Nhà lãnh đạo Nga trong Thông điệp Liên bang lần thứ 16 đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý để đưa ra các thay đổi lớn đối với hệ thống chính trị của đất nước, bao gồm kế hoạch nhằm hạn chế quyền lực của Tổng thống tương lai và trao thêm quyền cho Quốc hội.
Theo FT, những cải cách này có thể dọn đường cho ông Putin mở rộng 20 năm cầm quyền ở Nga của mình theo một cách mới.
Ngay sau khi ông chủ điện Kremlin công bố đề xuất thay đổi Hiến pháp, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết ông sẽ từ chức cùng phần còn lại của nội các. Kế đó, ông Putin đề cử lãnh đạo Cơ quan Thuế Liên bang Mikhail Mishustin trở người kế nhiệm của ông Medvedev.
Về quyết định của mình, Medvedev nói rằng ông và nội các muốn để Tổng thống có cơ hội đưa ra các quyết định cần thiết liên quan tới sự thay đổi hiến pháp.
Các nhà phân tích nhận định đề xuất mới của Tổng thống Putin xác nhận một đồn đoán từ lâu nay rằng nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ ngồi vào ghế Thủ tướng hoặc trở thành người đứng đầu một Hội đồng Nhà nước được tân trang với tư cách là một lãnh đạo tối cao, tương tự như mô hình ở Kazakhstan.
Hồi tháng 3/2019, ông Nursultan Nazarbayev, Tổng thống Kazakhstan từ chức sau 3 thập kỷ cầm quyền. Tuy nhiên, sau khi mãn nhiệm, ông vẫn giữ vị trí lãnh đạo hội đồng an ninh và lãnh đạo đảng cầm quyền Nur Otan.
Ông Mishustin, 53 tuổi từng giành được không ít lời khen khi cải tổ cơ quan thuế ở Nga thành một tổ chức kỹ thuật số tiên tiến kế từ khi ông tiếp quản nó vào năm 2010, nhưng chưa bao giờ giữ một vị trí chính trị. Điều này khiến nhiều người hoài nghi về việc liệu chiếc ghế Thủ tướng có phải là bước đệm giúp Mishustin trở thành người kế nhiệm của Tổng thống Putin hay không?
Tatiana Stanovaya, học giả tại Trung tâm Carnegie Moscow tin rằng có thể lãnh đạo Cơ quan Thuế Liên bang Nga chỉ là người giữ chỗ tạm thời.
"Mishustin không có kinh nghiệm chính trị hay được các cử tri biết tới nhiều. Ngoài ra, ông ấy cũng không thuộc nhóm nội bộ của Tổng thống Putin”, bà này phân tích.
Trong thông điệp liên bang, ông Putin nói việc sửa đổi Hiến pháp sẽ cho phép các nhà lập pháp bầu ra Thủ tướng và các thành viên nội các. Quyền này hiện nằm trong tay ông.
Ông có ý định xóa bỏ hệ thống Tổng thống nắm quyền - điều đã cho phép ông nắm nhiều quyền lực ở vị trí này. Nó cũng giúp tăng vai trò của Quốc hội và các đảng nghị viện cũng như quyền hạn cho Thủ tướng và các thành viên trong nội các.
Ông cũng nhấn mạnh Nga sẽ không duy trì ổn định nếu được quản lý theo hệ thống nghị viện và Tổng thống vẫn nên giữ quyền bãi nhiệm Thủ tướng, các Bộ trưởng nội các, bầu ra các quan chức quốc phòng và an ninh hàng đầu cũng như chịu trách nhiệm về quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật Nga.
Tổng thống Putin nắm quyền tại Nga lâu hơn bất cứ nhà lãnh đạo Nga hay Liên Xô nào kể từ thời Josef Stalin. Theo luật pháp hiện hành, ông buộc phải rời nhiệm sở vào năm 2024 sau khi nhiệm kỳ kết thúc.
Các nhà quan sát tin rằng việc tăng thêm quyền lực cho quốc hội và nội các, cũng như cắt giảm thẩm quyền của Tổng thống là bước đi dọn đường để ông Putin chuyển sang vị trí Thủ tướng.
Nhà phân tích chính trị Dmitry Oreshkin cho rằng bài phát biểu hôm 15/1 cho thấy ông Putin đang cân nhắc vị trí này.
"Ông Putin đang thúc đẩy ý tưởng nắm giữ quyền lực của mình như một Thủ tướng mạnh mẽ và có ảnh hưởng hơn", ông Oreshkin nói.
Bà Stanovaya nhận định không loại trừ khả năng ông Putin sẽ chuyển sang vị trí mới trước khi nhiệm kỳ của kết thúc.
"Có vẻ như Putin đang chuẩn bị rời khỏi vị trí Tổng thống dù điều đó sẽ diễn ra vào năm 2024 hay thậm chí sớm hơn. Ông ấy đang cố gắng tạo ra một cơ chế an toàn cho người kế nhiệm trong trường hợp xảy ra xung đột", bà Stanovaya cho hay.
Nhà phân tích chính trị Kirill Rogov cho rằng cái đích mà ông Putin nhắm tới là nắm quyền trong tương lai trong khi phân phối lại quyền lực giữa các nhánh khác nhau trong Chính phủ.
"Một mô hình giống như của Trung Quốc sẽ cho phép Putin ở lại cầm quyền vô thời hạn trong khi khuyến khích sự cạnh tranh giữa những người kế nhiệm tiềm năng", ông Rogov nhận xét.
Bình luận