• Zalo

“Ông phéc-mơ-tuya” và niềm tin vào Người Hà Nội (Bài 2)

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 11/08/2010 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Người Hà Nội xưa, người Hà Nội nay và người Hà Nội mai sau sẽ không giống nhau, nhưng người Hà Nội sẽ mãi là người Hà Nội, không lẫn vào đâu được.

(VTC News) - Những ngày lang thang quanh những con phố cổ đông đúc, nhộn nhịp, tôi chợt gặp một hình ảnh cổ xưa trên vỉa hè con phố Hàng Đường. Giữa bức tường tróc lở vữa của số nhà 61, có một ông già, đeo kính trễ nải, lần từng mũi kìm sửa khóa. Những bà, những chị, những cô gái Hà thành thanh lịch khoác những chiếc túi da trị giá cả ngàn đô-la lặng lẽ xếp hàng đứng chờ. Ông là Nguyễn Hữu Khang, ông tổ của nghề sửa khóa đất Hà thành.

Con người ông Khang, đến những đồ dùng, vật dụng quanh ông, cái gì cũng cũ kỹ. Chiếc tủ nhôm cũ kỹ, những chiếc kìm mòn bóng, những chiếc hộp đựng đồ mốc meo, chiếc quạt con cóc tuổi đời ngót 30 năm chạy vè vè, và những ngón tay chai sần, đậm dấu ấn của người thợ thủ công. Ngay cả cái từ “phéc-mơ-tuya” mà ông quảng cáo trên tấm bảng cũng cũ kỹ, cổ kính lắm. Chỉ có người lớn tuổi mới hiểu được cái từ ấy. Ông Khang bảo: “Văn hóa đặc sắc của người Hà Nội được tạo nên bởi các phố nghề. Nhiều nghề mất đi, nhiều nét văn hóa cũng mất đi. Hà Nội mất đi nhiều nghề độc đáo lắm. Đố cậu tìm ra ông già nào làm nghề hàn dép, ông thợ nào bơm mực bút bi, khắc chữ bút máy, vá lộn cổ áo, hay bơm ga bật lửa nữa đấy? Vậy nên, dù một vài nét của người Hà Nội mai một đi cũng là điều bình thường thôi mà”. Ông Khang lý giải rằng, dù đã có nhiều cửa hàng thay khóa, sửa túi ở phố Hà Trung, song người ta vẫn xếp hàng nhờ ông sửa khóa là vì còn có nhiều người muốn giữ lại những chiếc túi chứa đầy kỷ niệm, giữ chất “zin” cho món đồ của mình. Còn người cần đến ông, thì ông còn làm việc, vừa vui vẻ, vừa để kiếm sống.

Ông Nguyễn Hữu Khang đã có 60 năm làm nghề chữa khóa. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.

Cho đến nay, đã 60 năm tròn, ông Nguyễn Hữu Khang ngồi ở bức tường của số nhà 61 Hàng Đường để chữa khóa. Tổ tiên nhà ông ở phố Hàng Đường. Cha ông là thợ khâu đệm, salon. Nghề chữa khóa là do ông tự học. Ông thuần thục đến nỗi, nhắm mắt cũng có thể gắn cái răng khóa vào đúng vị trí. Hà Nội trải qua bao cơn thế sự, nhưng 60 năm nay, ông Khang vẫn ngồi vỉa hè, chậm rãi và chiêm nghiệm từng sự đổi thay của Hà Nội. Ông bảo, phố Hàng Đường xưa kia là “con đường tơ lụa”, nơi người Hà Nội bán len dạ, người Ấn Độ đến thuê cửa hàng bán lụa. Con phố yên bình, sạch sẽ và lịch lãm lắm. Chỉ vào những ngày rằm, người bán người mua mới tấp nập, nam thanh nữ tú với tà áo phấp phới đi ngắm phố phường. 20 năm trở về trước, tàu điện vẫn chạy qua phố Hàng Đường. Mùa nào, thức ấy. Buổi sáng có quán ăn sáng, đêm có tiếng rao của chị bán khoai nướng, ngô luộc, lạc rang, bánh khúc, bánh tẻ. “Tôi ngồi sửa khóa mà ngẩn ngơ với vẻ đẹp của con gái tân thời. Vẫn chỉ là tà áo dài, nhưng mỗi mùa họ trưng diện một màu. Đi đứng khoan thai, nói năng lễ phép, cử chỉ ân cần, thái độ lịch thiệp, chứ đâu có như bây giờ…”, ông tổ nghề phéc-mơ-tuya dõi ánh mắt dọc con phố đông đúc cộ xe than thở.

Thú thực, ngồi trò chuyện với ông lão sửa khóa, đôi lúc, tôi thấy ông như một nhà sử học, có lúc lại thấy bóng dáng của nhà khảo cổ, lại có lúc ông là một nhà văn hóa, nhà phê bình. Phải chăng người Hà thành xưa là vậy? Đến ông lão sửa khóa mà học thức cũng uyên thâm, nhìn mọi thứ theo chiều sâu bản chất.
"Ông già phéc-mơ-tuya" vẫn có niềm tin son sắt vào một Hà Nội sâu lắng, trầm tư. Ảnh: Phạm Ngọc Dương 

Tôi tỏ vẻ buồn cùng với dòng tâm trạng của ông, sự hoài niệm về một Hà Nội xưa, thì ông chợt cười rung rinh cặp kính. Ông lão sửa khóa này kể: “Cậu biết không, mấy năm trước, cái nhà cách chỗ tôi ngồi 20 mét, đào móng làm lại, đào trúng giọt gianh (nơi đặt hàng ngói cuối cùng của mái nhà) của một ngôi nhà cổ. Ngôi nhà cổ ấy nằm dưới lòng đất. Điều đó có nghĩa, con phố Hàng Đường cũng như những con phố khác trong khu phố cổ này từng là vùng đất trũng được bồi lấp. Những con phố như Cầu Gỗ, Chả Cá, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Cầu Đông… chỉ nghe đã thấy liên quan đến sông nước rồi. Hà Nội từng là nơi trên bến dưới thuyền, do người tứ xứ đến buôn bán, sầm uất mà tạo nên. Thế nên nó mới có tên Kẻ Chợ. Đến ngày nay, cái tên Kẻ Chợ vẫn phản ánh đúng bản chất của Hà Nội. Đất nước chuyển biến nhanh quá, Hà Nội còn thay đổi nhanh hơn. Người cũ đi gần hết rồi, người tứ xứ cơ bản đã chiếm lĩnh Hà Nội. Nhưng bánh xe lịch sử vẫn phải quay, vạn vật vẫn phải biến chuyển, con người muốn tồn tại thì phải thích nghi. Ai thích nghi thì tồn tại, không thì bị gạt ra ngoài. Đó là quy luật từ xưa và mãi mãi sau vẫn thế. Người tứ xứ sẽ mang cả tốt và xấu đến, nhưng quá trình sàng lọc sẽ để lại những tinh hoa và sẽ lại thấy một Hà Nội khác trong cái bản chất đẹp đẽ xưa cũ”.
Hà Nội xưa. Ảnh: Internet. 

Cái lý luận của ông già sửa khóa mấy chục năm dõi mắt nhìn sự đổi thay của Hà Nội thật lạ và sắc sảo. Hàng ngày, ông nghe thấy nhiều tiếng cãi vã, nhiều tiếng chửi tục, nhiều sự vô cảm, nhiều sự tranh giành, kèn cựa từng miếng cơm, thậm chí chút không gian vỉa hè của những con người ghi tên vào hộ khẩu thủ đô, song ông vẫn có niềm tin son sắt vào một Hà Nội sâu lắng, trầm tư. Cái Hà Nội chiều sâu ấy vẫn sống âm ỉ, không bao giờ có thể mất đi được. Giữa phố sá xô bồ, gấp gáp, tiện dụng này, sẽ chẳng còn một Hà Nội với “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” của Nguyễn Đình Thi, sẽ chẳng còn ông đồ già Vũ Đình Liên với “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”… Dù người Hà Nội sẽ không thể là người Hà Nội xưa, nhưng người Hà Nội sẽ mãi là người Hà Nội. Người Hà Nội xưa, người Hà Nội nay và người Hà Nội mai sau sẽ không giống nhau, nhưng người Hà Nội sẽ mãi là người Hà Nội, không lẫn vào đâu được.

“Tôi yêu 1 Hà Nội ở phía bên trong. Nó giống như vẻ đẹp của người con gái không phấn son. Phải là những người biết yêu quê hương mình mới yêu được nó. Hà Nội không có vẻ đẹp của sự lộng lẫy, diêm dúa. Vẻ đẹp của nó thể hiện ẩn sâu bên trong”.

                       

                        Nhạc sĩ Phú Quang


Ông thợ khóa Nguyễn Hữu Khang sinh được 3 người con, một trai, hai gái. Con trai là thợ sửa chữa máy ảnh lành nghề, con gái đều theo nghiệp dạy học. Vợ ông cũng là cán bộ Nhà nước, đã về hưu. Con cái sống ở phố khác. Ông bà sống cùng nhau trong căn phòng nhỏ, độ 20 mét vuông trên tầng 2 của ngôi nhà 61 Hàng Đường. Căn phòng này thuê của Nhà nước từ năm 1954, và hàng năm vợ chồng ông vẫn trả tiền thuê nhà. Chưa bao giờ trong ông nảy sinh ý định chạy chọt để hoàn thiện giấy tờ rồi chuyển nhượng, chiếm đoạt căn phòng bạc tỉ. Từ đời cha ông, tổ tiên, đến đời ông, rồi đời con, đời cháu, đại gia đình này vẫn giữ lề thói xưa cũ của người Hà Nội. Không kể ngày lễ, ngày tết, những ngày thường, con cái đi làm kiếm sống, các cháu đi học, nhưng ngày thứ 7, đã thành lệ, dứt khoát phải ở bên nhau. Hôm đó, con trai, con gái, con dâu, con rể cùng đi chợ, làm món ăn, rồi quây quần bên mâm cơm, chén trà, hỏi thăm cuộc sống của nhau, động viên, tìm cách giúp đỡ nhau và khuyên bảo nhau nhiều điều bổ ích trong cuộc sống.
Hà Nội xưa cũ, lắng sâu hiện ra trong câu chuyện của cô giáo về hưu và ông thợ chữa khóa già. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Chiều dần buông. Ánh nắng xiên xiên qua những nếp nhà cũ kỹ. Dòng người đổ về phố cổ càng đông. Ông tổ của nghề sửa khóa chuẩn bị dọn đồ, thì có một phụ nữ đứng tuổi đạp xe đến, miệng cười như hoa nở. Họ khiêm nhường cúi đầu chào anh, chào em. Người phụ nữ đó là bà Nguyễn Hồng Liên, cô gái gốc nhiều đời Hà Nội, là giáo viên về hưu, hiện sống ở phố Quán Thánh. Ông Khang giới thiệu rằng, bà Liên là cô giáo của cô con cả của ông hồi cấp tiểu học. Mặc dù cô học sinh của bà Liên cũng đã sắp về hưu, song cô giáo và phụ huynh vẫn thân thiết, tình cảm như mấy chục năm trước. Thi thoảng, họ vẫn tìm đến nhau để hỏi han, tâm sự theo cách của những người xưa cũ. Lý do bà Liên tìm đến gặp ông thợ sửa khóa hôm ấy chỉ đơn giản là muốn ông ngắm xem chiếc kính bà đeo có hợp không, chiếc áo chống nắng bà mặc có diêm dúa quá không? Bà bảo, dùng hai thứ đó sợ ăn chơi, lố bịch quá khiến người ta cười, nhưng không dùng thì sợ con gái buồn, vì đó là quà tặng của con. Ông Khang ngắm nghía rồi bảo: “Em à, em đẹp ở tâm hồn, ở cốt cách, chứ đâu có đẹp ở cái kính và chiếc áo chống nắng”. Họ ngồi nói chuyện với nhau trang trọng, tình cảm, lễ giáo bên vỉa hè đến lúc chiều buông.

Tôi thấy một Hà Nội xưa cũ, lắng sâu hiện ra trong những câu chuyện của một cô giáo về hưu và một ông thợ chữa khóa già.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010

Hãy tham gia bình chọn cho người đẹp mà bạn yêu thích nhất.
Người đẹp được bình chọn nhiều nhất sẽ được nhận danh hiệu "Người đẹp do khán giả bình chọn"
và 01 xe Vespa LX hồng (trị giá 66 triệu đồng) từ Ban tổ chức

Soạn tin:

HH  <Số Báo Danh>  <Số người bình chọn đúng>  gửi 8530

Xem danh sách thí sinh và thông tin chi tiết tại

http://binhchon.hoahauvietnam2010.vn


Bình luận
vtcnews.vn