“Ngày này 25 năm trước, NATO đã ném bom trắng trợn vào đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư, giết chết 3 nhà báo Trung Quốc”, ông Tập nói trong một bài báo đăng trên Politika, tờ nhật báo lâu đời nhất của Serbia, ngày 7/3 (giờ địa phương).
“Điều đó chúng ta không bao giờ nên quên”, ông Tập nói thêm. “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép lịch sử bi thảm như vậy lặp lại”.
Trong vụ NATO ném bom Nam Tư năm 1999, tên lửa của Mỹ đã giết chết ba nhà báo Trung Quốc trong một cuộc tấn công mà Nhà Trắng sau đó gọi là "một sai lầm và do bản đồ bị lỗi".
Sự kiện đó đã làm dấy lên các cuộc biểu tình chống Mỹ lan rộng trên khắp Trung Quốc và gia tăng sự ngờ vực của Bắc Kinh đối với các nhóm do Mỹ lãnh đạo như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO.
Ông Tập sẽ đến Serbia vào ngày 14/5 tới, trong một phần của chuyến công du châu Âu ba chặng bao gồm các điểm dừng ở Pháp và Hungary.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục các nước châu Âu rằng nền kinh tế khổng lồ của nước ông quá lớn không nên quay lưng khi EU cùng Mỹ tiến hành một loạt cuộc điều tra thương mại về những lo ngại về hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc cũng như những rủi ro về an ninh quốc gia.
Ông Tập có mặt ở châu Âu vào cùng ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5, trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng ở Tây Âu về xung đột ở Ukraine.
Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã kêu gọi ông Tập sử dụng "mối quan hệ" với ông Putin để chấm dứt điều mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây gọi là "một cuộc chiến điên rồ” trong chuyến công du tới Bắc Kinh.
Ông Tập nói với người đồng cấp Pháp tại Paris trong cuộc gặp ngày 6/5 rằng, ông phản đối cuộc chiến ở Ukraine “được lợi dụng để đổ trách nhiệm lên một nước thứ ba, làm hoen ố hình ảnh của nước này và kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.
Tổng thống Macron nhắc lại rằng "không thể có an ninh ở châu Âu nếu không có hòa bình ở Ukraine".
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Serbia, quốc gia không phải là thành viên EU, đã được củng cố dưới thời ông Tập Cận Bình, ngay cả khi mối quan hệ rộng lớn hơn của Bắc Kinh với châu Âu có xung đột về các vấn đề nhân quyền và tranh chấp thương mại.
Trong bài báo Politika, ông Tập viết rằng tình hữu nghị giữa Bắc Kinh và Belgrade “được rèn giũa bằng máu của đồng bào chúng ta” và sẽ luôn “phát triển to lớn và vững chắc”.
Bình luận