Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có công du nhận được nhiều sự quan tâm tới châu Âu. Ông đi cùng với nhóm các nhà ngoại giao và quan chức cấp cao Trung Quốc, những người giám sát các vấn đề kinh tế và thương mại của nước này.
Chuyến đi 5 ngày tới Pháp, Serbia và Hungary là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của ông Tập sau 5 năm và là chuyến đi thứ 3 của ông tới Pháp kể từ khi nhậm chức Chủ tịch nước Trung Quốc vào năm 2013.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), trong những quan chức cấp cao của nước này đã ở cạnh ông Tập trong cuộc đàm phán song phương với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 6/5, có Chánh văn phòng của ông Tập - Thái Kỳ và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Thái Kỳ
Ông Thái Kỳ thường tháp tùng ông Tập Cận Bình trong các chuyến công du trong và ngoài nước.
Ông Thái, 68 tuổi, là quan chức đứng thứ 5 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 thành viên, cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông được cho là chánh văn phòng quyền lực nhất kể từ thời Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Vương Nghị
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã trở thành gương mặt đại diện cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ năm 2013.
Năm 2022, ông Vương được thăng chức vào Bộ Chính trị và giữ chức vụ Trưởng ban Đối ngoại của đảng, nhưng được tái bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 7/2023, thay thế ông Tần Cương.
Trịnh Sách Khiết
Ông Trịnh Sách Khiết trở thành người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc vào tháng 3/2023 và kể từ đó luôn có mặt trong hầu hết các đoàn công tác của ông Tập, trong các chuyến công du trong nước và quốc tế.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia chịu trách nhiệm về định hướng kinh tế của đất nước, các chính sách về năng lượng và khí hậu của Trung Quốc, cũng như Sáng kiến Vành đai và Con đường - được xem là "đặc sản" của ông Tập Cận Bình.
Vương Văn Đào
Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc kể từ tháng 12/2020, ông Vương Văn Đào là trung tâm trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giải quyết các tranh chấp thương mại với Liên minh Châu Âu, bao gồm cả những tranh chấp liên quan đến việc bán xe điện của Trung Quốc.
Lam Phật An
Ông Lam Phật An nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc kể từ năm 2023, là đầu mối của Trung Quốc giải quyết các vấn đề với các giám đốc tài chính của chính phủ nước ngoài. Ông Lam là một trong số các quan chức đã gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại Trung Quốc vào tháng 4.
Lư Sa Dã
Ông Lư Sa Dã là đại sứ Trung Quốc tại Pháp từ năm 2019 và được coi là một trong những nhà ngoại giao "Chiến lang" hàng đầu của đất nước. Năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Pháp, ông Lư đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao sau khi đặt câu hỏi về chủ quyền của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Du Kiến Hoa
Ông Du Kiến Hoa là người đứng đầu Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trước đây, ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Thương mại và đại diện đàm phán thương mại quốc tế.
Giang Kim Quyền
Ông Giang Kim Quyền là Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương, một cơ quan nghiên cứu của đảng chuyên nghiên cứu và soạn thảo các chính sách quốc gia cho giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Ông Giang là một trong số ít quan chức Trung Quốc tham dự hầu hết các chuyến công du trong nước và quốc tế của ông Tập.
Hoa Xuân Oánh
Người ta không nhìn thấy bà Hoa Xuân Oánh trong phòng họp ngày 6/5 nhưng được nhìn thấy ngồi ở ghế sau trong cuộc gặp ba bên trước đó giữa ông Tập, ông Macron và Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen.
Bà Hoa giữ chức Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 2019. Năm 2021, bà được thăng chức Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao.
Đặng Lệ
Ngồi cuối cùng là ông Đặng Lệ, người giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao từ cuối năm 2021. Là một nhà ngoại giao nói tiếng Pháp, ông phụ trách các vấn đề châu Âu và châu Phi.
Trước đây, ông Đặng từng giữ chức vụ phó vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Âu của Bộ Ngoại giao và là đại sứ Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận