Ông Tập Cận Bình với tham vọng chấn hưng nông thôn Trung Quốc

Thời sự quốc tếThứ Tư, 16/02/2022 07:51:20 +07:00
(VTC News) -

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy một tầm nhìn mới về chấn hưng nông thôn, xử lý hàng loạt các vấn đề lớn kéo dài của nước này.

Chấn hưng nông thôn là một nhân tố quan trọng trong kế hoạch công tác 2020-2025 của chính phủ Trung Quốc. Mục tiêu tổng thể của chấn hưng nông thôn là biến Trung Quốc - vẫn là một đất nước chủ yếu nông nghiệp truyền thống, thành một "quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại" vào năm 2049.

Ông Tập Cận Bình với tham vọng chấn hưng nông thôn Trung Quốc - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ở tâm ảnh) trong một lần đi tìm hiểu thực tế nông nghiệp thân thiện với môi trường ở địa phương vào năm 2021. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Hiện Trung Quốc đang ở bước ngoặt hướng tới mục tiêu 100 năm thứ 2; giới chức nước này đang nỗ lực đạt được mục tiêu trên bằng việc củng cố các thành quả của công cuộc xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, như đã được thể hiện trong các kế hoạch gần đây và các tuyên bố do chính quyền trung ương Trung Quốc đưa ra.

Vào năm 2017, trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX, Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên nói về "thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn" và thúc đẩy một sự phát triển kết nối cả nông thôn và thành thị. Kể từ đó, chiến lược này có vẻ đã trở thành trọng tâm chính trong nhiều chính sách và kế hoạch của Trung Quốc. Chẳng hạn, vào năm 2018, Ban chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản và Quốc vụ viện Trung Quốc đã đề ra Kế hoạch chiến lược 2018-2022 về Chấn hưng nông thôn. Sau đó, Trung Quốc lập ra Ban Chấn hưng nông thôn Quốc gia để thay thế Cục Xóa đói giảm nghèo vào tháng 2/2021. Ban này có nhiệm vụ tiếp tục cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Chiến lược chấn hưng nông thôn cũng là một trọng điểm nổi bật tại Hội nghị Công tác nông thôn Trung ương của Trung Quốc vào tháng 12/2021. Hội nghị này đề ra các kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn liên quan đến vấn đề "Tam nông" trong năm 2022. Hội nghị - do ông Tập chủ trì và có sự tham gia của các quan chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên toàn quốc, đã nhấn mạnh sự cần thiết khuyến khích chấn hưng nông thôn. Trung Quốc chuyển trọng tâm từ "công tác nông thôn" sang "chấn hưng tổng thể nông thôn" để đảm bảo ích lợi cho cả môi trường và người dân. Các kế hoạch ở đây bao gồm, chẳng hạn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở vùng nông thôn cũng như khuyến khích phát triển các ngành thứ 2 và thứ 3 ở nông thôn.

Đồng thời, chiến lược chấn hưng nông thôn của Trung Quốc còn hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững vùng nông thôn, bao gồm xây dựng một nền kinh tế nông thôn mạnh mẽ. Đáng chú ý, tại Hội nghị Công tác nông thôn Trung ương vào cuối năm 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình còn đề ra khái niệm "phục hưng dân tộc và chấn hưng nông thôn". Ông Tập cũng kêu gọi toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc và xã hội Trung Quốc thúc đẩy chấn hưng nông thôn.

Chiến lược nông thôn nói trên giao thoa với một số dự án lớn khác của Trung Quốc như "Giấc mộng Trung Hoa", "Văn minh sinh thái", và "Trung Quốc tươi đẹp". Nó cũng phù hợp với các chính sách thúc đẩy phát triển xanh toàn quốc, phát triển nông nghiệp xanh, và các dự án phát triển khác. Việc lồng ghép nội dung phát triển xanh/bền vững và kinh tế nông thôn mạnh cho thấy giới chức trung ương Trung Quốc ngày càng quan tâm tới bảo vệ môi trường nước này và xu hướng này có khả năng tiếp diễn trong năm 2022 và sau đó.

Chiến lược chấn hưng nông thôn ở Trung Quốc có các nét chính sau:

Ông Tập Cận Bình với tham vọng chấn hưng nông thôn Trung Quốc - 2

Ông Tập Cận Bình thăm một làng nghèo của Trung Quốc vào năm 2016. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Phát triển nông thôn

Tam nông (nông nghiệp, nông thôn, và nông dân) là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc. Vào tháng 12/2021, Bộ trưởng Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn của Trung Quốc - Đường Nhân Kiện, viết bài trên tạp chí Cầu Thị, vạch ra các mục tiêu chính của chiến lược chấn hưng nông thôn. Trong bài viết có nhan đề "Thúc đẩy Chấn hưng nông thôn một cách bền vững", ông Đường lưu ý rằng Trung Quốc luôn có một ngành nông nghiệp lớn bao gồm các trang trại quy mô nhỏ. Ông lập luận rằng để thúc đẩy sự thịnh vượng của cả nông thôn và các cư dân ở đây, các nông dân sản xuất quy mô nhỏ phải thực hành cách làm nông nghiệp hiện đại.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đường còn thừa nhận rằng cần phải cải thiện hệ thống quyền sở hữu nông thôn và việc phân bổ các nhân tố sản xuất dựa trên thị trường. Làm như vậy sẽ giúp nông dân có quyền tài sản lớn hơn và có động lực gia tăng sản xuất ở nông thôn.

Tại Hội nghị Công tác nông thôn Trung ương vào cuối tháng 12/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn bình luận thêm rằng phải nỗ lực thúc đẩy hiệu quả và chất lượng của khu vực nông nghiệp. Để làm được các nhiệm vụ đó, khu vực nông thôn sẽ phải được xây dựng theo hướng phù hợp với việc sinh sống và làm việc, bao gồm tăng cường thu nhập và sức chi tiêu ở nông thôn.

Trung Quốc còn có nhiều chính sách và luật khác nhau liên quan đến chấn hưng nông thôn. Thí dụ, vào tháng 4/2021, nước này đã thông qua "Luật thúc đẩy Chấn hưng nông thôn" nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển nông thôn trong khi vẫn duy trì các biện pháp bảo vệ môi trường. Luật đó đã có hiệu lực vào ngày 1/6. 

Việc xây dựng luật cũng hướng tới khuyến khích bảo đảm an ninh lương thực bằng cách ngăn chặn tình trạng sử dụng đất canh tác cho các mục đich phi nông nghiệp, và chuyển đổi Lễ hội thu hoạch của nông dân Trung Quốc thành một ngày nghỉ theo luật định nhằm phục hưng văn hóa nông thôn. Luật cũng kêu gọi sáng tạo các thương hiệu nông nghiệp, cải thiện tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, và thực hiện các chương trình dạy nghề.

Bảo vệ đất đai

Môi trường ở Trung Quốc đã bị xuống cấp nghiêm trọng trong các thập kỷ gần đây do hệ thống sản xuất lương thực và quy mô sản xuất lương thực gia tăng. Một nước lớn đông dân như Trung Quốc cần thiết phải gia tăng sản xuất lương thực. Thế nhưng, các hệ thống lương thực, nhất là ở giai đoạn sản xuất lương thực, lại đặt ra các nguy cơ nghiêm trọng trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, do các tác động lên khí hậu, việc sử dụng nước sạch, ô nhiễm ni-tơ và phốt-pho, cũng như việc giảm đa dạng sinh học.

"Luật thúc đẩy Chấn hưng nông thôn" của Trung Quốc cũng hướng tới việc cải thiện tình trạng môi trường. Chẳng hạn, luật này đòi hỏi chính quyền địa phương phải đề ra các giải pháp khắc phục các tổn hại đối với môi trường, giảm tình trạng sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, xử lý thỏa đáng nước thải và rác thải. Điều này cũng phù hợp với các kế hoạch ngăn ngừa ô nhiễm đất và nước ngầm, bảo vệ môi trường nông thôn và mục tiêu quốc gia "Trung Quốc tươi đẹp" và "Văn minh sinh thái".

Ngoài ra, Trung Quốc còn nỗ lực chuyển đổi cả đất xuống cấp thành đất trồng trọt được trong khi vẫn bảo vệ môi trường sinh thái.

"Kế hoạch lằn ranh đỏ" của Trung Quốc có mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên đất có giới hạn của nước này khỏi tình trạng xuống cấp hơn nữa, nhằm khuyến khích tăng gia sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng cần phải nỗ lực lớn lao nhằm gia tăng sản xuất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực, trong đó có việc giữ lại "lằn ranh đỏ" là 120 triệu hecta đất canh tác.

Bên cạnh đó, để khuyến khích hơn nữa sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy chấn hưng nông thôn, Bắc Kinh còn soạn Kế hoạch xây dựng đất nông trang tiêu chuẩn cao Quốc gia (giai đoạn 2021-2030) nhằm tăng lượng đất trồng trọt nông nghiệp và sản lượng vụ mùa trung bình trên mỗi mẫu đất.

Kế hoạch trên hướng tới mục tiêu quốc gia có 71,75 triệu hecta "đất nông trang tiêu chuẩn cao" vào năm 2025 và sau đó là 80 triệu hecta vào năm 2030. Như ông Tập và ông Đường mô tả vào năm 2021, kế hoạch này cũng giúp bảo đảm "bát của Trung Quốc được đơm đầy ngũ cốc Trung Quốc, và ngũ cốc Trung Quốc chủ yếu được trồng bằng hạt giống Trung Quốc".

Trung Hiếu(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn