- Qua ba trận đấu đã qua ở AFF Cup 2018, ông ấn tượng gì về đội tuyển Việt Nam?
Ông Phan Anh Tú: Việt Nam mới chơi vòng bảng và nhiệm vụ quan trọng nhất giai đoạn này là làm thế nào có vé vào bán kết, đồng thời đảm bảo được lực lượng thi đấu vòng knock-out. Từ quan điểm này, tôi thấy cái được nhất của Việt Nam chính là linh hoạt trong chiến thuật.
Với mỗi đối thủ, HLV Park Hang Seo lại có những ý đồ khác nhau, phục vụ cho nhiệm vụ số một ở trên. Chẳng hạn gặp Lào, đối thủ được đánh giá thấp hơn, Việt Nam chỉ cần thi đấu bình thường, với đẳng cấp vốn có là đủ chiến thắng. Đến trận gặp Malaysia, một đội ngang cơ, thì chúng ta cần nhiều mưu mẹo hơn và tránh va chạm cơ bắp.
Vì vậy, Việt Nam đã chọn lối chơi thụ động, phản công chớp nhoáng, và thu được kết quả. Trận vừa rồi gặp Myanmar trên sân khách, dù gặp nhiều bất lợi, Việt Nam đã thể hiện là đội có trình độ hơn, qua lối chơi, qua những mảng miếng phối hợp và cơ hội ăn bàn. Myanmar chơi tích cực, nhiệt tình nhưng họ không có đường nét tấn công rõ ràng.
Trong bóng đá, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát bóng tốt, rồi tạo ra nhịp điệu và tiết tấu ở từng khu vực khiến đối phương rối loạn. Một điểm nữa là khi đưa được bóng đến sát cấm địa thì phải làm sao tăng tốc độ ở chỗ đó lên. Cơ hội sẽ từ đó xuất hiện. Về điểm này, tôi thấy Việt Nam đã làm được. Các cầu thủ đều cố luân chuyển bóng nhịp nhàng ở giữa sân, tránh để mất bóng, và kiên nhẫn chờ đến thời cơ rõ ràng.
Cũng có một số ý kiến cho rằng Việt Nam có điểm yếu này kia, nhưng tôi nghĩ khác. Tại sao chúng ta cứ phải cầm bóng nhiều, tấn công nhiều trước những đội đá rát như Malaysia, trong khi đá phản công sẽ gây ra sức sát thương lớn hơn.
Tôi lấy ví dụ Thái Lan. Ở trận gặp Philippines, họ cũng chịu đựng suốt 45 phút đầu tiên, nhưng ngay đầu hiệp hai, ở một pha phối hợp tưởng như đơn giản bên cánh, Thái Lan mở tỷ số.
Nói như thế để thấy rằng không nên cố định một lối đá cụ thể cho mọi đối thủ. Cái Việt Nam đã làm được và làm tốt là chơi bóng có ý tưởng. Còn ý tưởng ấy có phát huy được trong trận hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố - trong đó có cả may mắn.
- Gặp Campuchia, liệu ban huấn luyện có nên đưa ra mục tiêu cụ thể là thắng bao nhiêu bàn không, bởi vì chúng ta đang thua kém đội đầu bảng Myanmar chỉ số bàn thắng?
Có lẽ là không, bởi nếu đặt ra chuyện ấy sẽ dẫn tới việc cầu thủ bị áp lực, dẫn tới mất nhịp điệu, thậm chí vội vàng. Đành rằng Việt Nam cần thắng nhiều bàn để chắc ngôi đầu bảng, nhưng trước khi muốn thắng đậm, chúng ta phải thắng đã. Việc cầu thủ ở trạng thái tâm lý vội vàng sẽ khiến những đường bóng trở nên kém chính xác. Trong khi, nếu cầu thủ nhập cuộc nhịp nhàng, giống như chuyện tập luyện và hít thở hàng ngày, bàn thắng sẽ tự đến.
Campuchia là đội cửa dưới khi gặp Việt Nam. Vì thế, chỉ cần các cầu thủ là chính mình, chúng ta đã thắng rồi. Còn thắng bao nhiêu, có lẽ không nên đặt nặng vấn đề đó. Việt Nam được đá sân nhà nên nếu mở tỷ số, đối thủ nhiều khả năng sẽ vỡ. Cộng với việc cầu thủ chúng ta hưng phấn, việc ghi thêm bàn là điều không khó. Tuỳ vào tình hình sau khi có bàn, ban huấn luyện sẽ có hướng điều chỉnh tiếp.
Mấu chốt của vấn đề là bàn đầu tiên. Nếu đã có rồi, cầu thủ sẽ càng chính xác khi dứt điểm. Còn nếu cứ vội vàng, độ chính xác tự nhiên bị giảm đi.
- Một số trụ cột của Việt Nam như Văn Hậu hay Ngọc Hải đã nhận thẻ vàng, và có thể bị treo giò ở bán kết nếu nhận thẻ ở trận gặp Campuchia. Liệu HLV Park Hang Seo có cất những cầu thủ này trên ghế dự bị tối 24/11?
Vấn đề tuỳ thuộc vào những quân bài HLV Park Hang Seo có trong tay. Dù sắp xếp như nào, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo sự chắc chắn cho hàng thủ. Có thể, Văn Hậu, Ngọc Hải sẽ đá chính, rồi khi đạt tỷ số an toàn, họ sẽ được rút ra. Cũng có thể, Ngọc Hải sẽ nhường chỗ cho Tiến Dũng, bởi Campuchia không có tiền đạo nào đáng sợ giống như ở V-League. Còn Văn Hậu thì hơi khó, vì cậu ấy phải đảm bảo cả nhiệm vụ tấn công và phối hợp.
- HLV Park Hang Seo đã thử nghiệm Văn Đức ở vị trí cánh phải trong hiệp một trận gặp Myanmar, nhưng sau đó đưa Trọng Hoàng vào sân ở hiệp hai để giữ cánh này. Ông suy nghĩ như thế nào về chuyện này?
Nếu so hai người này với nhau, rõ ràng Trọng Hoàng là một cầu thủ có thể lực và cơ bắp tốt hơn, thích hợp đá hậu vệ hơn. Nếu có dụng ý phòng ngự, Trọng Hoàng đương nhiên là người ra dáng hơn để cáng đáng nhiệm vụ này. Nhưng muốn đá phối hợp, giải quyết trận đấu hoặc khai thác những khoảng trống bên cánh thì Văn Đức lại nhỉnh hơn. Như tôi đã nói, dùng ai vào lúc nào tuỳ thuộc vào tình thế của đội tuyển lúc đó.
Trọng Hoàng thay Văn Đức giữ cánh phải trận gặp Myanmar ở hiệp hai không nói lên được nhiều điều. Đây có thể là một thử nghiệm của HLV Park Hang Seo.
Ông ấy có thể cho rằng việc quan sát Văn Đức trong 45 phút như vậy là đủ để có thêm phương án dự phòng. Hoặc cũng có thể ông ấy đưa Trọng Hoàng vào để thủ cánh phải, rồi tấn công nhiều hơn sang biên trái. Cái hay của ông Park là ông ấy dám thử nghiệm, ngay cả ở những trận đấu chính thức. Lựa chọn ấy có thể tốt hoặc chưa tốt, nhưng chính bởi dám nghĩ dám làm, ông ấy sẽ nảy ra nhiều ý tưởng mới khi quan sát học trò thi đấu.
Những HLV giỏi, có khả năng đọc trận đấu tốt luôn biết cách sử dụng cầu thủ trong tay một cách hiệu quả nhất. Họ không ngại thay đổi và ít khi đi vào lối mòn tư duy. Thế mới có chuyện ông Park được ca ngợi ở Asiad 2018 vì tài thay người. Hay như ở AFF Cup năm nay, ai cũng lo lắng vì Việt Nam thiếu hậu vệ phải, nhưng ông ấy đâu có lo. Tất cả đều đến từ việc ông Park mạnh dạn xới tung đội hình, thử nghiệm cầu thủ ở nhiều chỗ khác nhau. Đâu phải tự dưng Quang Hải lùi xuống đá tiền vệ trung tâm hay Trọng Hoàng đá hậu vệ phải hiệu quả như vậy.
- Ở trận gặp Myanmar, Việt Nam đã không đạt được mục tiêu giành ba điểm. Điều này có ảnh hưởng tới tâm lý cầu thủ không, thưa ông?
Tôi cho là không. Bởi những quân bài trong tay HLV Park Hang Seo đều là những người từng trải, giàu kinh nghiệm. Họ hiểu được rằng trận hoà Myanmar là vì thiếu may mắn, chứ không phải Việt Nam rơi vào thế bí mà không ghi được bàn. Một HLV giỏi, ngoài yếu tố chuyên môn, còn phải biết cách chấp nhận kết quả.
Bóng đá không phải lúc nào cũng chỉ có chiến thắng. Quan trọng nhất, một HLV phải cảm nhận được đội bóng có gặp vấn đề gì khi vận hành lối chơi hay không. Nếu có, lo lắng là đương nhiên. Nhưng ở hiệp hai trận gặp Myanmar, Việt Nam đã tạo được vô số cơ hội ghi bàn. Đối thủ thậm chí có thời điểm không lên bóng được. Là một người hâm mộ, tôi hoàn toàn tự tin với cách chơi của Việt Nam bây giờ. Nói vui, là gặp Myanmar, Việt Nam cái gì cũng có, chỉ bàn thắng là không.
- Văn Toàn vào sân từ ghế dự bị và tạo được nhiều đột biến trước Myanmar. Đây có phải là con bài chiến lược của HLV Park Hang Seo?
Không riêng gì Văn Toàn, trong tay ông Park bây giờ còn nhiều người chưa được sử dụng nhiều, nhưng sẽ được trọng dụng thời gian tới. Có thể kể ra đây như Hùng Dũng, Đức Chinh... Thậm chí một tiền đạo trẻ như Tiến Linh cũng có thể đem lại nét mới cho hàng công, như những gì cậu ấy đã thể hiện trận gặp Lào.
Nói thế để thấy rằng mục tiêu của Việt Nam ở vòng bảng AFF Cup là giành vé đi tiếp và đảm bảo lực lượng không những được hoàn thành, mà còn hoàn thành một cách xuất sắc. HLV Park Hang Seo đã giấu được lực lượng, ngay cả người hâm mộ Việt Nam cũng khó biết trong tay ông ấy còn những quân bài nào.
Bên cạnh đó, việc cất kỹ những cầu thủ có khả năng tạo đột biến như vậy sẽ tạo ra sức nén và sự đua tranh lên VĐV. Những người đá chính phải cố chơi tốt để tiếp tục được thi đấu. Những người dự bị thì rất muốn vào sân thể hiện khả năng.
Bình luận