Chiều 27/12, phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ án nâng giá kit test Việt Á liên quan Học viện Quân y tiếp tục với phần xét hỏi.
Bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á) khai khoảng 2 năm trước, Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) gọi điện cho bị cáo nói muốn đặt hàng sản xuất kit test và đang rất cấp bách. Ông Hùng thuyết phục bị cáo cố gắng phối hợp tham gia đề tài vì chỉ duy nhất Công ty Việt Á có đủ điều kiện để Bộ Y tế cấp phép.
Trong suốt quá trình, bị cáo Hùng không trao đổi, yêu cầu Việt phải có lợi ích cho ông ta.
"Tin nhắn giữa bị cáo và bị cáo Hùng thể hiện rất rõ bị cáo sản xuất đủ 200.000 kit test là sẽ dừng bởi nghĩ dịch sẽ không kéo dài", Phan Quốc Việt Trình bày.
Về số tiền mang biếu Trịnh Thanh Hùng nhân dịp 2/9 và Tết năm 2020, ông chủ Công ty Việt Á khẳng định: "Hoàn toàn là tình cảm riêng của bị cáo với bị cáo Hùng, hoàn toàn không có hứa hẹn từ trước".
Bị cáo Việt cũng tái khẳng định, bị cáo Hùng chỉ liên quan đến đề tài chứ không liên quan đến quá trình sau đó. "Và với đề tài thì Việt Á chỉ nhận đâu đó khoảng 10 tỷ, không thể nào chi được con số lớn như vậy", Phan Quốc Việt trình bày thêm.
Trước toà, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, khi Hồ Anh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược quân sự thuộc Học viện Quân y) gọi điện thoại, ông có nói chỉ cần tìm doanh nghiệp đã có chứng chỉ ISO, theo tiêu chí của Bộ Y tế, để cấp giấy phép khi hoàn thành sản phẩm. Khi đó, Sơn nói với bị cáo "không kiếm được".
"Tôi có gợi ý cho Sơn mời Phan Quốc Việt tham gia đề tài này", bị cáo Hùng khai. Bị cáo gọi điện cho ông chủ Công ty Việt Á và giải trình rằng, thời điểm đó, việc phòng, chống dịch cấp bách; Việt Á là doanh nghiệp từng phối hợp Học viện Quân y thực hiện Đề tài nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm vi khuẩn Lao do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt năm 2012 - 2013.
"Khi gọi Việt, nội dung duy nhất là động viên, tham gia đề tài này làm sao trong thời gian nhanh nhất có kit chống dịch", bị cáo Hùng cho hay và khẳng định không đòi hỏi lợi ích vật chất.
Theo bị cáo, khi đưa sản phẩm đi thực nghiệm, kết quả kiểm định cho thấy 1 bộ kit không đạt, 1 bộ kit tốt hơn. Lúc đó, cả Sơn và Việt có trao đổi với bị cáo. Cả ba người sau đó thống nhất, kit tốt, đáp ứng đủ tiêu chí thì mang đi kiểm định. "Nhận thức tại thời điểm đó, hiện tại kết quả đó là của nghiên cứu đề tài", bị cáo Hùng trình bày.
Bị cáo Trịnh Thanh Hùng được xác định có hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở nước ngoài và có nguy cơ cao lây lan vào Việt Nam, Ban Giám đốc Học viện Quân y có công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề xuất nhiệm vụ phát triển kit test COVID-19.
Do vụ lợi cá nhân nên từ tháng 1/2020, Trịnh Thanh Hùng khi đó là Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thông đồng với Phan Quốc Việt và Hồ Anh Sơn (khi đó là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược quân sự thuộc Học viện quân y) để đưa công ty này vào tham gia đề tài với vai trò là cơ quan phối hợp, sản xuất 20.000 kit test thử nghiệm và sau đó để Công ty Việt Á được cấp phép và sản xuất thương mại.
Sau khi được Bộ Y tế cấp phép, Phan Quốc Việt đã đưa bồi dưỡng cho Trịnh Thanh Hùng hai lần tổng số tiền 350.000 USD (khoảng 8 tỷ đồng).
Trong vụ án, Trịnh Thanh Hùng bị cáo buộc là người khởi xướng, giữ vai trò, trách nhiệm chính.
Bình luận