Tại phiên họp thứ 20 ngày 5/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã thống nhất với nội dung Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Theo đó, bên cạnh chức năng, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực.
Trả lời PV VTC News, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tham nhũng là một trong những biểu hiện của tiêu cực và muốn đánh tận gốc tham nhũng, chúng ta phải bắt đầu từ chống tiêu cực.
- Nhiều chuyên gia cho rằng, hành vi tham nhũng bước đầu cũng từ những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về đạo đức, tư tưởng, thưa ông?
Theo tôi, tham nhũng là một trong những biểu hiện của tiêu cực. Khi đặt vấn đề phòng chống tham nhũng, chúng ta thấy có rất nhiều sai phạm của các cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, đảng viên, những người giữ các chức vụ quyền hạn trong bộ máy, hệ thống chính trị...
Những người này sử dụng quyền lực của mình để cấu kết với người khác, hoặc cấu kết với nhau nhằm chiếm đoạt tài sản Nhà nước, trục lợi vật chất từ người dân, doanh nghiệp. Nói cách khác, họ sử dụng các biện pháp nhũng nhiễu để chiếm đoạt tài sản hoặc có được lợi ích từ các chủ thể khác.
Trong quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá, hành vi tham nhũng bắt nguồn từ việc suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng, phẩm chất…
Vì vậy, khi xem xét vấn đề này thì tham nhũng xét ở khía cạnh nào đó chẳng qua chỉ là hệ quả, phát sinh của các hành vi tiêu cực. Tiêu cực đầu tiên là tiêu cực trong ý nghĩ, tư duy sau đó tới hành động. Tư duy tiêu cực dẫn tới hành động tiêu cực và vi phạm pháp luật.
Muốn đánh tận gốc tham nhũng, chúng ta phải đánh bắt đầu từ tiêu cực
Ông Lưu Bình Nhưỡng
Tiêu cực nói một cách bình thường là “mẹ đẻ”, thậm chí là “bà nội”, “ông nội” của tham nhũng. Muốn đánh tận gốc tham nhũng, chúng ta phải đánh bắt đầu từ tiêu cực.
Đây là khía cạnh thứ nhất để bổ sung nhiệm vụ phòng chống tiêu cực vào chức năng của Ban Chỉ đạo.
- Từ những phân tích trên, ông đánh giá như thế nào việc bổ sung nhiệm vụ phòng chống tiêu cực bên cạnh chức năng, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo?
Trong một số vụ việc tham nhũng được phát hiện, có những kẻ không tham nhũng nhưng thực hiện các hành vi tiêu cực. Những hành vi này giúp đỡ, cổ súy, tạo mọi điều kiện cho kẻ tham nhũng chiếm đoạt tài sản.
Tiêu cực là hành vi rất nguy hiểm. Ví dụ trong vụ Mobifone mua AVG, có những kẻ tham nhũng nhưng cũng có những người chưa phát hiện ra hành vi này. Tuy nhiên họ có hành vi tiêu cực, không xem xét trong một tổng thể, một vụ việc tham nhũng cũng như trong tổng thể của toàn bộ hệ thống tiêu cực – tham nhũng là không được.
Bên cạnh đó, xét về mặt lý luận, thực tiễn cũng như ý chí, nguyện vọng của người dân, đặc biệt phù hợp với sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần đổi mới hiện nay thì tất cả những hành vi vi phạm từ đạo đức tới pháp luật của cán bộ, công chức đều được xem xét, xử lý ở những hình thức, mức độ của vi phạm, trong đó có tiêu cực.
Hành vi tiêu cực được Đảng xác định là một trong những nhóm, chùm hành vi hết sức nguy hiểm, không thể không đưa vào chương trình của Ban Chỉ đạo để có thể dùng sự tham mưu, hoạt động của Ban Chỉ đạo nhằm hạn chế, triệt tiêu.
Từ những lý do trên, theo cá nhân tôi, việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo là hoàn toàn chính đáng và rất cần thiết.
- Tiêu cực là khái niệm rất rộng, vậy trọng tâm chỉ đạo phòng, chống tiêu cực là gì, thưa ông?
Trọng tâm phòng, chống tiêu cực chính là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới các vấn đề vi phạm pháp luật, đạo đức, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Đây là một vấn đề nằm trong chủ trương về chỉnh đốn Đảng được đưa ra từ Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
- Một số vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây thể hiện sự suy thoái về đạo đức, tiêu cực?
Thời gian qua, vụ cán bộ đi chơi golf giữa lúc giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19 thể hiện rất rõ hành vi suy thoái đạo đức, lối sống, thái độ, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, đảng viên. Đương nhiên, đó là tiêu cực. Nếu không tiêu cực sẽ không thể có hành vi vi phạm này.
Trong lúc toàn dân chống dịch COVID-19, thậm chí có những người nghèo vẫn dùng mọi năng lực để giúp đỡ xã hội nhưng là cán bộ, lãnh đạo anh lại đi “chơi sang”.
Những người có hành vi tiêu cực là coi thường kỷ cương, coi thường cả sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật Nhà nước, coi thường cả xã hội. Chính vì thế tôi muốn khẳng định, tất cả những hành vi vi phạm ấy đều xuất phát từ tiêu cực.
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, tham nhũng kinh tế làm mất tiền bạc, nhưng suy thoái, tiêu cực không chỉ làm mất cán bộ mà nặng hơn là làm giảm uy tín của Đảng. Tiền bạc mất có thể thu hồi lại, nhưng cán bộ mất phẩm chất chính trị thì có thể phản bội Đảng, phản bội Nhân dân, điều này là vô cùng nguy hiểm. Ông có suy nghĩ gì về nội dung được Tổng Bí thư đề cập?
Riêng tiêu cực đã rất ghê gớm mà tham nhũng nữa thì chồng chất lên những vi phạm. Như vậy, hình ảnh của Đảng và Nhà nước sẽ bị bóp méo.
Chúng ta đang xây dựng đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh, những người coi thường kỷ cương phép nước không thể chấp nhận được, trong khi lẽ ra họ phải là những người nêu gương.
- Với việc bổ sung thêm nhiệm vụ chống tiêu cực, ông kỳ vọng gì vào hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng?
Tôi rất kỳ vọng vào hoạt động của Ban Chỉ đạo. Từ khi thành lập, Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng đã phát huy rất hiệu quả vai trò cực kỳ quan trọng của mình.
Nếu bổ sung nhiệm vụ chống tiêu cực sẽ làm rõ hơn, tăng cường sức mạnh cũng như phạm vi quán xuyến của Ban Chỉ đạo; mang lại hiệu ứng, hiệu quả tốt hơn, giúp người dân, giúp Đảng giám sát các hoạt động của các cán bộ, công chức, đảng viên tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận