• Zalo

Ông Erdogan 'mắng mỏ' châu Âu, kêu gọi tẩy chay hàng Pháp

Thời sự quốc tếThứ Hai, 26/10/2020 20:26:12 +07:00Google News
(VTC News) -

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp và cáo buộc châu Âu đối xử với người Hồi giáo giống như cách họ đối xử với người Do Thái trước Thế chiến II.

Trong một cuộc nói chuyện trước đám đông ở Ankara ngày thứ Hai (266/10), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói: "Bạn (những người châu Âu) là những kẻ phát xít, bạn nằm trong mắt xích của chủ nghĩa Quốc xã"

"Người Hồi giáo hiện đang phải chịu một chiến dịch hành hình tương tự như chiến dịch chống lại người Do Thái ở châu Âu trước Thế chiến thứ hai".

Erdogan lên tiếng trong bối cảnh thế giới Hồi giáo giận dữ trước lập trường cứng rắn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sau vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi giữa tháng.

Ông Erdogan 'mắng mỏ' châu Âu, kêu gọi tẩy chay hàng Pháp - 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Pháp Emanuel Macron.

Nước Pháp để tang giáo viên Samuel Paty, người đã bị chặt đầu sau khi cho học sinh xem đoạn phim minh họa về nhà tiên tri Mohammed. Nói về sự kiện đó, Tổng thống Macron khẳng định Pháp sẽ "không từ bỏ các phim minh họa" và cáo buộc "những kẻ Hồi giáo cực đoan đánh cắp tương lai của chúng ta".

Trong bài phát biểu của mình, ông Erdogan kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu chấm dứt cái ông gọi là chương trình nghị sự "chống Hồi giáo" của Macron.  

Trong khi đó, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cáo buộc ông Marcon 'tấn công đạo Hồi' và triệu tập đại sứ Pháp yêu cầu giải trình.  

Các cuộc tẩy chay hàng hóa Pháp đang được tiến hành tại các siêu thị ở Qatar và Kuwait và lời kêu gọi từ chối các sản phẩm của Pháp ở Jordan và các lãnh thổ khác trong khu vực.

Hôm thứ Hai, người đứng đầu liên đoàn người sử dụng lao động (MEDEF) của Pháp, ông Geoffroy Roux de Bezieux cho biết cuộc tẩy chay, mà ông mô tả là "ngu ngốc", rõ ràng là tin xấu đối với các công ty vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, MEDEF chấp nhận bị tẩy chay chứ không nhượng bộ. "Có những quãng thời gian cần đặt các nguyên tắc lên trên việc kinh doanh", ông Bezieux nói, nhấn mạnh liên đoàn ủng hộ lập trường của chính phủ Pháp.

Sau vụ sát hại giáo viên, nhiều nghi phạm bị cho là người Hồi giáo cực đoan đã bị bắt trong hàng loạt cuộc truy quét. Khoảng 50 tổ chức bị cáo buộc có liên hệ với những cá nhân như vậy đã bị chính phủ yêu cầu đóng cửa.

Lập trường của Macron đã làm gia tăng căng thẳng giữa Pháp và thế giới Hồi giáo, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu người đồng cấp Pháp của ông nên 'kiểm tra tâm thần' vì đã đối xử với 'hàng triệu người từ các nhóm tín ngưỡng khác nhau theo cách này'.

Các bình luận đã khiến Paris triệu hồi phái viên của mình tại Ankara về nước. Thủ tướng Pakistan Imran Khan cáo buộc ông Macron "tấn công đạo Hồi".

Maher al-Huli, một thủ lĩnh của nhóm Hồi giáo Palestine Hamas, lên án những bình luận của Macron "và bất cứ ai xúc phạm Nhà tiên tri Mohammed, dù qua lời nói, hành động, cử chỉ hay hình ảnh".

Phong trào Shiite ở Li-băng Hezbollah và Ma-rốc cũng lên tiếng chống lại Pháp.

Hôm thứ Hai, nhóm Taliban ở Afghanistan phản đối kịch liệt, tuyên bố bình luận của Macron là "lập trường chống lại các quốc gia (Hồi giáo)". Taliban nói "tốt hơn nếu ông ấy nghiên cứu kỹ lưỡng về Hồi giáo thay vì đưa ra những nhận xét thiếu hiểu biết về Hồi giáo".

Người đứng đầu phòng thương mại Amman, Khalil Haj Tawfeeq, trong một bức thư gửi đại sứ Pháp tại Jordan, đã kêu gọi Macron xin lỗi thế giới Hồi giáo.

Bộ trưởng Văn hóa Pháp Roselyne Bachelot hôm thứ Hai nhấn mạnh trên BFMTV rằng "không có cuộc chiến chống lại người Hồi giáo Pháp, mà chỉ đơn giản là cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố".

Các cuộc biểu tình mới được lên kế hoạch vào 26/10 ở dải Gaza và ngày 27/10 ở Amman.

Theo bạn, ứng cử viên nào sẽ trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây?

Minh Huy(Nguồn: AFP)
Bình luận
vtcnews.vn