• Zalo

Ôm cục nợ 3 tỷ chứng khoán, người đàn ông 31 tuổi nhập viện tâm thần

Tin tứcThứ Tư, 20/09/2023 08:44:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều người trẻ chịu áp lực tiền bạc, làm giàu dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, phát bệnh tâm thần.

Đỗ Anh Đức (31 tuổi, Hà Nội) vẫn chưa lập gia đình vì cho rằng sự nghiệp chưa thành công, cần có trong tay tài sản lớn mới lấy vợ. Luôn tâm niệm đàn ông cần có sự nghiệp riêng và giàu có để lo được cho vợ con, gia đình thật tốt, nên trong thời gian dài Đức không yêu đương, không rượu bia với bạn bè mà chỉ tập trung vào công việc.

Anh hiện là kế toán trưởng một công ty tư nhân với mức lương 25 triệu đồng. Anh làm việc từ thứ 2 đến thứ 7 ở cơ quan, thậm chí ngày chủ nhật ở nhà cũng được anh trưng dụng để xử lý tài liệu mà không cho mình thời gian nghỉ ngơi.

Chàng trai 31 tuổi luôn muốn phấn đấu để được thăng chức, có 1 vị trí cao trong công ty và mức thu nhập cao hơn. Để kiếm thêm thu nhập anh bắt đầu tìm hiểu về thị trường chứng khoán khi có một vài người bạn giới thiệu sẽ mang lại số tiền lớn nếu đầu tư.

Ban đầu Đức thử sức đầu tư với 50 triệu tiền cổ phiếu, sau 1 tuần anh nhanh chóng thu hồi vốn và bắt đầu có lãi. Thấy có lời nhanh, anh quyết dốc hết số tiền tích góp để chơi chứng khoán. Sau vài tháng đầu tư, biến động thị trường, cổ phiếu anh mua trượt dốc, Đức tiếp tục vay thêm bạn bè để đầu tư mong gỡ gạc chút ít, nhưng lãi không thấy lại ôm thêm đống nợ 3 tỷ đồng.

Trắng tay, ôm nợ lớn, công việc không còn được trọng dụng như trước, Đức mất ngủ, không ăn uống gì, cả ngày làm bạn với rượu, chẳng giao tiếp với ai, thi thoảng nói chuyện một mình.

Đầu tháng 8, Đức được người thân đưa vào Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương khám, chẩn đoán anh mắc chứng trầm cảm.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu- Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, một tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 - 200 bệnh nhân. (Ảnh minh hoạ)

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu- Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, một tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 - 200 bệnh nhân. (Ảnh minh hoạ)

Cùng được chẩn đoán mắc trầm cảm như Đức là Mai Anh (28 tuổi, Hà Nội) - nhân viên công ty truyền thông với mức lương 15 triệu/tháng. Mai Anh thường xuyên phải đi công tác, hỗ trợ sự kiện đến tận khuya mới về, vì thế cô xảy ra xung đột với chồng về vấn đề giới giấc làm việc và chăm sóc con cái.

Sinh sống trong một căn chung cư trả góp ở quận Hai Bà Trưng, mỗi tháng vợ chồng chị chi tiêu khoảng 40 triệu cho các khoản ăn uống, đi lại, tiền nhà và tiền học của con. Mức lương 15 triệu, cô gái 28 tuổi được giao phụ trách tiền ăn và tiền học cho con. Tiền nhà và các khoản đình đám do chồng chịu trách nhiệm. Hàng tháng vợ chồng cô vẫn phải vay thêm ngoài vì phát sinh khoản này khoản kia.

Mới đây chồng yêu cầu chị chuyển việc về cùng công ty mình với mức lương 20 triệu để có thể lo cho kinh tế gia đình, thêm vào đó không phải làm việc về khuya. Mai Anh từ chối vì không thuộc lĩnh vực chị yêu thích và không có kiến thức chuyên môn.

Chị sợ việc phải học lại từ đầu và bị nói dựa hơi chồng để ngồi vào vị trí công việc. Vợ chồng vì thế mà tiếp tục xảy ra xung đột. Để không phải chuyển việc mà có thêm thu nhập, Mai Anh quyết định bán thêm hàng online.

Tuy nhiên mọi việc không đơn giản như cô nghĩ. Công việc bận rộn ở công ty cùng với việc chăm con nhỏ, nhiều lúc cô đóng nhầm hàng cho khách, bị khách gọi mắng, trả lại hàng. Việc bán hàng online của chị vỡ nợ, tiền không kiếm được thêm mà còn chịu thêm khoản nợ lấy hàng bị người ta chỉ trích.

Chưa dừng lại, cùng lúc làm quá nhiều việc, các bản kế hoạch của chị cho sự kiện ở công ty cũng trở nên sơ sài, không đạt yêu cầu của sếp liên tục bị trả đi trả về càng khiến Mai Anh thêm mệt mỏi.

Nhiều áp lực dồn nén khiến cô gái 28 tuổi luôn cáu gắt với chồng con, thậm chí trách tự làm đau bản thân. Mai Anh mất ngủ trong thời gian dài và có ý định tự sát để giải thoát. Thấy vợ có tâm lý bất thương nên chồng cô đưa đi khám tâm thần, được chẩn đoán trầm cảm.

"Cả Đức và Mai Anh đều bị trầm cảm do chịu áp lực về kinh tế trong thời gian dài, cộng với những biến cố sự nghiệp. Gia đình là lý do thúc đẩy bệnh tình của họ tiến triển nhanh hơn", bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương nói.

Bác sĩ cho biết, một tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 - 200 bệnh nhân, trong đó 50% là người trẻ tuổi, khoảng 20% gặp áp lực về kinh tế. Nhiều bệnh nhân là công chức, doanh nhân trẻ - những ngành nghề chịu áp lực cao như trường hợp của Đức và Mai Anh.

Trong các bệnh rối loạn tâm thần, trầm cảm là chứng bệnh cần quan tâm đặc biệt. Trầm cảm là một trong các dạng rối loạn cảm xúc không điển hình. Triệu chứng về cảm xúc không điển hình, mà bệnh cảnh chủ yếu có thể là những cơn đau mạn tính kéo dài như đau lưng, đau đầu, đau lưỡi, đau răng,…

Một số dấu hiệu nhận biết bao gồm dễ xúc động, hay nói triết lý, ăn ngủ thất thường, suy nghĩ bi quan, nội tâm giằng xé nhưng luôn tỏ ra hạnh phúc, vui vẻ, xu hướng che giấu bệnh. Vì những đồn đại về bệnh lý tâm thần, một số không thừa nhận bản thân hoặc người nhà mắc trầm cảm, cho rằng chỉ là thay đổi tâm lý do áp lực cuộc sống, công việc, bệnh sẽ tự khỏi.

Nhiều lý do khiến người mắc trầm cảm dễ bị bỏ sót điều trị, đi khám chữa nhiều chuyên khoa không kết quả. Người bệnh luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, hay buồn bực, cáu giận, không tìm thấy niềm vui hoặc hứng thú.

Bác sĩ nhận định trầm cảm tiến triển từ từ, các triệu chứng bộc lộ không rõ ràng, lâu dần khó hồi phục. Trầm cảm có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến chất lượng cuộc sống người bệnh, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến căng thẳng mạn tính, sút cân, mất việc làm, xung đột trong các mối quan hệ, tự sát.

Khi có biểu hiện mệt mỏi tinh thân hãy học cách giảm căng thẳng và lo lắng, chẳng hạn như thông qua thiền, tập thể dục, hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý nếu cần thiết. Sức khỏe cơ thể tốt sẽ giúp bạn chống lại căng thẳng và giảm nguy cơ trầm cảm. Duy trì chế độ ăn uống cân đối, vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc.

Nguyễn Ngoan
Bình luận
vtcnews.vn