Chiều 29/8, video ghi lại nhân viên bảo vệ của khách sạn Grand Plaza đuổi người đi đường vào trú mưa, đặc biệt có phụ nữ và trẻ nhỏ, khiến cư dân mạng bức xúc cho rằng đây là hành động vô cảm.
Khách sạn Grand Plaza được coi là khách sạn dát vàng đầu tiên tại Hà Nội. Được nhắc đến là khách sạn dát vàng song Grand Plaza chỉ có 4 khu vực chính thi công bằng nguyên liệu xa xỉ này. Đó là sảnh tầng một và toàn bộ tầng 27, 28, 29.
Khách sạn 5 sao Grand Plaza nằm trong tổ hợp Trung tâm thương mại - Khách sạn cao cấp Grand Plaza, gồm 2 tòa tháp cao 30 tầng.
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH khách sạn Grand Plaza Hà Nội được thành lập năm 2007, do ông Lee Dae Bong (sinh năm 1941) làm người đại diện theo pháp luật. Ông Lee Dae Bong đồng thời là Tổng giám đốc của doanh nghiệp. Công ty TNHH khách sạn Grand Plaza Hà Nội là pháp nhân của Tập đoàn Charmvit tại Việt Nam.
Công ty TNHH khách sạn Grand Plaza Hà Nội có địa chỉ trụ sở chính tại 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội với ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày.
Bên cạnh đó, Grand Plaza Hà Nội đăng ký thêm kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; quảng cáo; dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự (trừ hoạt động thể thao).
Grand Plaza từng phải đóng cửa do làm ăn kinh doanh không hiệu quả. Gần đây, vào ngày 13/3/2019, tại đây đã xảy ra vụ việc tranh chấp giữa đơn vị quản lý tòa nhà và chủ đầu tư. Nguyên do bởi Charmvit đã cắt điện nước và bảo vệ tòa nhà bị “tố” đánh người khi các khách hàng lên tiếng phản đối.
Theo thống kê, hậu quả của việc cắt điện khiến hoạt động của toà nhà ngưng trệ, các công ty thuê và 2 sàn chứng khoán bị “sập” khiến thiệt hại ước tính lên đến vài tỷ đồng/ngày.
Ngoài Grand Plaza, Tập đoàn Charmvit còn đầu tư 2 dự án “đình đám” khác tại Việt Nam là sân gofl Phượng Hoàng và dự án trường đua ngựa 420 triệu USD tại Hà Nội.
Dự án sân golf Phượng Hoàng được triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2005 và chính thức hoạt động vào năm 2009, với mức đầu tư lên tới 38 triệu USD. Trước đó vào ngày 18/8/2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 2417/GP cho Công ty thể thao và giải trí sân golf Long Sơn (tên gọi trước của Công ty TNHH sân golf Phượng Hoàng).
Đến thời điểm năm 2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã vào cuộc thanh tra và ban hành kết luận thanh tra số 3118 KL-TTCP. Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án trên, cùng trách nhiệm lớn thuộc về tỉnh Hòa Bình.
Theo TTCP, dự án sân golf Phượng Hoàng không nằm trong quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt từ năm 2001 – 2020, cũng như chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2198/QĐ - TTg ngày 3/12/2010.
Theo kết luận của TTCP, vào tháng 2/2004, ông Bùi Văn Dư, thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã cùng Tập đoàn Charmvit ký Văn bản thỏa thuận đầu tư đầu tiên của dự án sân golf này. Đến khoảng tháng 5/2014, hai bên ký tiếp văn bản đầu với mức giá thuê đất “siêu rẻ” là 0,01USD/m2 đất/năm và được trả tiền thuê đất một lần, thời gian thuê đất 50 năm.
Thanh tra Chính phủ còn phát hiện việc xây dựng công trình sân golf, nhà điều hành, khách sạn 3 tầng và các công trình phụ trợ khác không có giấy phép xây dựng, không có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm Luật Xây dựng 2003.
Charmvit còn được nhắc đến khi tham gia vào dự án trường đua ngựa 420 triệu USD tại Hà Nội.
Chia sẻ về dự án này, chủ tịch Tập đoàn Charmvit cho rằng, các dự án khách sạn, sân golf tại Việt Nam của Charmvit đều đang không nợ về vốn, nên lợi nhuận sẽ được Tập đoàn tập trung để đầu tư vào dự án trường đua ngựa.
Thế nhưng, sau những bê bối tại dự án sân golf Phượng Hoàng và dự án Grand Plaza, nhiều người lo ngại dự án triệu đô trên liệu có đi vào “vết xe đổ” mà tập đoàn ngoại này đã dính phải?
Bình luận