• Zalo

Omicron càn quét, đảo ngược xu hướng 'liên tục giảm' của COVID-19 tại Nhật Bản

Thời sự quốc tếThứ Tư, 26/01/2022 13:48:30 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhật Bản đang chứng kiến ​​số ca COVID-19 tăng đột biến khi biến thể Omicron lan rộng.

Tại các thành phố lớn như Tokyo, số ca bệnh bắt đầu tăng mạnh vào đầu tháng 1. Nếu làn sóng COVID-19 mới ở Nhật Bản có tốc độ tương tự các nơi khác trên thế giới, tình trạng lây nhiễm sẽ gia tăng liên tục đến đỉnh điểm vào khoảng đầu tháng 2.

Omicron càn quét, đảo ngược xu hướng 'liên tục giảm' của COVID-19 tại Nhật Bản - 1

Omicron càn quét, đảo ngược xu hướng "liên tục giảm" của COVID-19 tại Nhật Bản. (Ảnh minh họa)

Số ca bệnh trong dịch Omicron của Nhật Bản bắt đầu tăng muộn hơn nhiều so với các thành phố ở nước ngoài. Trước đó, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, làn sóng lây nhiễm tại Nhật Bản đang trong xu hướng giảm mạnh, có thời điểm chỉ ghi nhận 5 ca tử vong trong hơn 1 tháng. Xu hướng khác biệt với thế giới ngay cả trong sóng Omicron của Nhật Bản khiến các chuyên gia khó lý giải. 

Song, khi biến thể tiếp tục lây lan khó lường, "điều kỳ diệu" này có vẻ như đã chấm dứt. 

Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi vào tháng 11/2021. Số ca bệnh ở nước này dường như đã vượt qua đỉnh điểm 31 ngày sau và bắt đầu giảm hơn 10%.

Tương tự, số ca nhiễm virus do biến thể Omicron gây ra ở Manhattan, New York bắt đầu tăng từ ngày 15/12/2021, đạt đỉnh khoảng 30 ngày sau vào ngày 14/1. Ở Paris và London, các đợt lây nhiễm lần lượt mất 24 ngày và 23 ngày để đạt đỉnh.

Tại Tokyo, khoảng 20 ngày đã trôi qua kể từ khi số ca nhiễm Omicron tăng gấp đôi vào ngày 4/1.

Hiện tại, có 3 triệu người trên toàn thế giới dương tính với Omicron mỗi ngày - nhiều hơn gấp 4 lần so với thời kỳ cao điểm của biến thể Delta. Như vậy số ca lây nhiễm ở Nhật Bản, có thể tăng gấp đôi lên 100.000.

Koji Wada, giáo sư tại Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế ở Nhật Bản, cho biết: “Không rõ liệu Nhật Bản có đi theo con đường tương tự như châu Âu và Mỹ hay không". Hiện nước này triển khai việc tiêm mũi tăng cường và các biện pháp khác khá chậm.

Wada cũng nhấn mạnh rằng cần phải chuẩn bị cho những sóng gió trong tương lai, khi làn sóng tiếp theo có thể tái xuất vào tháng 3 hoặc tháng 4.

Nhật Bản là một trong những nơi áp dụng các biện pháp chống Omicron cứng rắn nhất thế giới. Quốc đảo Đông Á hạn chế công dân nước ngoài nhập cảnh và thực hiện các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt ở nhiều thành phố như Tokyo.

Tuy nhiên, biến chủng vẫn tiếp tục lây lan. Chính phủ Nhật đang cố gắng đảm bảo có đủ vaccine COVID-19 để tiêm nhắc lại nhưng gặp khó khăn vì tình trạng thiếu hụt chung.

Các quốc gia nơi tình trạng lây nhiễm đang giảm dần đang thúc đẩy khôi phục hoạt động kinh tế. Ngày 19/1, Anh công bố bỏ quy định đeo khẩu trang và có kế hoạch chấm dứt quy định tự cách ly với các trường hợp dương tính từ tháng 3.

Nhưng Wada cho rằng nên thận trọng. Ông nói: “Omicron có thể khiến một số người bị ốm nặng. Tôi lo các biện pháp vội vàng có thể có tác động tiêu cực".

Tổ chức Y tế Thế giới cũng cảnh báo về việc dỡ bỏ các biện pháp chống COVID quá sớm.

Phương Anh(Nguồn: Nikkei Asia)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp