"Hãy tưởng tượng... người đứng đầu của một quốc gia hạt nhân đến lãnh thổ Đức và bị bắt. Điều gì sẽ xảy ra? Đó là lời tuyên chiến với Liên bang Nga", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói.
Ông Medvedev cho hay, nếu rơi vào tình huống như vậy Nga sẽ sử dụng mọi phương tiện có sẵn để nhắm mục tiêu vào "quốc hội, văn phòng Thủ tướng Đức...".
Phản ứng này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann cho biết lệnh "bắt giữ" ông Putin sẽ có hiệu lực ở Đức sau khi có yêu cầu từ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Lệnh bắt ông Putin cũng nhận được sự ủng hộ từ Thủ tướng Olaf Scholz. Theo đó, trong chuyến thăm Nhật Bản, lãnh đạo Đức nói rằng "không ai đứng trên luật pháp".
Hôm 17/3, ICC phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belov với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, phán quyết của Tòa án Hình sự quốc tế về việc ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với luật pháp quốc tế.
Cũng theo ông Medvedev, quyết định ICC cũng đồng nghĩa với sự sụp đổ của nền tảng, nguyên tắc luật pháp quốc tế. Ông nói rằng các thẩm phán của ICC không nên đưa ra quyết định chống lại một cường quốc hạt nhân.
Ủy ban điều tra Nga đã mở cuộc điều tra vụ án hình sự chống lại công tố viên và thẩm phán của ICC, mô tả quyết định của họ "rõ ràng là bất hợp pháp, vì không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự”.
ICC cũng lên tiếng về những lời đe dọa từ Nga sau khi cơ quan này phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng các quốc gia thành viên (ASP) - cơ quan giám sát ICC "lấy làm tiếc về những động thái nhằm cản trở nỗ lực quốc tế trong việc đảm bảo các bên phải chịu trách nhiệm đối với hành vi bị luật pháp quốc tế cấm".
Bình luận