• Zalo

Olympic London 2012: Chuyện người cắt cỏ sân Vinh

Thể thaoThứ Sáu, 27/07/2012 09:29:00 +07:00Google News

Cựu thanh niên xung phong, băng qua chiến tranh lửa đạn, băng qua những mét chạy ở Olympic, bà Soa khi từ Matxcơva trở về được đón chào như một người hùng.

Hôm nay, Olympic London 2012 khai mạc. Không ít người trong những ngày Thế vận hội này, nhớ lại một kỳ Olympic đặc biệt của Thể thao Việt Nam: Olympic Matxcơva năm 1980. Ở đó, có những con người đặc biệt, chỉ một phần nhờ thành tích, phần lớn là cái cách mà họ tham dự.

Trong số đó có một con người đặc biệt: Nữ hoàng điền kinh chân đất Trần Thị Soa. Thực tế khi dự Olympic Matxcơva, bà Soa phải học cách đi giày để chạy chứ không được dùng chân đất như trên đường chạy quê nhà.
Cựu thanh niên xung phong, băng qua chiến tranh lửa đạn, băng qua những mét chạy ở Olympic, bà Soa khi từ Matxcơva trở về được đón chào như một người hùng.
Nhưng 32 năm, kể từ Olympic Matxcơva cho đến Olympic London này, cuộc đời bà Trần Thị Soa là một chuỗi thăng trầm, ít thăng- nhiều trầm. Có thể là số phận, có thể là ở những thời điểm lịch sử mà những con người dù có thành tích thể thao cũng không mong được xã hội đền đáp nhiều.

 Những năm tháng hào hùng của bà Soa

Huyền thoại điền kinh ngày nào nhiều năm chỉ là người quét dọn làm tạp vụ ở sở TDTT Nghệ An.
Cho đến bây giờ bà Soa vẫn là người có công việc là cắt cỏ sân Vinh. “Quét rác hay làm bất cứ công việc gì với tôi không quan trọng, miễn đó là công việc lương thiện. Tôi thấy mình may mắn vì có một công việc ổn định để làm, có một gia đình để chăm sóc và có nhiều người nhớ đến như một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp”. Đó là cách bà Soa nhìn cuộc đời, nhẹ nhàng, thanh thản, ít bon chen.
Không phải ai sau khi được tung hô, gặp những chuỗi cuộc sống khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất mà có thể nhìn cuộc đời với góc nhìn nhẹ nhàng đến như vậy.
Sẽ có người, nhìn cuộc đời cay nghiệt, tự làm khổ mình bằng những đố kỵ.
Song, thể thao Việt Nam, có lẽ không nhiều nhân tài để có thể sống và hưởng thụ bằng chính khả năng và thành tích của mình.
Tới London, thể thao Việt Nam được treo thưởng những khoản thưởng kỷ lục: 1 tỷ đồng, nếu có HCV. Đó dù là con số rất đáng mơ ước, nhưng nếu so sánh với HCV Olympic, nó vẫn là điều gì đó mang tính động viên.
Điều mà những VĐV cần, không hẳn là những khoản thưởng treo cực cao mà chính là sự ổn định mang tính lâu dài phía sau sự nghiệp.
Khi chưa có được những điều đó, những VĐV đều tính tự “vun vén” sớm hơn thay vì chờ chế độ.
Nhiều cầu thủ trẻ ở SLNA khi thỉnh thoảng nhìn thấy một phụ nữ luống tuổi lụi cụi cắt cỏ ở sân Vinh không biết rằng: đó đã từng là huyền thoại trong thể thao.
Huyền thoại ấy cắt gọn những ngọn cỏ để các đôi chân tiền tỷ thi đấu mỗi cuối tuần.
Người cắt cỏ sân Vinh, trong những ngày Olympic đang diễn ra này lại là câu chuyện mà các cầu thủ trẻ -đang muốn cò kè về những hợp đồng bạc tỷ với chính quê hương khi mà họ chưa đóng góp được gì nhiều- nên nghe và đáng nghe.

Song An (Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn