Tháng 10/2017, ông Tập tái đắc cử Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX. Tới tháng 3/2018, ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc và việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ có thể cho phép ông nắm quyền trọn đời.
Đó dường như là một kết quả không thể mỹ mãn hơn với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng chỉ 9 tháng sau, những thách thức lớn và chưa từng có tiền lệ bắt đầu xuất hiện.
Nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Căng thẳng giữa 2 cường quốc cũng nhanh chóng lan sang các vấn đề về chính trị và quân sự.
“Tôi không nghĩ vị trí của ông Tập bị đe dọa nhưng ông ấy có những kẻ thù và những nhà phê bình, những người dùng sự sụp đổ trong quan hệ với Mỹ để chỉ trích ông ấy”, Richard McGregor, một thành viên cao cấp tại Viện Lowy, Australia nói với CNN.
Các thách thức đặt ra với Chủ tịch Tập, đó là các rắc rối về thương mại đến đúng vào năm quan trọng nhất kể từ khi ông lên nắm quyền khi diễn ra hàng loạt sự kiện quan trọng trong đó có lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây cũng là mốc thời điểm đánh dấu Trung Quốc chính thức vượt qua Liên Xô, một siêu cường Chủ nghĩa xã hội tan rã vào năm 1991 sau 69 năm ra đời.
Theo giới quan sát, việc Chủ tịch Tập xử lý các vấn đề trong năm 2019 có thể sẽ quyết định tương lai của nền kinh tế Trung Quốc cũng như vị trí của ông trong mắt giới chức lãnh đạo Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia nhận định 2019 sẽ là một năm đầy khó khăn với Chủ tịch Tập khi ông vừa phải đối phó với các thách thức trong nước, vừa phải chống lại áp lực từ Mỹ trên mọi mặt trận.
Trong suốt năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục áp đặt các mức thuế quan với hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Những tín hiệu lạc quan lóe lên vào đầu tháng 12 sau khi lãnh đạo 2 bên ngồi xuống bàn đám phán về thống nhất về một thỏa thuận đình chiến thương mại trong 90 ngày.
Ngày 1/3 tới đây sẽ là thời hạn cứng mà Mỹ đặt ra với Trung Quốc. Washington cảnh báo sẽ ban hành mức thuế quan mới nếu đám phàn thương mại với Bắc Kinh không kết thúc thành công. Điều này đặt ra áp lực không nhỏ cho Chủ tịch Tập, khiến ông bắt đầu một năm quan trọng một cách khá căng thẳng.
Theo một số nhà quan sát, việc Trung Quốc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ vô hình trung đặt thêm áp lực đối với nhà lãnh đạo của họ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Chính việc “đặt mình lên đỉnh kim tự tháp” lại khiến ông Tập dễ bị chỉ trích hơn khi mọi chuyện xoay chuyển theo chiều hướng xấu.
“Ông Tập phải chịu trách nhiệm về mối quan hệ với Mỹ và cách nó đang chạy ra khỏi đường ray khiến ông Tập bị chỉ trích rất nhiều”, McGregor, chuyên gia về Trung Quốc tới từ Australia nhận định.
Có một thực tế không thể phủ nhận là Trung Quốc đã đánh giá thấp Tổng thống Trump khi ông mới lên nắm quyền, tin rằng họ sẽ dễ dàng đối phó với một nhà lãnh đạo Mỹ non kém về kinh nghiệm chính trị.
Nhưng hành động quyết đoán và các chính sách không khoan nhượng của ông Trump đã khiến giới chức Trung Quốc phải xem xét lại cách tiếp cận ngoại giao quốc tế của họ trong khi bắt đầu hoài nghi về lập trường cứng rắn của ông Tập trong những năm gần đây, theo CNN.
Các nhà tự do kinh tế trong khi đó đang bắt đầu sử dụng thuế quan mà Tổng thống Trump áp đặt như một cái cớ để thúc đẩy tự do hóa kinh tế Trung Quốc, trái với mong muốn tăng cường kiểm soát của nhà nước và đảng với vấn đề kinh tế của Chủ tịch Tập.
Theo CNN, một trong những vấn đề cốt lõi tới đây mà ông Tập cần phải giải quyết là duy trì sự cân bằng giữa cải cách thị trường với kiểm soát của chính phủ khi áp lực đang ngày một đè nặng lên ông.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo kể cả khi ông Tập có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng thương mại với Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump có thể vẫn sẽ kéo Trung Quốc vào những cuộc tranh chấp mới liên quan tới Biển Đông hay vấn đề gián điệp kinh tế với Trung Quốc.
Bình luận