• Zalo

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM ngày càng giảm

Tin nhanh 24hThứ Ba, 07/07/2020 16:07:23 +07:00Google News
(VTC News) -

Tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM đầu tư phát triển ngày cảng giảm, song TP vẫn giữ vững được vị trí đầu tàu kinh tế cả nước.

Ngày 7/7, tại TP.HCM diễn ra Hội nghị lần thứ 42, Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần thứ X do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì.

Tỷ trọng đóng góp kinh tế tăng không ngừng

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, về quy mô kinh tế tăng trưởng TP và đóng góp vào quy mô kinh tế cả nước, trong giai đoạn 1996 – 2000, kinh tế TP.HCM chiếm 17% kinh tế cả nước. Giai đoạn 2001 – 2010 là 20% và 2011 – 2019 là hơn 22%. Nói đến vai trò đầu tàu kinh tế, có thể thấy tỷ trọng đóng góp vào kinh tế cả nước của TP.HCM trong 25 năm qua không ngừng tăng lên.

TP.HCM giữ vị trí đầu tàu không chỉ là tăng trưởng mà đóng góp vào ngân sách cả nước. Cụ thể, thu ngân sách của thành phố giai đoạn 2001 – 2010 bình quân đóng góp 26% ngân sách cả nước; giai đoạn 2011 – 2019 là khoảng 27,6%. Như vậy tỷ trọng đóng góp ngân sách tiếp tục tăng. Đây là yếu tố chỉ rõ TP.HCM là vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, tiếp tục được giữ vững và tiếp tục được khẳng định", ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng thẳng thắn nhìn nhận, mức vượt trội về tốc độ tăng trưởng so với cả nước giảm. Theo đó, giai đoạn 2001 - 2019 tốc độ tăng trưởng TP bằng 1,6 lần tốc độ tăng trưởng cả nước; giai đoan 2011 – 2019 còn 1,2 lần. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là 20 năm qua, tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM đầu tư phát triển ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2000 tỷ lệ ngân sách để lại TP chỉ 33% trên tổng thu; giai đoạn 2017 - 2020 giảm còn 18%. 

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM ngày càng giảm - 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Thành ủy TP.HCM)

Về tính động lực của kinh tế TP với cả nước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP.HCM có mô hình mới trong phát triển kinh tế đã và đang phát triển. Điển hình là Khu Công nghệ cao TP thu hút khoảng 7 tỷ USD, xuất khẩu hàng năm hơn 8 tỷ USD với diện tích khoảng 800ha; các khu chế xuất, khu công nghiệp từ giai đoạn trước đang phát huy tích cực.

Vì vậy, sự vượt trội về tốc độ tăng trưởng kinh tế có mặt khách quan bị chậm lại là do tỷ lệ ngân sách để lại cho TP giảm đến thấp nhất cả nước nhưng vẫn có nguyên nhân là do chủ quan”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Đánh giá dịch vụ hạ tầng

Liên quan đến kết quả TP phát triển các dịch vụ hạ tầng phục vụ người dân như: Dịch vụ giao thông, cấp nước, thoát nước, môi trường,… Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu cần có thảo luận đánh giá, làm rõ những mặt đạt được, những mặt còn hạn chế.

"Những cái làm được thì khẳng định và những hạn chế phải thẳng thắn nêu ra để khắc phục. Đồng thời phải rà soát lại và trả lời câu hỏi chất lượng cuộc sống người dân liên quan 4 dịch này tăng hay giảm?”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Về tình hình ngập nước, TP.HCM có đủ số liệu trả lời nguy cơ ngập ngày càng tăng là do biến đổi khí hậu, mưa, sụt lún nhưng tình hình ngập thực tế số điểm ngập, tuyến đường chính, hẻm ngày càng tốt hơn. Tình hình xử lý môi trường, qua 5 năm TP thực hiện ngày càng tốt hơn, tiến bộ rõ rệt.

Đối với việc cấp nước, tỷ lệ người dân có thể dùng nước sạch là 100% và tỷ lệ thất thoát nước có giảm, thành phố chưa bao giờ xảy ra thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên cần thảo luận thực tế người dân dùng nước máy tăng hay nước máy chuyển đến nơi cần sử dụng tăng hay giảm.

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM ngày càng giảm - 2

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Thành ủy TP.HCM)

Đối với vấn đề giao thông, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải trả lời 5 năm dân số tăng gần 1 triệu người, thì tổng thể tình trạng ùn tắc giao thông tăng hay giảm?

TP triển khai các dự án giao thông lớn để nhiệm kỳ sau có chuyển biến mạnh mẽ hơn như đường sắt độ thị, nút giao thông lớn, cầu lớn… Trong ùn tắc giao thông, cần xem góc độ nào tăng, góc độ nào giảm.

Cùng với rà soát đánh giá các dịch vụ xã hội, các hoạt động văn hóa, y tế, đánh giá công tác an sinh xã hội, giảm nghèo; việc đảm bảo an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội cũng cần thực hiện nghiêm túc.

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn