Tất cả các dòng bán tải (pick-up) tại Việt Nam đều là xe nhập khẩu nguyên chiếc, vì vậy, doanh số xe bán tải đã giảm rất mạnh trong năm tài chính 2018 do chịu ảnh hưởng từ Nghị định 116. Cụ thể, tổng doanh số xe bán tải (không tính Nissan Navara) trong năm 2018 là 18.491 chiếc (6 mẫu bán tải) giảm 24% so với năm 2017.
Bảng thống kê doanh số xe bán tải tại thị trường Việt Nam
STT | Tên mẫu ô tô | Doanh số năm 2018 | Doanh số 2017 | Tỷ lệ tăng/giảm |
1 | Ford Ranger | 8.675 chiếc | 14.926 chiếc | - 41,9% |
2 | Chevrolet Colorado | 3.916 chiếc | 3.082 chiếc | 27% |
3 | Mazda BT-50 | 1.990 chiếc | 2.349 chiếc | - 15,2% |
4 | Mitsubishi Triton | 2.017 chiếc | 2.200 chiếc | - 8,3% |
5 | Toyota Hilux | 1.483 chiếc | 1.161 chiếc | 27,7% |
6 | Isuzu D-Max | 410 chiếc | 613 chiếc | - 33,1% |
Tổng | 18.491 chiếc | 24.331 chiếc | - 24% |
Trong số đó, Ford Ranger giảm mạnh nhất tới 41,9%, Isuzu D-Max giảm 33,1%, Mazda BT-50 giảm 15,2% và Mitsubishi Triton giảm 8,3%.
Hai mẫu bán tải còn lại là Chevrolet Colorado và Toyota Hilux tăng tương ứng 27% và 27,7%. Tuy nhiên, 2 mẫu bán tải này chiếm tỷ trọng không cao nên không giúp cho thị phần xe bán tải tăng nhiệt.
Đối với Ford Ranger, dòng xe chủ lực của thương hiệu ô tô Mỹ có 1 năm kinh doanh không thành công. Tuy nhiên, thị trường vẫn đón nhận mẫu "vua bán tải" trong giai đoạn 3 tháng cuối năm 2018 với mức tăng rất cao. Các dòng bán tải khác cũng xuất hiện tình trạng tương tự.
Theo đó, trong tháng 12/2018, doanh số Ford Ranger đạt kỷ lục 1.928 chiếc, bằng 1/4 tổng doanh số Ford Ranger trong năm 2018. Như vậy, người tiêu dùng trong nước vẫn đang rất chuộng dòng bán tải của Ford.
Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc của Ford Việt Nam tin tưởng dòng Ford Ranger và phân khúc xe bán tải sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2019.
Ông Dũng cho biết: "Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, thị trường ô tô Việt Nam đang có sự chuyển dịch giữa các dòng xe con (sedan, hatchback) sang các dòng xe cỡ lớn khác như SUV hay pick-up. Chình vì lẽ đó, phân khúc xe bán tải vẫn có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai và Ranger sẽ là mũi nhọn phát triển của Ford".
Ông Dũng cũng giải thích, phân khúc xe bán tải hướng đến người dùng làm doanh nghiệp và phục vụ trong công việc (chuyên chở hàng hoá, dòng xe tải chuyên dụng bị hạn chế đi trong thành phố) là chủ yếu. Nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục phát triển và hội nhập với thế giới, các doanh nghiệp ngày càng phát đạt và đây chính là cơ hội để dòng bán tải phát triển trong tương lai dài hạn.
Doanh số của Ford Ranger liên tục tăng tại thị trường Việt Nam và mẫu xe này luôn trong tình trạng cháy hàng. Trong khi đó, mẫu xe này đang có dấu hiệu chững lại tại Thái Lan (quốc gia đang lắp ráp và xuất khẩu) và nhiều quốc gia châu Á khác. Vì vậy, rất nhiều người tiêu dùng đặt ra câu hỏi, tại sao Ford không đưa Ranger về nước lắp ráp, giải quyết bài toán cung - cầu hiện nay.
Ông Phạm Văn Dũng cho rằng, việc đưa mẫu Ranger này về Việt Nam lắp ráp là cả một chiến lược dài hạn của hãng, liên quan tới rất nhiều vấn đề như công nghệ, thị trường, đơn đặt hàng,... Đối với mẫu Ranger được lắp ráp tại Thái Lan không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà nó còn xuất khẩu ra nhiều quốc gia khác. Vì vậy, chưa thể đưa mẫu ô tô này về Việt Nam lắp ráp.
Trong khi đó, nhà máy Ford tại Việt Nam lại xuất khẩu ra thế giới dòng SUV cỡ nhỏ EcoSport đang rất được ưa chuộng.
Ông Dũng tiết lộ, thị trường ô tô đang cạnh tranh rất khốc liệt, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Chính vì lẽ đó, rất nhiều nhà máy Ford trên thế giới đã phải đóng cửa. Tuy nhiên, bên cạnh nhà máy Ford Thái Lan, nhà máy Ford Việt Nam đang hoạt động rất ổn định.
Ngay đầu năm 2019, thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục chào đón 1 mẫu bán tải mới là bản nâng cấp Triton 2019. Có thể nói, dòng bán tải vẫn đang được ưa chuộng tại Việt Nam và nhận được quan tâm của các hãng xe trong phân khúc này.
Video: Những mẫu ô tô nhập khẩu nào đang được bán ra tại Việt Nam?
Bình luận