Khi chiếc xe dã chiến 29A 03039 bị va vào đá ngầm, nằm qua đêm ngoài bìa rừng Mù Cả - Mường Tè hoang vu, khi ấy tôi mới thấy não nùng thương cho thượng tá Nguyễn Văn Ty.
Vợ con ở Nam Định, anh đã 26 năm gắn bó với biên ải Điện Biên - Lai Châu này, giờ là cán bộ cơ sở, là “ông đồn trưởng” lớn tuổi nhất của biên phòng Lai Châu, vài tháng nữa nghỉ hưu thôi, mà vẫn phải bôn tẩu với miệt rừng Pa Ủ.
Anh Ty bị bệnh tiểu đường týp 2 rồi, kiêng đủ thứ trên đời, thi thoảng lại về Viện Y học cổ truyền quân đội dưới Hà Nội để “nằm vùng”.
Vậy mà nói đến xã Pa Ủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) với 100% bà con người La Hủ (còn gọi là dân tộc Lá Vàng), anh Ty ứa nước mắt: Mình làm được cái gì cho họ, dù nhỏ bé hay lớn lao cho nơi này, mình đều thấy mãn nguyện.
Họ sống lang bạt trong rừng già, chôn bốn cái cọc, đắp điếm ít lá lẩu lên mái lều, lá vừa kịp úa vàng lại đã ra đi; sống với con ma rừng, với bệnh tật và sự lạc hậu tột cùng, có khác nào ăn hang ở lỗ? Phải gọi dân về dựng làng lập bản. Phải đưa họ thoát khỏi cảnh ám khói phù dung trong hoang biệt tội tình ấy.
Ngẫm dọc đường vào Pa Ủ
Đường rừng quá xa, nhiều đoạn đi bộ leo như khỉ trên vách núi, khách bộ hành không khỏi rưng rưng cảm thán. Bộ ảnh tôi và anh hùng giáo dục Nguyễn Văn Bôn mang theo hôm nay, có cả chân dung ông Pờ Pé Tư - người Hà Nhì, nguyên Trưởng Công an huyện Mường Tè.
Lần này về biên tái, anh Pé Tư đã chết vì bệnh tật, khi còn quá trẻ. Nhớ mãi những ám ảnh suốt đời của Pé Tư. Anh bảo tôi và nhà báo Nguyễn Như Phong (nay là Tổng Biên tập Báo Năng Lượng Mới), chưa đi Mường Tè thì coi như chưa đến “cuối trời Tây Bắc có Lai Châu”, chưa đến Ka Lăng - Thu Lũm thì cũng thể như chưa từng hiểu thế nào là Mường Tè. Những nơi ấy hiểm trở, cam khó, nhưng cũng tuyệt đẹp.
“Cái đời làm báo, đừng vỗ ngực ta đây biết đi và biết say mê miệt rừng, nếu chưa từng biết thế nào là vùng Bắc Ka Lăng, vùng La Hủ với dân tộc Lá Vàng (tên dân gian, tên một thời đã dùng để chỉ dân tộc La Hủ)”.
Rồi anh Tư nói say sưa về những ngày anh được cấp trên biệt phái, cùng lực lượng quân đội, gồng gánh đi rừng cả tháng ròng, bắc thang dây leo lên vách đá, ăn rừng ngủ thác, thừa sống thiếu chết giữa rừng xanh núi đỏ để tìm “người nguyên thủy” thoắt ẩn thoắt hiện, cứ mái lá dựng lên vừa kịp vàng úa đã vội ra đi.
Phụ nữ để ngực trần, đàn ông khố áo rách rưới, đói rạc, dịch bệnh hoành hành, họ phải bắt con chuột, con nòng nọc mà ăn, họ sống dưới mức sống cần phải có của một con người!
Pé Tư bảo chúng tôi, rằng cứ kiếm cho Pé Tư một cái máy ảnh cũ, chuyến lội rừng tìm người Lá Vàng tới, Trưởng công an huyện sẽ chụp ảnh cẩn thận cho mà xem, kẻo nói rồi lại không tin. Xem xong nhớ lên làm phóng sự góp phần “cứu dân của chúng tôi” nhé!
Ma túy, nỗi ám ảnh đói nghèo và lạc hậu ở Mường Tè, Lai Châu. |
Thoắt cái mà đã dăm bảy năm trôi qua, sau những chuyến bắc thang dây vượt núi, thuê lao công khênh nồi niêu xoong chảo luồn rừng tìm đồng bào thiệt thòi đó, những bản báo cáo “tuyệt mật” và đầy tâm huyết đã được gửi lên cấp trên.
Rồi nghị quyết chuyên đề, rồi chiến dịch cực kỳ nhân ái giúp đỡ dân tộc La Hủ đã ra đời. Người cán bộ đi cả tháng trong rừng, tìm dân Lá Vàng, rồi thuyết phục họ không di cư tự do, không lang thang rừng núi nữa, hãy về lập làng, nuôi con gì, trồng cây gì, cán bộ hướng dẫn cụ thể cho hết.
Cán bộ đã giúp đỡ từ cái kim sợi chỉ, cho đến con đường hàng trăm tỉ đồng Chính phủ cũng đã đầu tư. Mỗi nhà có một mái nhà kiên cố nhé. Mỗi tấm tôn cuộn lại, được anh lính trẻ vác qua rừng qua núi vài ngày giời, vào đến bãi đất trống bỏ đó, cán bộ đi cưa gỗ dựng nhà, lợp mái tôn thay mái lá vàng hẳn hoi.
Bản Hà Xi ở xã Pa Ủ đã ra đời từ đó, vào năm 2008, sau các chuyến khảo sát của Pé Tư và nhiều người có tâm với các cộng đồng biên tái như anh. Tiếp đến vài bản của xã Pa Ủ, lại thêm bản Là Xi của xã Thu Lũm.
Người viết bài này trèo những chiếc thang dây, vượt những cây cầu ghép gỗ băng qua suối mùa lũ, thấy cây cầu treo biển, viết tên “Cầu Nguyễn Bá Thước” ở Pa Ủ (tên người lính biên phòng đã dựng cầu), bất giác thấy rưng rưng.
Thấy anh cán bộ quân hàm xanh, tay cầm điện thoại di động, đi xe máy, chat qua Facebook nhưng tấm lòng các anh thì cứ như người nghĩa hiệp thời cổ, như trái tim Đan Cô, như Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Anh muốn làm gì đó cho cộng đồng, cho đồng bào tận khổ ở Mường Tè.
Thế nhưng, công trình kể xiết mấy mươi ấy, nó có thể sẽ tan theo cơn gió núi ngoài kia, nếu không cõng được bà con mình chạy thoát khỏi ma túy. “Ả phù dung” ấy đã tung hoành trong cộng đồng người Lá Vàng từ nhiều đời trước.
Thượng tá đồn trưởng Nguyễn Văn Ty bảo, chỉ hai ba năm vừa rồi thôi, mà đồn tổ chức cai cho đến 215 người nghiện ma túy của riêng xã Pa Ủ. Một con số lạnh sống lưng, nhưng đó chỉ là “bề nổi của tảng băng”, cơn sóng ngầm ám khói thuốc phiện mà những ngày ở Pa Ủ tôi cảm nhận được, nó còn đáng day dứt hơn nhiều…
Những đứa trẻ phải lòng “Nàng tiên nâu” từ trong bụng mẹ!
Hơn 20 năm ở Hà Nội, tôi đã quen với cảm giác nhiều cán bộ phường, quận họ nghĩ ra đủ trò để hành dân theo kiểu “việc dễ mà không làm cho khó thì làm gì có thịt chó mà ăn” rồi.
Hộ khẩu, sổ đỏ, xin cho con đi học, cái gì cũng đoạn trường lao đao. Giờ lên đồn biên phòng Pa Ủ, thấy anh em lăn xả vào làm, nghĩ ra việc mà làm vì bà con mình, tôi vô cùng cảm kích.
Họ gọi dân về, cho dân nhà cửa, đường sá, mùng màn, chăn chiếu, bát đũa, muôi thìa, hạt giống, con giống, cho cả con cá lẫn cái cần câu. Thậm chí, khi chia cho mỗi hộ rời các đỉnh núi chon von về lập bản một diện tích đất ở và canh tác khá lớn, bà con cãi: Chúng tôi quen ở mỗi nhà một quả núi rồi, chỗ này bé quá! Họ bỏ vào rừng ở, cán bộ lại đi năn nỉ thuyết phục họ trở về.
