Đa Đa (tên thật là Hà Nghị Đức, sinh năm 2008) là con trai của Hà Lý Sinh - giám đốc một công ty dệt may tư nhân ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc. Đa Đa sinh non, bác sĩ nói với bố mẹ rất có thể cậu bé sẽ bị bại não.
Không chấp nhận thực tế, cha của Đa Đa tự xây dựng một giáo trình đào tạo riêng cho con trai mang tên "Giáo dục đại bàng". Trong cách giáo dục tự phát này, Hà Lý Sinh nhận mình là "người cha đại bàng" với triết lý: "Cuộc sống cần những chuyến phiêu lưu. Giống như một con đại bàng, tôi đẩy con mình tới giới hạn để nó học cách bay".
Nội dung bộ giáo trình ngoài kiến thức xã hội thông thường còn có các hoạt động thể chất mạnh như: leo núi, leo dây, đạp xe, võ thuật, thậm chí cả lái máy bay và lái thuyền buồm...
Năm Đa Đa 4 tuổi, gia đình du lịch tới New York, Mỹ đón Tết nguyên đán. Tại đây, anh Hà bắt con cởi trần, chỉ mặc quần cộc và chạy giữa trời tuyết rơi -13 độ C.
Trong video được chính người cha này đăng lên mạng, dù Đa Đa khóc lóc van xin nhưng anh Hà vẫn yêu cầu con tiếp tục chạy, không được nghỉ. Suốt chặng đường, ngoài lời cổ vũ, anh còn nói với con: "Khi đại bàng non đủ lớn, đại bàng mẹ sẽ ném con xuống vách đá để chúng phải tự đập cánh. Bố đang thử sức để con có thể tự bay trên đôi cánh của mình".
Nhận lại vô số chỉ trích nhưng người cha cho rằng, bố mẹ Trung Quốc đang quá nuông chiều con mình. "Trẻ em Trung Quốc đa phần không tiếp xúc đủ với môi trường tự nhiên nên chúng yếu đuối và khó cạnh tranh với trẻ em ở nước ngoài. Tôi sẽ không rèn con mình trở thành một đứa trẻ mọt sách", anh khẳng định.
Sau khi trở về từ New York, Đa Đa cùng bố đến Thanh Đảo tham gia một cuộc đua thuyền quốc tế. Một năm sau, khi được 5 tuổi, anh Hà để một mình con lên thuyền tự xoay sở giữa gió to, sóng lớn. Dù có huấn luyện viên ở gần để theo dõi nhưng mọi chuyện phát sinh trên thuyền khi chỉ có một mình, Đa Đa phải tự giải quyết. "Sau nửa năm rèn luyện, Đa Đa có thể một mình chèo thuyền ra biển lớn", Hà cho biết.
Tháng 9/2013, Đa Đa mất 15 tiếng để chinh phục ngọn núi Phú Sĩ tại Nhật Bản. Tết nguyên đán năm đó, thay vì ở nhà cùng người thân, cậu bé bị bố đẩy ra nhà ga tàu điện ngầm tại Nam Kinh bán báo để "học cách buôn bán".
Năm 5 tuổi, Đa Đa cũng được bố dạy học lái máy bay và sau đó nửa năm, cậu bé có thể một mình lái máy bay nhỏ bay qua công viên động vật hoang dã ở Bắc Kinh. Cũng trong năm này, Hà còn bắt con đi bộ qua 1.800 km sa mạc.
Người cha cho hay, có 5 hướng dẫn viên và nhiều thuốc men, dụng cụ hỗ trợ đi cùng cậu bé. "Chuyến đi này đã rèn luyện cho con trai tôi kỹ năng sinh tồn khi cháu tự tìm kiếm nước và thức ăn trên đường", Hà cho biết.
Từ những bài tập khắc nghiệt của bố mà ngay từ nhỏ, Đa Đa giành được nhiều kỷ lục thế giới như: Phi công trẻ nhất thế giới, Thủy thủ trẻ nhất thế giới... 5 tuổi, Đa Đa cũng từng đạt giải Quán quân cuộc thi Chương trình bàn tính và số học IQ trên toàn Trung Quốc. Thế nhưng dư luận nước này ít người đồng tình và nhiều người gọi Hà Lý Sinh với biệt danh "ông bố tàn nhẫn nhất Trung Quốc".
"Nhiều người phê phán chế độ giáo dục của tôi là hà khắc. Đúng là cách làm của tôi khác biệt, nhưng điều đó không có nghĩa là sai", Hà Lý Sinh nói trong một cuộc phỏng vấn.
Từ năm 2014, tin tức về Đa Đa ít được nhắc tới trên mặt báo. Cho đến tháng 4/2017, cậu bé này bất ngờ lại nổi như cồn bởi được bố đưa đến đăng ký học chương trình Quản lý bán hàng của Đại học Nam Kinh khi gần 9 tuổi. Trước đó Đa Đa hoàn thành chương trình tiểu học và trung học tại nhà. Chương trình này do chính Hà biên soạn và tự dạy con.
Tại buổi gặp gỡ báo chí năm 2017, người đàn ông 50 tuổi tiết lộ, những năm qua anh âm thầm thành lập một trường tư nhỏ để dạy theo chương trình "Giáo dục đại bàng" như đã rèn luyện con trai mình. Giáo viên của trường đa phần là về hưu, tất cả giáo trình đều do anh và các cộng sự tự biên soạn và giảng dạy.
Thời điểm mới thành lập, ngôi trường này chỉ có 8 học sinh, những năm gần đây con số này đã khoảng 80, học phí lên đến 10.000 tệ/tháng (32 triệu đồng). Nhiều năm qua, Đa Đa đều theo học chương trình này.
Theo chương trình học, Đa Đa phải ngủ dậy lúc 5h30 và đi ngủ lúc 20h30. Mỗi ngày đều có 14 tiết học, 7 tiết buổi sáng, 4 tiết buổi chiều và 2 tiết buổi tối. Ở trường học này, Đa Đa được học một số môn "lạ" so với trẻ em Trung Quốc cùng tuổi như môn "Điện thoại thông minh", dạy học sinh về phần mềm của điện thoại hay "Thiền để vẽ tranh" - học sinh được bịt mắt và cho nghe nhạc, sau đó chúng sẽ vẽ tranh bằng trí tưởng tượng của mình.
"Mục tiêu của tôi là để Đa Đa và các bạn hoàn thành chương trình tiểu học và trung học trong vòng 6 năm. Đến năm 13 tuổi có thể theo học các chương trình đại học như bây giờ", Hà khẳng định.
Tuy nhiên chưa cần chờ đến năm 13 tuổi, khi gần 9 tuổi, Đa Đa ghi danh theo học khoa Quản lý bán hàng của Đại học Nam Kinh. Thời điểm đăng ký, cậu bé này cho hay, nhiều lúc bản thân cảm thấy ghen tị với các bạn cùng tuổi bởi được tự do chơi đùa.
"Thế nhưng cháu vẫn nghĩ cách giáo dục của bố cháu có hiệu quả rất lớn. Được làm được học những việc mà ai cũng nghĩ tuổi nhỏ không làm được, đó là sự phấn khích lớn", cậu bé này nói.
Đa Đa cũng cho hay, mong muốn của cậu sau này là trở thành một doanh nhân và hy vọng làm được những việc "xưa nay chưa ai từng làm".
Bình luận