Trong cuộc họp Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đầu năm 2024, nhà văn Khuất Quang Thụy đã đề đạt nguyện vọng xin thôi giữ mọi chức vụ lãnh đạo của Hội, nghỉ công tác vì lý do sức khỏe. Ông đề nghị các thành viên ban chấp hành xem xét.
Sau khi lắng nghe nguyện vọng của nhà văn Khuất Quang Thụy, các thành viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có ý kiến và bỏ phiếu kín. Theo đó, 100% số phiếu đồng ý cho nhà văn Khuất Quang Thụy thôi nhiệm vụ Ủy viên ban chấp hành và Trưởng ban Kiểm tra Hội.
Trước đó, nhà văn Khuất Quang Thụy đã thôi nhiệm vụ Tổng biên tập Báo Văn Nghệ vào đầu tháng 1/2024 vì lý do sức khoẻ nhưng đến nay mới có quyết định chính thức.
Nhà văn Khuất Quang Thụy sinh ngày 12/1/1950 ở Hà Nội. Ông là cây bút trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1976, ông được điều về Trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị và sau đó học Trường Viết văn Nguyễn Du khoá I. Tốt nghiệp, nhà văn Khuất Quang Thụy về Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm Biên tập viên, Trưởng ban văn xuôi, Phó Tổng biên tập.
Sau đó chuyển sang làm Tổng biên tập trang thông tin điện tử Vanvn.net của Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng Biên tập phụ trách – Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khoá VIII, IX và X.
Ông là tác giả nhiều tác phẩm giá trị như tiểu thuyết Trong cơn gió lốc (1980), Trước ngưỡng cửa bình minh (1985), Thềm nắng (1988), Người đẹp xứ Đoài (1991), tập truyện ngắn Những người ở bến Phù Vân (1985), Những trái tim không tàn tật (1986),... và có nhiều đóng góp cho hoạt động Hội Nhà văn Việt Nam trong mấy mươi năm qua.
Trong sự nghiệp cầm bút, nhà văn Khuất Quang Thuỵ nhận nhiều giải thưởng danh giá như giải Nhất cuộc thi viết truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng (1984) với tiểu thuyết Không phải trò đùa, giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng (2004) với tiểu thuyết Những bức tường lửa.
Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 cho cụm ba tiểu thuyết: Trong cơn gió lốc, Không phải trò đùa và Góc tăm tối cuối cùng.
Bình luận