• Zalo

"Olympic Việt Nam đang tiêu tiền như kiểu nhà giàu"

Thể thaoThứ Sáu, 03/08/2012 12:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu nhận định như thế khi được hỏi về những gì mà Thể thao Việt Nam đang thể hiện ở đấu trường Olympic.

(VTC News) – Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu nhận định như thế khi được hỏi về những gì mà Thể thao Việt Nam đang thể hiện ở đấu trường Olympic. Dưới đây là cuộc trao đổi của VTC News với nhà báo Nguyễn Lưu.

PV: Ông có nghĩ Đoàn TTVN đã làm tất cả những gì có thể ở Olympic 2012?

Nhà báo Nguyễn Lưu
Nhà báo Nguyễn Lưu:
Cần tách bạch chủ thể ở đây là Đoàn TTVN chứ không phải ngành TTVN. Chúng ta đã rất cố gắng, bảo rằng không cố gắng thì ác quá, có điều thực lực của ta chỉ có thế thôi. Nguyên nhân dẫn đến những thất bại ấy thì có nhiều nhưng cơ bản vẫn ở những điểm sau:

1. Chúng ta đang thiếu một vị “tướng” thể thao, một người đứng đầu có cái nhìn hoạch định, đủ sức thuyết phục, tập hợp lực lượng và đưa ra những quyết sách đúng cho thể thao nước nhà. Người ấy phải có đủ uy để giải quyết những va chạm, xung đột hiện tại ngay trong nội bộ ngành thể thao, tháo dỡ tư tưởng cục bộ thành tích từ trung ương đến địa phương và trong những môn thể thao trọng điểm.

2. Sau khi TTVN có những Hiếu Ngân (HCB Sidney 2000), Hoàng Anh Tuấn (HCB Bắc Kinh 2008), tức là "chúa đã biết mặt, vua biết tên" trên đấu trường châu lục, Olympic, thì đáng lẽ nên rút nhanh giai đoạn đầu tư dàn trải, chuyển sang đầu tư có trọng điểm. Thể thao thành tích cao phải khác, cần có sự phân công rõ ràng và luôn biết đâu là điểm mạnh của mình để đi theo đến cùng. Brazil nào có đầu tư cho bóng bàn, còn Trung Quốc đã đưa bóng bàn vào trường học từ nhiều năm trở lại đây, cũng như Mỹ coi bóng rổ như môn thể thao truyền thống của dân tộc mình.

Là nước nghèo nhưng chúng ta lại đang tiêu như kiểu nhà giàu, đầu tư dàn trải, thiếu trọng điểm.

3. Về cách thức tuyển chọn. Chúng ta không có những người giỏi làm công tác tuyển chọn từ địa phương. Các nước phát triển đều dành những người xuất sắc cho công tác tuyển chọn để đào tạo trẻ, còn Việt Nam, những người giỏi đa phần được đưa hết lên... Trung ương.

Mặt khác, hệ thống khoa học hỗ trợ tuyển chọn thể thao của chúng ta không có. Như Trung Quốc ngay sau khi tìm kiếm được những VĐV năng khiếu họ tiến hành đo xương để xem với kết cấu xương này thì phù hợp với vận động loại khéo léo hay nhanh nhẹn, hệ cơ, xương sẽ phát triển theo hướng nào…

Họ cũng để ý đến yếu tố di truyền xem dòng họ đó có ai chơi thể thao không, có mắc các loại bệnh di truyền nào không … và tất cả những yếu tố đó sẽ giảm thiểu những đào thải về sau, tránh lãng phí về đầu tư. Việt Nam không làm được điều này.

4. Chúng ta không có “tình báo” thể thao dẫn đến thiếu thông tin về những đối thủ. Đó cũng là một điều rất quan trọng để có những chiến thuật hợp lý khi thi đấu. Các cụ bảo, biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.

PV: Trường hợp nào của TTVN ở Olympic khiến ông cảm thấy tiếc nuối nhất?

Nhà báo Nguyễn Lưu: Đó là trường hợp của đô cử Trần Lê Quốc Toàn. Thứ nhất, bản thân Quốc Toàn và ban huấn luyện biết rõ khả năng của mình tới đâu nên việc đặt mức tạ tổng cộng 292 kg không phải sai lầm. Song khi đặt mức tạ khởi điểm 125kg ở phần thi cử giật thì đó lại là chuyện khác. Nó khá cao đối với một VĐV không có thế mạnh về cử giật như Toàn. Nếu điều chỉnh chiến thuật hợp lý, hạ thấp mức tạ đó xuống để cơ thể Quốc Toàn có thời gian làm nóng, các nhóm cơ được bung ra hết sức thì thậm chí cậu ấy có thể nâng được tới 127kg.

 Đô cử Trần Lê Quốc Toàn là nỗi tiếc nuối nhất với nhà báo Nguyễn Lưu

Tới phần thi cử đẩy, thêm một lần nữa, yếu tố bản lĩnh và đẳng cấp lại khiến Quốc Toàn rơi vào trạng thái bị tâm lý. Lúc này, Toàn chỉ còn mục tiêu là tranh HCĐ cùng Hristov Valentin (Azebaijan). Ở lần cử thứ 2, nếu Toàn đặt mức tạ lên 160, 161kg thì Hristov, sau thất bại ở mức 158kg sẽ buộc phải sai lầm ở lần cử thứ 3. Nên nhớ sau khi may mắn cử được 159kg, Hristov đã đẩy Quốc Toàn vào một vị thế khác, dưới một thứ áp lực khác, nặng nề và cực kì khó hóa giải. Còn nữa, đó là việc Toàn đã để tạ lệch trọng tâm trong tích tắc ở lần cử đấy sau cùng, một điều thường thấy, nên đã thua đáng tiếc.

Dẫu sao, Quốc Toàn bây giờ mới 23 tuổi và nếu cố gắng, 4 năm nữa, anh vẫn sẽ là niềm hy vọng của TTVN.

PV: Thế còn trường hợp của Tiến Minh?

Nhà báo Nguyễn Lưu: Tôi không tiếc cho Tiến Minh vì từ lâu điểm yếu tâm lý thi đấu của Tiến Minh đã được bộ lộ rõ. Người ta bảo Tiến Minh là tay vợt lớn của những trận đấu nhỏ và là tay vợt nhỏ của những trận đấu lớn là vậy.

Thứ tự trên bảng xếp hạng không đánh giá đúng thực lực lắm đâu. Tiến Minh tham gia nhiều giải đấu thuộc hệ thống BWF nên anh được tích điểm và nó giống như công chức, càng thâm niên càng được nâng bậc lương còn thực lực anh ta đến đâu thì chúng ta đã biết. Điều tôi chưa hài lòng là vẫn có người nào đó, hễ quân nhà thua trận liền viện ra yếu tố tâm lí, y như cái vỏ ốc và “chui” vào đó để quên đi chuyện khác.

PV: Chúng ta vẫn còn những môn chưa thi đấu, đặc biệt là teakwondo. Theo ông chúng ta còn cơ hội giành HC không?

Nhà báo Nguyễn Lưu: Chúng ta vẫn còn 1/1000 cơ hội giành HC. Và chúng ta phải chờ lá thăm may mắn, đưa chúng ta vào nhánh nhẹ để tiến sâu. Hơn nữa, những môn võ đối kháng nhiều khi có những yếu tô bất ngờ và chúng ta cứ phải chờ thôi.


Song Thành (Thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn