra đời của Hiệp hội các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO) theo Quyết định số 299/QĐ-BNV ngày 28/02/2018 của Bộ Nội vụ là bước tiến quan trọng góp phần nâng cao năng lực ngành dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam, định hướng hoạt động cho hội viên, trở thành bệ phóng cho các doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển chuyên nghiệp và bền vững.
Phương hướng hoạt động: thực chất, đi vào chiều sâu
Đánh giá cao quyết định thành lập VABO, TS. Đinh Việt Hoà - Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp Quốc gia nhìn nhận đây là một cầu nối quan trọng gắn kết giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, doanh nghiệp và nhà nước, qua đó tăng cường tính đối thoại giữa các bên.
“VABO đang hướng tới mục tiêu 400, 500 doanh nghiệp hội viên ở giai đoạn đầu. Tôi hy vọng Hiệp hội sẽ có những hoạt động thiết thực để gia tăng tính tương tác và tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp thành viên”, ông Hoà nhận xét và kiến nghị trước hết VABO hãy tạo ra được một thị trường ngay trong nội bộ các thành viên.
Đồng tình với ý kiến của TS. Đinh Việt Hoà, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định ý tưởng thành lập VABO là đúng lúc và hợp thời, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng 4.0 đang nổ ra và lĩnh vực dịch vụ có thể trở thành một trong những lĩnh vực dẫn dắt thị trường và cả nền kinh tế.
Ông Hiếu đề cập tới vấn đề vận động hành lang và cho rằng, Việt Nam đang có nhiều hiệp hội kinh tế nhưng số hiệp hội hoạt động thực chất để tổ chức vận động với Quốc hội các vấn đề pháp luật liên quan đến lĩnh vực của mình thì không nhiều.
Ông Hiếu mong muốn VABO sẽ là một kênh lưu chuyển thông tin, đưa nguyện vọng của các hội viên đến với Quốc hội, qua đó góp phần tác động chính sách để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho các thành viên.
Từ góc nhìn của đơn vị quản lý nhà nước, bà Nguyễn Quỳnh Chi - đại diện của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, theo số liệu của VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), 60-80% doanh nghiệp Việt chưa biết hoặc chưa sử dụng dịch vụ phát triển kinh doanh, đặt ra cho cơ quan nhà nước nhiệm vụ phải có chính sách hoặc chiến lược quảng bá rộng rãi hơn về loại hình dịch vụ này.
“Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đang có rất nhiều hạn chế.
Hàng năm, nhà nước dành ra nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ nhưng số lượng doanh nghiệp tiếp cận được các chương trình này còn khá ít. Khi chúng tôi tổ chức thu thập thông tin, lấy ý kiến từ phía doanh nghiệp, thì nhiều doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà.
Chúng tôi rất mong VABO sẽ cải thiện tình trạng này bằng những giải pháp hữu hiệu. Hiệp hội cần trở thành cầu nối chuyển tải thông tin giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, để hỗ trợ cơ quan quản lý đưa ra các chính sách thiết thực nhất”, bà Chi đề nghị.
Phát biểu trong sự kiện, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch VABO nhận định, mục tiêu hoạt động của VABO là hướng tới sự thực tế, hiệu quả. Hiệp hội là nơi kết nối những thành viên thực sự tâm huyết, thực sự dốc lòng vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Quyết cũng khẳng định, với sự nỗ lực của các thành viên, VABO sẽ trở thành kênh tham vấn có hiệu quả của cơ quan nhà nước trong việc xây dựng chủ trương chính sách và hành lang pháp lý, đồng thời giúp nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ mà các thành viên Hiệp hội cung cấp, để họ có thể trở thành chất xúc tác thực sự cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Bình luận