Là "cha đẻ" của vaccine Nanocovax phòng COVID-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất thử nghiệm trên người, Tiến sĩ Hồ Nhân hiện được nhiều người quan tâm đặc biệt. Dù vậy, những thông tin liên quan tới vị tiến sĩ này trên các phương tiện truyền thông hiện vẫn rất khiêm tốn.
"Cha đẻ" vaccine Nanocovax made in Viet Nam
Thông tin trên tạp chí Nhà đầu tư, Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen (Nanogen) được thành lập tháng 9/1997, do ông Hồ Nhân (SN 1966) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc. Đến cuối năm 2019, Nanogen có tổng tài sản hơn 1.369 tỷ đồng, với vốn điều lệ đạt 715 tỷ đồng.
Nanogen cho biết mục tiêu dài hạn là trở thành một trong những nhà sản xuất dược phẩm ứng dụng công nghệ sinh học hàng đầu trên thế giới và là nhà nghiên cứu phát triển các liệu pháp sinh học mới.
Tự nhận là “linh hồn của công ty,” ông Hồ Nhân từng chia sẻ với Forbes rằng bản thân ông có 20 năm nghiên cứu công nghệ sinh học ở nước ngoài trước khi về nước, lập công ty sản xuất thuốc sinh học trị liệu.
Lớn lên ở New York, ông Hồ Nhân cho biết ông lấy bằng Tiến sĩ Công nghệ sinh học tại đại học Arizona và ấp ủ ước mơ lập công ty công nghệ sinh học của riêng mình. Ông đi làm thuê để dành dụm tiền, sau đó cùng người bạn học mở công ty chuyên làm về dịch vụ nghiên cứu và phân tích thuê cho các công ty dược, hóa chất.
Năm 2008, về Việt Nam định cư lâu dài, ông Hồ Nhân mở một phòng thí nghiệm nhỏ tại quận Tân Phú, trước khi dời cơ sở về khu Công nghệ cao TP.HCM. Đi từng bước từ nghiên cứu cơ bản, đầu tư nhỏ, tạo ra sản phẩm thử nghiệm lâm sàng rồi tiến hành đầu tư sản xuất lớn, lợi nhuận được ông tiếp tục đổ vào nghiên cứu.
Dấu ấn của vị doanh nhân sinh năm 1966 không chỉ trong lĩnh vực công nghệ sinh học mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, theo đó vào giai đoạn tháng 4/2013 - tháng 9/2017, ông Hồ Nhân là thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán VinaSecurities.
Bên cạnh đó, doanh nhân Hồ Nhân còn có khoản đầu tư đáng chú ý khác tại CTCP Dịch vụ Một Thế Giới (ONW). Cập nhật tới tháng 11/2016, ông Nhân nắm giữ 316.087 cổ phiếu, là cổ đông lớn của ONW với tỷ lệ sở hữu lên tới 15,8%.
Đối với việc sản xuất vaccine COVID-19, ông Hồ Nhân cho biết, từ tháng 1/2020, khi xuất hiện virus Corona ở Vũ Hán (Trung Quốc), Nanogen đã lưu ý theo sát và lên kế hoạch nghiên cứu. Tháng 3/2020, khi Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ tìm, phân công doanh nghiệp đủ tiềm lực để nghiên cứu bào chế ra vaccine ngừa COVID-19 thì công ty chính thức khởi động. Đến tháng 5 và tháng 6/2020, Nanogen thử nghiệm vaccine COVID-19 trên chuột và khỉ.
Ông Hồ Nhân thông tin, dự án đến nay đã tiêu tốn của công ty hơn 200 tỷ đồng, với 100 nhân sự làm việc trong các phòng thí nghiệm. Sắp tới, Nanogen sẽ tiếp tục dự án đầu tư mở rộng 3 nhà máy, mua nguyên phụ liệu, dây chuyền sản xuất.
Đầu tháng 6/2021, vaccine phòng COVID-19 Nanocovax đã thực hiện giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng trước khi cấp phép lưu hành trong tình huống khẩn cấp. Trong 1.000 người tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax giai đoạn 3 chỉ có 1 người bị sốc phản vệ.
Xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nanocovax
Ngày 22/6 vừa qua, ông Hồ Nhân trả lời truyền thông cho biết, công ty Nanogen đã có công văn gửi Thủ tướng để xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nanocovax. Trong 2 giai đoạn thử nghiệm trước đây, Bộ Y tế đánh giá tốt về chất lượng của vaccine Nanocovax.
Trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, công ty đã gặp nhiều khó khăn.
"Làm vaccine thì khó lắm, để làm nên nó khó khăn lắm. Vấn đề kỹ thuật thì không nói ra được. Tôi mong rằng Thủ tướng sẽ sớm có hồi âm", ông Hồ Nhân nói.
Trên website, Công ty Nanogen cho biết, vaccine COVID-19 kích thích cơ thể tạo đáp ứng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 mà không cần nhiễm bệnh. Với tất cả các loại vaccine, cơ thể sẽ được cung cấp tế bào lympho T và tế bào lympho B ghi nhớ cách chống lại virus để hoạt động khi bị nhiễm bệnh.
Hiện nay có 3 loại vaccine COVID-19 chính đang được nghiên cứu và phát triển: Vaccine mRNA, vaccine tiểu đơn vị protein và vaccine véc-tơ.
Nanogen đã nghiên cứu và sản xuất vaccine tái tổ hợp phòng bệnh do SARS-CoV-2 theo hướng vaccine tiểu đơn vị protein, trong đó subunit protein S tái tổ hợp gắn trên giá thể là các hạt nano silica. Thay vì sử dụng toàn bộ mầm bệnh, vaccine tiểu đơn vị là loại vaccine chỉ sử dụng những mảnh kháng nguyên vô hại (protein) của vi sinh vật thích hợp nhất để kích thích tạo đáp ứng miễn dịch phù hợp.
Để tạo ra vaccine sub-unit, domain xuyên màng của protein S bị loại bỏ, protein S được sản xuất bằng công nghệ DNA tái tổ hợp trên tế bào CHO (tế bào buồng trứng của chuột hamster Trung Quốc). S đóng vai trò như 1 tiểu thể vận chuyển protein (protein cargo) mang protein kháng nguyên S, M, E, N của SARS-COV-2 để kích thích đáp ứng miễn dịch. Adjuvant cũng được sử dụng để tắng cường đáp ứng miễn dịch.
Sau hơn 4 tháng nghiên cứu, Công ty Nanogen đã nghiên cứu thành công dự tuyển vaccine dựa trên S-protein (dạng wild type và 4 dạng đột biến).
Vaccine này hấp phụ vào hạt nhôm và có sử dụng adjuvant chuyên biệt để kích đáp ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào. Có thể nhược điểm của việc phát triển loại vaccine này là vấn đề thời gian vì phải tạo dòng và chọn lọc trên tế bào nhưng ưu điểm lớn nhất là độ an toàn cao, có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch tốt.
Sáng 26/6/2021, Công ty Nanogen đã đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc. Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh việc Bộ Y tế phải làm cùng Nanogen, không thể để Công ty làm một mình.
Vì vậy, Công ty Nanogen sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng pha 3 vaccine Nanocovax nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, hiệu quả của vaccine.
Đặc biệt khi tình hình được dự báo vào tháng 9, tình trạng khan hiếm vaccine sẽ diễn ra trên toàn cầu. Việc có thể chủ động sản xuất vaccine trong nước rất được đề cao và ủng hộ.
Bình luận