Hôm 22/9, Tổng thống Rodrigo Duterte đã đưa ra các phát biểu mạnh mẽ về phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) năm 2016, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mở rộng của Bắc Kinh ở Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế.
Cứng rắn với Trung Quốc
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Duterte cho biết quyết định này “hiện là một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp”.
“Philippines kiên quyết bác bỏ các nỗ lực phá hoại phán quyết. Chúng tôi hoan nghênh số lượng ngày càng tăng các nước ủng hộ phán quyết. Điều đó cho thấy chiến thắng của lý trí trước sự khiêu khích, của luật pháp trước sự nổi loạn, và lòng thân thiện trước tham vọng”, ông Duterte cho hay.
Sau khi lên nắm quyền năm 2016, Tổng thống Duterte phớt lờ phán quyết của tòa PCA, củng cố và duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong khi tuyên bố "tách biệt" khỏi Mỹ - đồng minh quân sự lớn nhất của Philippines trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Philippines bắt đầu quay trở lại thân cận với Mỹ - vốn vẫn được người dân Philippines hoan nghênh trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường sự quyết đoán ở Biển Đông và nền kinh tế Philippines bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
“Chính sách đối ngoại của Philippines đối với Mỹ và Trung Quốc đã thay đổi trong năm nay theo hướng có lợi cho Washington”, chuyên gia cấp cao Malcolm Cook thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định.
Tổng thống Philippines Duterte tháng 6 vừa qua đã đình chỉ quyết định hủy bỏ Thỏa thuận lực lượng viếng thăm Philippines - Mỹ (VFA). Quyết định này được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ trong khi bắt đầu gia tăng chỉ trích về các động thái của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp. Tháng này, ông Duterte đã ân xá cho một lính thủy Mỹ bị kết tội năm 2015 vì giết một người Philippines chuyển giới.
Cũng trong tuần này, Philippines hoan nghênh Mỹ và các quốc gia khác đóng vai trò duy trì an ninh ở Biển Đông. Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ và gọi đó là “động lực lớn nhất của việc quân sự hóa Biển Đông”.
“Tôi có thể thề với các bạn, các cường quốc phương Tây sẽ ở Biển Đông. Chúng tôi tin rằng tự do của người dân Philippines phụ thuộc vào cán cân quyền lực ở Biển Đông”, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nói với các nhà lập pháp trong một phiên điều trần ở Manila hôm 21/9.
Giới chức Philippines cho rằng, các động thái gần đây của chính phủ Philippines là sự phản ánh chính sách đối ngoại độc lập của nước này, không đứng về một phe cụ thể. Liên minh của Mỹ với Philippines là liên minh lâu đời nhất trong khu vực, với một hiệp ước phòng thủ chung được ký kết vào năm 1951. Theo hiệp ước này, một trong hai quốc gia sẽ đáp trả bằng quân sự trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công.
Đề cao lợi ích quốc gia
Ông Duterte “đề cao lợi ích quốc gia của Philippines chứ không phải lợi ích của quốc gia nào khác”, người phát ngôn của Tổng thống, ông Harry Roque cho biết. Đầu tháng này, Roque cho rằng Tổng thống Duterte ân xá cho lính thủy quân lục chiến Mỹ nhằm có được sự ưu ái trong nỗ lực tiếp cận với vaccine COVID-19.
Ông Peter Mumford, người đứng đầu bộ phận Đông Nam Á và Nam Á tại trung tâm tư vấn rủi ro Eurasia Group cho rằng: "Về mặt ý thức hệ, Duterte bị thu hút bởi Trung Quốc hơn là Mỹ. Nhưng chính sách đối ngoại của ông ấy cũng được thúc đẩy bởi chủ nghĩa thực dụng chính trị và kinh tế".
Theo ông Rommel Ong, đô đốc đã nghỉ hưu của Hải quân Philippines và là giáo sư tại Đại học Ateneo de Manila cho biết: “Với quan điểm gần đây của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp, việc thuyết phục các bên liên quan rằng nước này không gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Philippines vẫn là một nhiệm vụ khó khăn đối với ông Duterte”.
Trong những tháng gần đây, Philippines cáo buộc Bắc Kinh khảo sát vùng biển mà cả hai nước tuyên bố chủ quyền, sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển để thu giữ thiết bị đánh cá gần bãi cạn tranh chấp, công bố các cơ sở nghiên cứu rạn san hô mới và chĩa laser vào tàu Hải quân Philippines. Hơn nữa, cam kết hàng tỷ USD mà Trung Quốc hứa cho cơ sở hạ tầng Philippines đã không thành hiện thực.
“Nếu Trung Quốc thực hiện các lời hứa đầu tư và ít gây hấn hơn trong các hành động ở Biển Đông, Tổng thống Duterte sẽ có lợi hơn để thuyết phục các bên liên quan khác nhau trong nước theo lập trường ủng hộ Trung Quốc của mình”, ông Rommel Ong cho hay.
Bình luận