Kỳ 2 (kỳ cuối): Cần làm rõ thân phận ông Hoàng Bẩy trong đền Bảo Hà
Truyền thuyết vị tướng
Truyền thuyết được sử dụng nhiều nhất kể về ông Hoàng Bẩy như sau: Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Bảo Hà có một vị trí quan trọng phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc.
Từ đời nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa quan Bảo Thắng và Bảo Hà, trong đó Bảo Hà là hậu cứ của Bảo Thắng. Tại đây có đài hỏa hiệu, trạm liên lạc thông tin cho các châu huyện phía dưới.
Giữa niên hiệu Cảnh Hưng, Bảo Hà là trung tâm Châu Văn Bàn. Trong thời Cảnh Hưng (1740 – 1786), bọn giặc phương Bắc thường hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc. Xã Khấu Bàn, châu Văn Bàn đã phải xây dựng các thành luỹ chống giặc.
Trước cảnh đau thương tang tóc, lại có nguy cơ bị xâm lược, tướng Nguyễn Hoàng Bẩy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải.
Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng đã tổ chức các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sỹ… Sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay).
Quân giặc phương Bắc do tên tướng Tả Tủ Vàng Pẹt đưa quân sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân lên tham chiến. Song, do trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh.
Giặc vứt xác ông xuống sông Hồng, và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng do ông Lư Văn Cù đứng ra tổ chức vớt xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ.
Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã ban sắc phong tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông cũng được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần Vệ Quốc”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng giêng.
Nhắc đến ông Hoàng Bẩy thì ai cũng nghĩ ngay đến những cuộc lên đồng thú vị. Giá đồng dù là nam hay nữ, thì cũng đều biết hút thuốc, hoặc uống rượu, ca hát ngất trời. Trong suy nghĩ của nhiều người, thì ông Hoàng Bẩy là một vị tướng, nhưng sành ăn chơi phải biết.
Khi hỏi kỹ về ông Hoàng Bẩy, thì một số cán bộ quản lý di tích đền Bảo Hà (xã Bảo Hà, Bảo Yên, Lào Cai, xin được giấu tên) cũng thú thật rằng, chưa thể khẳng định được ông Hoàng Bẩy là ai, quê quán ở đâu, năm sinh năm mất thế nào cũng không chắc chắn, vì không có ghi chép gì, ngoài những truyền thuyết, huyền thoại.
Mặc dù vậy, hàng năm vào ngày 17/7, Ban quản lý và chính quyền địa phương vẫn tổ chức giỗ ông Hoàng Bẩy cùng với đó là khai hội. Lễ cúng ông Hoàng Bẩy đã có từ lâu, nên xưa làm thế nào, thì giờ ban tổ chức vẫn cứ làm thế.
Tìm hiểu thêm, thì thấy có khá nhiều dị bản về ông Hoàng Bẩy. Dị bản sau đây cũng kể về ông Hoàng Bẩy ở đền Bảo Hà, không rõ có từ khi nào: Ông Hoàng Bẩy là con Đức Vua Cha. Theo lệnh vua, ông giáng phàm trần, trở thành con trai thứ 7 trong tộc họ Nguyễn, cuối thời Lê.
Ông được cử lên Văn Bàn đánh giặc, ông bị giặc bắt. Chúng tra khảo, sát hại rồi vứt thi thể xuống sông. Kỳ lạ thay, di quan của ông trôi dọc sông Hồng, đến phà Trái Hút (Bảo Hà, Lào Cai) thì dừng lại.
Còn một điều kỳ lạ nữa là khi ông bị giặc sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã (ngựa). Từ thi thể ông phát ra đạo hào quang, phi lên thân ngựa, đến Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội.
Sau này, khi hiển linh ông được giao quyền trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong đền Bảo Hà. Ông nổi tiếng là một ông Hoàng không chỉ giỏi kiếm cung mà còn rất ăn chơi, phong lưu. Khi thanh nhàn ông ngả bàn đèn, uống trà mạn Long Tỉnh, ngồi chơi tổ tôm, tam cúc, xóc đĩa… lúc nào cũng có thập nhị tiên nàng hầu cận.
