• Zalo

Ôm máy tính, du học sinh Việt kiếm tiền qua mạng

Giáo dụcChủ Nhật, 25/03/2012 06:59:00 +07:00Google News

(VTC News)- Du học xứ người với muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính. Nhưng những cô gái này vẫn có cách xoay sở.

(VTC News)- Du học xứ người với muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính. Nhưng những cô gái này vẫn có cách xoay sở để nuôi dưỡng ước mơ của mình.

Cô sinh viên nhỏ bé và tiệm bán hài hước

Sau khi tốt nghiệp cử nhân sinh học tại trường ĐH Sư phạm HN, Đỗ Phương tiếp tục theo học chương trình sau ĐH chuyên ngành môi trường tại ĐH Griffith (Australia).

Ở xứ chuột túi đặc biệt là bang Queensland, cộng đồng người Việt khá đông đảo. Tuy nhiên, thay vì ở chung với các du học sinh khác (theo hình thức sharehouse), Phương lại lựa chọn sống chung nhà với người dân bản địa (homestay).
 Đỗ Phương tại một khu chợ hoa quả

Đỗ Phương chia sẻ, không giống như ở Anh, Mỹ hay Nhật Bản, homestay ở Australia rẻ hơn nhiều so với sharehouse hoặc thuê căn hộ riêng. Nhưng điều đặc biệt thú vị là ở chỗ, sống chung với nhà chủ, du học sinh có thể học hỏi được nhiều nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa.

Hiện tại, để có tiền trang trải chi phí học tập và sinh hoạt, Phương đi làm thêm tại tiệm bánh mỳ Benjamins hot bread ở Pineland Plaza, quận Brisbane, bang Queensland. Thời gian làm việc khoảng 8 tiếng/ngày và vào bất cứ khoảng thời gian rảnh rỗi nào trong tuần.
Công việc làm thêm tại một tiệm bánh mỳ giúp Phương có thêm thu nhập
Phương cùng những người bạn của mình

Công việc của Phương khá đơn giản: bán hàng kiêm thu ngân. Hằng ngày, cô dậy từ khoảng 5g sáng, đạp xe từ nhà tới tiệm để nhận hàng từ các cơ sở làm bánh. Sau đó là việc sắp xếp, tiếp thị, bán hàng. Đa phần khách tới Pineland Plaza là người Australia.

“Công việc của mình chỉ đòi hỏi khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, nhanh nhẹn và… hay cười”, Đỗ Phương hài hước nói.

Theo Phương, các công việc như bán hàng, tiếp thị, giao báo, quản lý trong thư viện… là những đầu việc mà du học sinh Việt Nam tại Australia thường chọn làm nhất. Thu nhập từ những công việc này không thực sự dư dả nhưng đủ để trang trải sinh hoạt phí. Quan trọng hơn, kỹ năng giao tiếp và khả năng tiếng Anh của Phương nhờ đó mà cũng được cải thiện đáng kể.

Không ít người hài hước gọi tiệm bánh của Phương là tiệm bánh vui vẻ vì cô chủ nhỏ của nó lúc nào cũng nhoẻn miệng cười. Và bởi cái duyên đó mà tiệm bánh của Phương luôn nhộn nhịp khách mua bán, và bánh thì chẳng bao giờ lo ế cho tới cuối ngày.

“Ôm” máy tính ra tiền

Những ngày đầu rời Việt Nam theo học hệ chuyển tiếp của trường ĐH Northumbria (Vương quốc Anh), Đỗ Thu Lê gặp không ít khó khăn. Sự khác biệt về ngôn ngữ là nỗi than phiền của không ít du học sinh. Tuy nhiên với Lê, vất vả nhất có lẽ là đường ăn ở. Cô cho biết, thực phẩm ở Anh nhiều chất béo, ít chất xơ và không ngon như ở quê.
 Thu Lê với công việc "ôm máy tính ra tiền"

“Vài khu chợ nơi đây cũng có các loại thực phẩm như gạo, mắm, muối, dưa cà… giống như ở Việt Nam. Tuy nhiên, mọi thứ đều rất đắt đỏ. Ví như một mớ rau muống mua về, có khi phải chia làm hai bữa”, Thu Lê ngậm ngùi chia sẻ.

Để tiết kiệm chi phí, Thu Lê lựa chọn thuê căn hộ ở ngoại ô, xa trường một chút nhưng rẻ hơn nhiều. Dù có xe bus nhưng hằng ngày, cô vẫn bách bộ hoặc đạp xe tới trường. Nhanh nhất cũng phải mất 15-20 phút có lẻ.
    
Học phí không phải lo vì có học bổng, nhưng để có tiền chi tiêu các khoản sinh hoạt, Thu Lê phải nhận làm sales/marketing online cho các cá nhân và các trang thương mại điện tử ở Việt Nam. Công việc của cô là nhận đơn đặt hàng qua mạng rồi đi mua và gửi về. Các mặt hàng chủ yếu là quần áo, đồ da (thắt lưng, túi cặp, ví…), mỹ phẩm và nước hoa.

Công việc khá linh hoạt, không thường xuyên phải di chuyển nhưng yêu cầu cao về mối quan hệ rộng. Thu Lê chia sẻ, thường thì sau khi nhận được tiền, cô mới chuyển hàng về. Đó cũng là cách làm an toàn của những “con buôn” qua mạng.
Những lúc rảnh rỗi, Thu Lê thường đi thăm quan những phong cảnh đẹp tại Anh

Chỉ việc “ôm” máy tính nhưng thu nhập của Lê hằng tháng cũng vào khoảng năm trăm bảng Anh, đủ cho sinh hoạt phí và còn dư một chút cho những chuyến du lịch ngắn ngày ở xứ sương mù. Cô gái 22 tuổi tiết lộ, cô còn kiêm thêm công việc bán hàng cho một tiệm bánh ở Newcastle upon Tyne.

Cả Đô Phương và Thu Lê cũng như nhiều sinh viên du học khác, đều đang trải qua những thử thách trên quãng đường tìm đến tri thức và thực hiện ước mơ. Có lẽ hơn ai hết, họ hiểu và tin tưởng rằng: những vất vả của hiện tại chỉ là bước đệm để họ nhận được nhiều hơn trong tương lai!

Anh N. Phong, cựu du học sinh ở Melboure (Úc) lưu ý: Có những bạn khi đi làm việc thường tránh những công việc nặng nề và chỉ mong hết giờ để nhận tiền. Họ tỏ ra làm việc không ngừng tay nhưng thực ra hiệu quả công việc không cao. Ví dụ bê cái gì đó chỉ mất 1-2 chuyến thì họ tách ra làm nhiều chuyến chẳng hạn. Đây cũng thường là nguyên nhân dẫn đến những xích mích giữa chủ lao động với du học sinh đi làm thêm.

Các bạn du học sinh khi sang Úc nên chú ý tìm hiểu hội du học sinh ở tiểu bang mà mình đến. Những thành viên của hội có thể giúp bạn tìm kiếm việc làm, nhà ở… Đó là những du học sinh đã có nhiều kinh nghiệm và họ có thể chỉ cho bạn những công việc có thể kiếm được thu nhập ngay. Việc dễ nhất có thể kiếm được thu nhập ngay khi chưa có kinh nghiệm gì, vốn tiếng Anh chưa khá là làm ở các quán ăn của người Việt Nam hoặc đi hái trái cây theo mùa vụ, đi cắt cành nho… Đây là những việc làm không đòi hỏi người lao động phải đóng thuế và chủ lao động trả công bằng tiền mặt.

Đối với những bạn đã có vốn tiếng tốt và các kĩ năng cần thiết để làm việc thì có thể tìm các công việc khác trên báo, Internet. Các trung tâm giới thiệu việc làm cũng có thể trở thành một kênh thông tin hữu ích đối với các du học sinh.


Lâm Tùng - Đỗ An



Bình luận
vtcnews.vn