• Zalo

Olympic Việt Nam: Chuyển hướng tập huấn, đầu tư trọng điểm cho bắn súng, cử tạ

Thể thaoChủ Nhật, 21/08/2016 12:08:00 +07:00Google News

Vừa trở về từ Olympic Rio, ông Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với Tổng cục TDTT để nói về câu chuyện đầu tư cho thể thao VN (TTVN) sau Olympic 2016.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu phải đánh giá những việc chưa làm được của Olympic Rio 2016 để tập trung đầu tư trọng điểm cho Olympic Tokyo 2020.

Dù thi đấu không thành công ở Olympic Rio, kình ngư Ánh Viên vẫn được tập trung đầu tiên trong thời gian tới. Ảnh: REUTERS

Dù thi đấu không thành công ở Olympic Rio, kình ngư Ánh Viên vẫn được tập trung đầu tiên trong thời gian tới. Ảnh: REUTERS

Chuyển hướng tập huấn sang Hàn Quốc, 
Nhật Bản, Mỹ...

Trước đây, gần như toàn bộ đội tuyển quốc gia của các môn thể thao hay Hà Nội, TP.HCM... đều cử VĐV đi tập huấn tại Trung Quốc hoặc thuê chuyên gia Trung Quốc huấn luyện. Dù vậy, thành tích của thể thao Việt Nam trong giai đoạn này không có những đột phá mang tính lịch sử.

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, cho rằng với những VĐV có trình độ cao và có khả năng tranh chấp huy chương châu Á, Olympic thì không nên đưa sang Trung Quốc tập huấn.

Ông Minh phân tích: “Trước đây khi lực sĩ Hoàng Anh Tuấn chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008, chúng tôi đã đề nghị nên đưa anh ấy sang Bulgaria tập huấn vì không thể để VĐV của VN tập ở nơi mà đối thủ của chúng ta cũng ở đó. Điều này khiến tất cả bài tập, chiến thuật, tình hình VĐV của ta họ biết hết và điều đó là tối kỵ trong thể thao”.

Ba năm qua, TTVN đã có sự chuyển hướng khi bắt đầu đưa các VĐV sang châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tập huấn.

Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục TDTT, trong số 23 môn thể thao đi tập huấn nước ngoài 6 tháng cuối năm 2015, chỉ còn ba môn tập huấn ở Trung Quốc là wushu, bóng bàn, bóng chuyền nam.

Những môn quan trọng tập trung cho Olympic Rio 2016 đều sang các quốc gia khác gồm: bơi, điền kinh, cử tạ (Mỹ), judo, thể dục (Nhật Bản), đấu kiếm, bắn súng, taekwondo (Hàn Quốc)...

Bà Nguyễn Kim Lan - phó vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Tổng cục TDTT - cho biết trước đây VĐV thể dục dụng cụ thường tập huấn tại Trung Quốc, nhưng gần đây đã chuyển sang Nhật do ở Nhật có điều kiện cơ sở vật chất, dinh dưỡng, hồi phục cho VĐV tuyệt vời.

hoang-xuan-vinh-olympic-09

 Thầy trò Hoàng Xuân Vinh-Nguyễn Thị Nhung 

Ngoài ra, những VĐV như Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng sang Nhật sẽ được tập huấn cùng các VĐV quốc gia của Nhật Bản nên có điều kiện cọ xát tốt.

Mới đây, sau khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic Rio, HLV Nguyễn Thị Nhung cho biết bước ngoặt trong thành công của Xuân Vinh chính là việc đưa sang Hàn Quốc tập huấn và mời được chuyên gia Hàn Quốc Park Chung Gun huấn luyện.

Tăng cường đầu tư 
cho thể thao

Ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết trong cuộc làm việc với ngành thể thao ngày 11-8, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định bộ sẽ quan tâm, đầu tư thêm cho thể thao. Đồng thời bộ cũng sẽ báo cáo, xin Chính phủ tăng đầu tư cho lĩnh vực này.

Trong cuộc làm việc, ông Thiện đề nghị ngành thể thao tiếp tục đầu tư cho những môn, nội dung trọng điểm cho Olympic Tokyo 2020 và đó phải là những môn phù hợp với tố chất người VN nhỏ bé, khéo léo, bền bỉ.

Qua cuộc làm việc, ông Vương Bích Thắng cho biết ở đấu trường Olympic, những môn bắn súng, thể dục dụng cụ, cử tạ, taekwondo... vẫn tiếp tục được đầu tư trọng điểm. Riêng hai môn điền kinh, bơi lội dù thành tích chưa tiếp cận với huy chương Olympic nhưng vẫn được đầu tư trọng điểm với mục tiêu giành huy chương Asiad và giành nhiều vé đến Olympic.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Bình luận
vtcnews.vn