• Zalo

Ông chủ Man City: Chơi bời hay làm kinh tế?

Thể thaoThứ Ba, 05/02/2013 10:36:00 +07:00Google News

Nếu Hoàng thân Mansour không làm kinh tế, mà chỉ “chơi”, thì cũng khó mà đoán được ông ta sẽ hành xử theo quy luật nào.

Hôm nay là ngày cuối cùng đồng penny của Canada (1 cents, bằng 1/100 đô-la Canada và tương đương với hơn 200 VND) được sử dụng. 6 tỷ đồng tiền loại này sẽ bị thu hồi trong các năm tới, và mọi giao dịch của Canada sẽ phải điều chỉnh về đến đơn vị tối thiểu 5 cents.

1. Lý do là để đúc một đồng 1 cent lại có chi phí lên tới 1,6 cent. Mỗi năm, 11 triệu đô-la được “bù lỗ” vào quá trình trên, và chính phủ Canada quyết định cắt giảm khoản chi này.

Người Canada cảm thấy tiếc nuối. Không giá trị lắm, đến mức đôi khi người ta không cúi xuống nhặt nó lên nếu bất cẩn, nhưng đồng penny đã tồn tại hơn trăm năm, đi vào thơ ca và tiềm thức của những người dân nước này. Nhiều người coi nó là “đồng xu may mắn”.

Dàn sao Etihad

Nhưng để sở hữu một thứ mang phần lớn giá trị tinh thần với giá thành bằng 1,6 lần giá trị sử dụng, chỉ có thể là hành động của các nhà sưu tập, chứ không phải là một bài toán kinh tế hợp lý.

Tạm biệt đồng penny Canada, bây giờ người ta quay trở lại với một thứ mà giá trị sử dụng thấp hơn giá trị sản xuất khác: Manchester City. Cuối cùng thì ở đây đang có một cuộc chơi hay có một bài toán kinh tế?

2. Nghiêm túc mà nói, cũng có lúc cuộc đầu tư vào Man City của Hoàng thân Mansour mang dáng dấp của một thương vụ kinh tế nghiêm chỉnh.

Ông chi ra hàng trăm triệu bảng đầu tư hạ tầng, xây một trung tâm huấn luyện hiện đại nhất châu Âu (có ông chủ lớn nào của bóng đá châu Âu đã bỏ tiền túi làm được việc ấy?), hoạt động quảng bá thương hiệu của họ cũng được thực hiện rất bài bản với các chuyên gia hàng đầu. Doanh thu tăng rất nhanh.


Xin nhấn mạnh là không phải tiêu nhiều tiền trên thị trường chuyển nhượng thì có nghĩa là người ta đang chơi bóng đá đơn thuần. Đó vẫn có thể là một cuộc đầu tư nghiêm túc, với chi phí ban đầu lớn. Real Madrid làm kinh tế theo kiểu đó. Dortmund dạo trước cũng làm kinh tế theo kiểu đó (nhưng thất bại và suýt phá sản).

Nhưng hầu hết thời gian, Hoàng thân Mansour cho người ta cảm giác rằng ông đang “chơi”. Mọi thứ đều bất hợp lý: lúc thì ông mua quá nhiều tiền đạo, lúc ông lại mua quá nhiều tiền vệ. Chỉ cần là một cái tên đang “nóng”, các lãnh đạo của CLB này sẽ đến nhảy vào cuộc đấu giá.

Cuối cùng là ông đang chơi hay ông đang làm kinh tế? Bởi hai hoạt động ấy sẽ đem đến những cách hành xử rất khác nhau.

Ông chủ Man City- làm kinh tế hay tính toán gì khác?

3. Nếu bạn là một nhà sưu tập, bạn có thể chấp nhận đổi 1,6 cent để sở hữu đồng 1 cent chỉ vì nó đẹp. Nếu bạn là một nhà kinh tế, bạn sẽ tìm đủ mọi cách để sau khi bỏ ra 1,6 cent, bạn thu về 5 cent, 10 cent hoặc 1 đô-la.

Abramovich rành rành là một nhà sưu tập. Suốt 10 năm qua ông chủ Chelsea miệt mài móc túi, và đã có lúc người ta đồn đoán rằng ông chán món đồ chơi màu xanh của mình rồi, nhưng đến tận bây giờ Chelsea vẫn tiêu tiền như rác. Và vì là nhà sưu tập, nên Abramovich chẳng cần tính hợp lý: thích mua ai là mua, thích đuổi ai là đuổi, thích bổ nhiệm ai là bổ nhiệm (hãy nhớ Avram Grant đã bước ra từ bóng tối như thế nào).

Nên nếu Hoàng thân Mansour không làm kinh tế, mà chỉ “chơi”, thì cũng khó mà đoán được ông ta sẽ hành xử theo quy luật nào. Mancini sẽ bị sa thải nếu đây là một cuộc làm ăn đặt tính thực dụng lên cao nhất, nhưng cuộc chơi thì… chưa biết đâu mà lần. Vứt đi 1,6 cent, chứ 16 đô-la có khi cũng chẳng tiếc.

Man City, cuối cùng các vị đang làm kinh tế hay đang chơi?


Đức Hoàng (Bongdaplus)

Bình luận
vtcnews.vn