Mặc dù ăn chơi nức tiếng, nhưng ông lại luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu.
Ông Bẩy là ông Hoàng hay ngự về đồng. Hầu đồng ông Bẩy đã thành nét văn hóa, nên chuyện ở đền Bảo Hà diễn ra cả chục cuộc hầu đồng một lúc là chuyện bình thường.
Ông trùm thuốc phiện?
Những ngày lang thang ở đền Bảo Hà, tìm hiểu từ những người lớn tuổi, PV thu thập được nhiều thông tin về ông Hoàng Bẩy khác biệt với thông tin chính thống.
Ông Trần Ngọc Lâm (57, Phan Chu Trinh, TP. Lào Cai), nổi tiếng với biệt danh “người rừng”, là người nắm rất rõ về ngôi đền Bảo Hà và sự tích về ông Hoàng Bẩy được thờ trong ngôi đền này.
Ông Trần Ngọc Lâm hiện ở Lào Cai, nhưng quê gốc Yên Bái. Bố ông Lâm nếu còn sống thì đã 110 tuổi. Bố ông từng đi lính cho Pháp, sau được cách mạng giác ngộ. Bố ông làm việc dọc tuyến sông Hồng từ Yên Bái lên Lào Cai và Sapa, khi vùng đất này còn vô cùng hoang sơ, cọp nhiều như mèo, nên không chuyện gì là ông không biết. Những chuyện quanh ngôi đền Bảo Hà ông kể thường xuyên với con trai mình, tức ông Lâm.
Bản thân ông Lâm cũng đã gần 70 tuổi, sống nhiều năm ở vùng đất này, địa danh nào ở Lào Cai, Yên Bái cũng đã đặt chân đến nên ông biết rất rõ về đền Bảo Hà. Ông Lâm cho biết: “Với sự hiểu biết của mình, rồi qua tìm hiểu từ các cụ già ngày xưa, tôi khẳng định rằng, cái ông được thờ trong đền Bảo Hà không phải quan to tướng lớn nào cả, mà chỉ là một ông trùm buôn thuốc phiện nổi tiếng ở vùng Trái Hút (thuộc đất Yên Bái bây giờ), cách Bảo Hà chừng 20km. Cũng có thể ông ta chỉ là một quan lang nhỏ gì đó thôi. Ngày đó, chẳng ai cấm thuốc phiện, nên chuyện buôn bán, hút sách cũng là bình thường”.
Theo lời ông Lâm, thời đó, vùng Trái Hút, cùng với phố Lu bây giờ là trung tâm thuốc phiện lớn vùng Tây Bắc, thu hút rất nhiều tay chơi đổ về hút hít. Giới buôn bán thuốc phiện từ Lai Châu, Sơn La đều qua đây, tập kết thuốc phiện ở vùng này, rồi mới đưa về xuôi.
Sông Hồng từ TP. Lào Cai về khu vực Trái Hút chỉ dài vài chục cây số, nhưng có rất nhiều ghềnh thác, xoáy nước. Trong đó, đoạn sông qua Bảo Hà nước chảy quẩn, nên người chết trôi hay vật nào đó trôi về đây thì bị giữ lại. Từ xưa đến nay, người trên ngược chết đuối, dân vớt xác chỉ việc chầu chực ở Bảo Hà là tìm thấy xác người.
Trong một lần chuyển hàng từ Phố Lu về Trái Hút bằng đường sông, ông trùm thuốc phiện Hoàng Bẩy bị lật thuyền, chết đuối và xác đã trôi về Bảo Hà. Đám đệ tử của ông trùm này đã vớt xác, đem chôn, rồi lập miếu thờ tạm bợ.
Ngày đó, đi đường thủy thì dễ bị lật thuyền, đi đường bộ dễ bị hổ vồ. Xưa, người Lào Cai có câu: “Cọp Bảo Hà - ma Trái Hút" - câu cửa miệng trong dân gian đã cho thấy sự u ám, hoang lạnh một thời của vùng đất này.
