• Zalo

Ông Phạm Minh Chính: 'Phải đề cao danh dự và lòng tự trọng'

Chính trịThứ Bảy, 27/03/2021 19:07:00 +07:00Google News

Trong 10 nhiệm vụ, giải pháp được đề cập, ông Phạm Minh Chính nêu rõ cần sớm hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, nêu cao danh dự và lòng tự trọng của đảng viên.

Nêu rõ danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, phải nâng cao tầm nhận thức, đề cao danh dự và lòng tự trọng.

Nhiệm kỳ ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng

Truyền đạt Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ông Phạm Minh Chính khẳng định công tác xây dựng Đảng là then chốt và được đặc biệt quan tâm. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, một quy định về nêu gương. Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành 130 văn bản lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, triển khai thực hiện toàn diện đồng bộ trong nhiệm kỳ Đại hội XII.

Chưa có nhiệm kỳ nào chúng ta ban hành nhiều nghị quyết về công tác cán bộ và xây dựng Đảng như nhiệm kỳ này”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.

Trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí, ông Chính nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ. Điều này tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí.

Ông Phạm Minh Chính: 'Phải đề cao danh dự và lòng tự trọng' - 1

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính truyền đạt Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Ảnh: Đ.X.

Ông cho biết cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng. Trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý, gồm cả đương chức và đã nghỉ hưu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Chính cho biết Đại hội đã chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục. Đó là việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.

Dù đạt được kết quả quan trọng trong việc đổi mới, sắp xếp bộ máy ở một số nơi, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá việc này chưa đồng đều. Nhiều địa phương, cơ quan còn tâm lý “trông chờ”, nhất là khi động đến con người và tổ chức luôn là vấn đề tế nhị, tâm tư.

Nhấn mạnh tinh giản bộ máy phải gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhận định vừa qua nhiều nơi mới chỉ chú ý tinh giản, chưa tập trung nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.

Hai cái này phải đi song song với nhau mới có hiệu quả”, ông Chính lưu ý.

Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Trưởng ban Tổ chức Trung ương quán triệt 10 nhiệm vụ, giải pháp.

Trước hết là tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Hai là sớm nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng cho phù hợp với điều kiện mới, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; nêu cao danh dự và lòng tự trọng của người đảng viên. Nêu rõ danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, ông Chính nhấn mạnh trong nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, phải nâng cao tầm nhận thức, đề cao danh dự và lòng tự trọng.

Ba là siết chặt kỷ luật kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước gắn với tăng cường giám sát.

Ông Phạm Minh Chính: 'Phải đề cao danh dự và lòng tự trọng' - 2

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng chưa có nhiệm kỳ nào ban hành nhiều nghị quyết về công tác cán bộ và xây dựng Đảng như nhiệm kỳ này. Ảnh: Đ.X.

Bốn là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Theo ông Chính, những việc doanh nghiệp, nhân dân làm tốt hơn thì Nhà nước không làm. Nhưng có những việc doanh nghiệp và nhân dân làm được, Nhà nước vẫn phải đảm nhiệm để đảm bảo sự quản lý, ví dụ về an ninh quốc phòng. Bởi vậy, cần sự uyển chuyển trong điều hành cụ thể.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm.

Bộ Chính trị sẽ có chủ trương chung trong xây dựng vị trí việc làm vì đây cũng là việc khó và nhạy cảm”, ông Chính cho hay.

Nhiệm vụ thứ năm là củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Đặc biệt, phải cá thể hóa được trách nhiệm để khi đối chiếu vào quy chế làm việc của một cơ quan sẽ cụ thể, hiệu quả hơn.

Cá thể hóa trách nhiệm nhiều hơn để giám sát tốt hơn”, ông Chính nêu quan điểm.

Nhiệm vụ thứ sáu là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.

Song song với đó là đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ, coi trọng đức và tài, trong đó đức là gốc.

Đào tạo kiến thức, chuyên môn có thể qua trường lớp và công việc, nhưng đào tạo để giữ vững bản lĩnh chính trị thì phải qua thực tiễn, thực hiện càng phức tạp, khó khăn thì càng rèn luyện được bản lĩnh chính trị”, ông Chính nhấn mạnh.

Đó là lý do vì sao nên kết hợp hài hòa giữa cán bộ Trung ương và cấp cơ sở; kết hợp giữa tính phổ biến và tính đặc thù.

Ông Phạm Minh Chính: 'Phải đề cao danh dự và lòng tự trọng' - 3

Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Đ.X.

Đặc biệt, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu rõ nhiệm vụ siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường để khuyến khích đổi mới, sáng tạo; thực hiện phân cấp, phân quyền nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát; kiểm soát chặt chẽ quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền.

Theo ông Chính, siết chặt kỷ cương nhưng đồng thời phải mở ra môi trường cho đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó, có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Cho biết quá trình thảo luận nội dung này còn nhiều vấn đề, song theo ông Chính, phải có cơ chế xác định rạch ròi để có thể bảo vệ, khuyến khích cán bộ. Ví dụ, cần xác định đổi mới, sáng tạo nhưng phải đem lại hiệu quả, không tham ô, tham nhũng…

Bảy là đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Thời gian tới cần tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực; xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”, ông Chính nêu rõ.

Đặc biệt, ông nhắc tới việc coi trọng tự kiểm tra vì đây là “điểm còn yếu”. Theo ông Chính, nếu làm tốt công tác tự kiểm tra thì các cơ quan chức năng sẽ nhẹ việc đi để tập trung cho công tác phòng ngừa.

Cùng với đó, ông Phạm Minh Chính lưu ý nhiệm vụ chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu các cấp để ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Thực tế nhiệm kỳ qua, do chưa thường xuyên kiểm tra giám sát nên từ vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, dẫn đến nhiều cán bộ đảng viên phải bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý bằng pháp luật, trong đó, có cả cán bộ cấp cao. Đây là nỗi đau của chúng ta và cần phải khắc phục”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu rõ.

Ông nêu nhiệm vụ thứ tám là thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Chín là kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Cuối cùng là nhiệm vụ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp