Năm 8 tuổi, trong lần đi chơi Tết cùng gia đình ở phố ông đồ, Thành bắt gặp hình ảnh những người ngồi viết thư pháp và nhận thấy loại chữ này rất ấn tượng: “Thư pháp có gì đó giống mỹ thuật và lại rất nghệ sĩ, thế là từ đó mình thích thư pháp và muốn theo đuổi nó”.
Phải mất một khoảng thời gian khá dài, Xuân Thành mới hiểu và đam mê với thư pháp một cách thực sự. Không có một người thầy cụ thể nào, Thành phải tự học thông qua các sách dạy về thư pháp.
Cậu cũng thường xuyên lên mạng tham khảo những mẫu chữ và các video hướng dẫn dành cho người mới học. Một trong những rào cản lớn nhất mà Thành gặp phải khi đó là tuổi đời của cậu còn quá nhỏ.
Tính đến nay, “ông đồ nhí” đã có trong bộ sưu tập thành tích của mình hơn 1000 bức tranh lớn nhỏ. Không chỉ là một môn nghệ thuật, thư pháp còn góp phần thể hiện tính cách của một nghệ sĩ trẻ, sớm có niềm đam mê và trăn trở về nghệ thuật truyền thống.
Đến với thư pháp, Thành như trưởng thành sớm hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều bạn bè thường gọi cậu là "ông cụ non" bởi sự trưởng thành sớm cả trong suy nghĩ và hành động. Xuân Thành tâm sự: “Thư pháp giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều, từ cách sống cho đến công việc đồng thời rèn luyện cho mình cẩ tính kiên nhẫn".
Mỗi ngày, Xuân Thành dành khoảng 2, 3 tiếng để luyện chữ và vẽ những ý tưởng mới. Thành luôn quan niệm thư pháp là một môn nghệ thuật và cũng là nét văn hóa độc đáo của dân tộc nên phải giữ nó theo đúng nghĩa.
Là người nhỏ tuổi nhất trong các cuộc thi thư pháp, Xuân Thành được mọi người gọi thân thương là “em đồ”. Tuy nhiên, không vì thế mà “em đồ” tỏ ra kém cạnh hơn so với thế hệ đi trước. Thành đã mang về cho mình kha khá những giải thưởng như: Giải 3 và giải khuyến khích cuộc thi Nét Vẽ Xanh cấp thành phố năm 2009, 2010; giải nhất cuộc thi vẽ trang trí mũ bảo hiểm; giải nhất cuộc thi viết thư pháp Việt Nét bút tri ân 2014…
Tích cực tham gia các hoạt động truyền bá thư pháp đến với giới trẻ, Xuân Thành hi vọng: “Mình luôn mong muốn sẽ đưa thư pháp lại gần với giới trẻ hơn vì hiện nay đa số những người đến với thư pháp đều là trung niên và người lớn tuổi còn giới trẻ thì ít người biết đến. Tiếp đó, mình cũng muốn gửi gắm những nét văn hóa truyền thống để khỏi bị quên lãng”.
Mỗi dịp hè, lớp dạy thư pháp của Xuân Thành vẫn thu hút rất đông các bạn trẻ đến theo học. Mong rằng sức hút của loại hình nghệ thuật truyền thống này đối với giới trẻ sẽ được nuôi dưỡng và ngày một lớn dần.
Min
Bình luận