Dân buôn bán, đặc biệt buôn thuốc phiện đi qua thường ghé miếu Hoàng Bẩy thắp hương cầu may mắn cho chuyến buôn đường dài. Tin đồn cứ thế lan rộng, ngôi đền trở nên linh thiêng, nổi tiếng. Điều đó cũng lý giải vì sao một thời, cho đến tận bây giờ, ngôi đền này rất hút những người buôn bán thuốc phiện, số đề. Và, họ tìm mọi cách để cúng ông Bẩy thuốc phiện, bàn đèn.
Theo lời ông Trần Ngọc Lâm, ông Hoàng Bẩy trong tín ngưỡng dân gian Tứ phủ thì ông không quan tâm, nhưng ông Hoàng Bẩy được thờ trong đền Bảo Hà, thì theo lời các cụ nhà ông truyền lại, chỉ là người bình thường, từng buôn bán thuốc phiện.
Theo ông Trần Ngọc Lâm, ở Lào Cai không chỉ có ngôi đền Bảo Hà có nguồn gốc lạ lùng, mà còn vài ngôi đền nữa cũng tương tự.
Cạnh đường đi Lai Châu, trong rừng Hoàng Liên có một ngôi đền ra đời trong hoàn cảnh rất giống đền Bảo Hà.
Ngôi đền này vốn do dân buôn thuốc phiện dựng lên thờ cúng từ thời Pháp. Theo lời đồn, thì cũng có một con buôn thuốc phiện chết ở khu vực này, rồi dân buôn thuốc phiện lập miếu đơn sơ để thờ.
Thế nhưng, khoảng chục năm nay, theo lời đồn đại cũng trở nên linh thiêng, dân nghiện và buôn thuốc phiện kéo đến cúng bái nhiều. Thậm chí, cả người bên Trung Quốc cũng sang cúng bái, xin “thần” che chở cho những việc làm sai trái, vô đạo.
Bây giờ, thì ít người biết xuất xứ ngôi đền đó, bởi dân kinh doanh và quan chức đã kéo đến cúng bái rất đông.
Câu chuyện về ông thần Hoàng Bẩy hiện có nhiều dị bản. Ông là tướng quân, thổ ty, hay chỉ là tay buôn thuốc phiện thì chưa được làm rõ, nhưng có một điều, ông là tay chơi nổi tiếng, hút hít, đàn ca sáo nhị thì dân gian đều rõ cả. Các nhà khoa học cũng cần thiết vào cuộc nghiên cứu, để làm sáng tỏ chuyện này, để việc chiêm bái tâm linh đúng đạo.
Việc ông thần này có bảo vệ được cho đám buôn gian, bán lận hay không, thì chẳng rõ, nhưng có một chuyện mà tôi nghe được từ anh em cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lào Cai về một bà trùm ma túy mê hầu đồng giá ông Bẩy thì khá thú vị. Nhân vật đó là Trịnh Thị Hường, 45 tuổi, trú ở phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội).
Nhân vật này bị 2 lần truy nã vì buôn bán ma túy. Hường có tới 4 đời chồng thật và chồng hờ. Mặc dù là bà trùm ma túy, chủ lô đề khét tiếng, nhưng Hường lại rất mê tín, hàng tuần đều hầu đồng giá Hoàng Bẩy.
Tháng nào thị cũng lên đền Bảo Hà kêu ông Hoàng Bẩy độ trì cho “nghề” buôn ma túy, ghi số đề. Thị thần tượng ông Hoàng Bẩy đến nỗi, đứa con sinh ra với ông chồng hờ thứ 4, là một thầy cúng, thị còn đặt tên là Nguyễn Bảo Hà, tên ngôi đền. Tuy nhiên, dù đã thay tên, đổi họ, lẩn trốn, thị vẫn không thoát được lưới trời.
Bình luận