Thấy bản Tân Biên dốc dác, nhà cửa chỉ là phên liếp lợp gianh úp sụp xuống lòng đồi núi như cái lều canh vịt, thế là cán bộ quân hàm xanh lại gọi máy xúc máy ủi, van vỉ dân ra lề đường dựng lều chờ giải phóng mặt bằng toàn bản, làm lại toàn bộ nhà cửa kiên cố, kèm theo nhà văn hóa tinh tươm rồi mời dân về định cư.
Vợ ông Thàng nghiện đã mấy chục năm, khiến 2 con gái “nghiện từ trong bụng mẹ”. |
Họ trồng thuốc phiện, họ đi mua thuốc phiện, có người về tận bản đổi củi, đổi lúa gạo, đổi cây phong lan rừng lấy thuốc phiện cho bà con hút. Có khi, mùng màn, gạo nước, tiền nong của nhà hảo tâm vừa cứu trợ ở đầu bản, người nghiện nhận xong, chưa sờ vào hiện vật, đã “bán trao tay” cho kẻ khác, lấy tiền… nhét vào ống tẩu. Bán hết, lại vác súng vác nỏ vào rừng săn con thú, khênh đi bán lấy thuốc phiện mà hút. Hết thú thì chặt củi.
Tẩu hút thuốc phiện của họ là một cái chén uống nước, khúc tre nhỏ có lỗ để tiêm thuốc vào, đỏ lửa và rít tóp má. Ống tẩu có khi là ống chai nước suối bằng nhựa. Cây tiêm thuốc là que sắt gỉ vót nhọn.
Quơ tay ra góc nào, người La Hủ nghiện cũng có thể làm được một cái tẩu để đánh bạn với “ả phù dung” trong chớp mắt. Trong mỗi chiến dịch cai nghiện, đồn thu về hàng đống bàn đèn thuốc phiện, anh nuôi của đồn cứ ngắm nghía mãi rồi chẻ ra làm củi đun bằng sạch.
Theo thượng tá Nguyễn Văn Ty - người đã 6 năm đồn trú, gắn bó mật thiết với từng di biến động nhỏ nhất của xã 100% người “Lá Vàng” miền phên giậu này - thì: Cách đây 3 năm, Pa Ủ có ít nhất 250 người nghiện ma túy.
Đã có thời gian, xã này chiếm tới một nửa số đối tượng nghiện của huyện Mường Tè, ít nhà nào không có bàn đèn, phụ nữ, đàn ông, trẻ em, người già, cả cán bộ xã cũng nghiện. Một tờ báo từng trích dẫn con số do cán bộ cung cấp: 70% số đàn ông trong xã nghiện hoặc ít nhiều dùng ma túy.
Tháng 3.2006, xã có 29 người chết, ai nấy hốt hoảng tưởng dịch bệnh, ai dè tìm hiểu ra mới biết nó là do ma túy! Đồn đã tổ chức cai cho 215 lượt người. Ngược lại với sự “đông đúc” này, thì chuyện học mới hiu hắt làm sao.
Cả xã không có ai học đại học, cao đẳng, trừ con trai ông đương kim Bí thư Đảng ủy xã đang học hệ cử tuyển ở một trường dưới xuôi.
Chuyện của người nghiện xứ này thì bi hài lắm. Xã có hơn 2.600 dân. Đương kim Chủ tịch UBND xã có vợ nghiện nặng đến mức không ai nghĩ đến chuyện đưa bà đi cai được nữa. Trưởng bản Pa Ủ hiện nay - ông Chứ Sè Thàng - 63 tuổi, vốn 10 năm làm Chủ tịch UBND xã, 25 năm làm giáo viên ở khắp các xã huyện Mường Tè, ông cũng hồn nhiên khoe ra một “gia đình nghiện thuốc phiện”.
Vợ ông ngồi co ro trong nắng vàng sớm mai, nhưng gương mặt bà lại ám khói nhọ nhem, mắt trũng sâu, hỏi gì cũng bảo không biết đâu, “mình chỉ nghiện thuốc phiện thôi mà”.
Hai con gái ông tuổi ngoài đôi mươi, ngồi trước mặt nhà báo, gồm Chứ Lơ và Nhù Bơ, cả hai cùng nghiện. Cùng lúc hai cô nàng nõn nà đầy đặn lên đồn biên phòng để cai. Các cô được ưu tiên cai trong phòng học của học sinh (bấy giờ nghỉ hè), bên ngoài có lính biên phòng canh gác, cơm bưng nước rót để các cô “lột xác” thực hiện “nhiệm vụ lớn”.
Riêng cô con gái út Nhù Bơ, 22 tuổi, ông cựu Chủ tịch xã và vợ đều bảo: Chắc chắn nó nghiện từ hồi còn trong bụng mẹ. Mẹ nó hút thuốc phiện nhiều quá, đến lúc mang thai nó, đẻ nó ra, nó cứ khóc không bao giờ nín - nếu không được bú thứ sữa của bà mẹ vừa rít thuốc phiện tóp má xong.
Hôm nào mẹ không đi rừng đặt bẫy hay kiếm củi lấy tiền mua nổi thuốc hút, là con bé không chịu bú. Vợ và hai con gái nằm dài trong nhà, mặt ám khói phù dung, ông cựu Chủ tịch xã chỉ còn biết nhăn mặt lại buồn bã. Hai má ông xếch ngược sang hai bên, phô ra hàm răng gãy hổng lởm chởm, giọng nói của ông cứ thế phều phào đi.
Sự thể còn bi hài hơn nữa. Thừa lệnh đồn trưởng Ty, Phạm Hồng Quang và Cá Hừ (người Hà Nhì ở Ka Lăng) là hai cán bộ ở đội ma túy của đồn dẫn chúng tôi về Pa Ủ… “tham quan”.
Ông Sè Thàng dẫn vợ và hai con gái nghiện ra đón, với lời thật thà “từ ngày đi cai về, Lơ nó cũng hút thuốc phiện… ít hơn đấy”. Bơ bảo, đi bắt chuột, đi đẵn củi đổi lấy thuốc hút, không có tiền ăn không có gì nuôi con, buồn lắm. Lúc cai vật vã đau đớn lắm.
Bơ còn con nhỏ 3 tuổi nữa, Bơ sẽ hút giảm dần dần để cứu nó chứ. Vợ ông Thàng thì thở dài, gần 60 tuổi rồi, bắt tôi cai thuốc phiện là tôi chết đấy.
Sà Sé - người nghiện ma túy. |
Tôi cho Sá Sè ít tiền lẻ mua thức ăn, bảo, “có lẽ anh không cần nói vậy, tôi cũng biết anh nghiện rồi”, Sá Sè cười méo mó. “Đi làm nương thì chuột nó phá hết. Đành đi bắt chuột về ăn thôi.
Lấy phong lan mãi cũng trọc cả núi rồi. Giờ không ai nhờ đi làm thuê. Hút sái thuốc phiện mãi, chả còn sái mà hút nữa đâu, chắc là chết mất thôi” - Sá Sè nói như mếu. Những gương mặt ám khói như đang rơi vào tận cùng bế tắc, họ khiến tôi nhớ đến con số mà báo chí từng viết: Có tháng, Pa Ủ có 29 người chết, hầu hết vì ma túy...
Thầy giáo vừa đi cai nghiện về đã buôn cả heroin lẫn thuốc phiện
Bà con nghèo quá, nhà tranh vách nứa úp chụp vào đất như cái lá mục rơi nghiêng nằm hờ ven triền núi. Gió nhẹ đã lung lay, chứ đừng nói gì đến bão lốc. Đức Duẩn - anh cán bộ làm ở đội tuyên truyền, Biên phòng tỉnh Lai Châu - đã đi các bản La Hủ rất nhiều, anh quay những cảnh bà con ăn thịt chuột trong đói rách tả tơi, trong hoang vu bịt bùng, tương lai mù mịt, rồi anh khóc trước khi gửi phát sóng.
Bập vào ma túy, lại thêm tội tàng trữ hay buôn bán lẻ, có anh chàng La Hủ bị bắt lên đồn Pa Ủ, sau thời gian tạm giam xử lý, những tưởng sẽ “bị” thả ra, “gã đàn ông Lá Vàng” van vỉ xin cho phép được tiếp tục ở lại với đồn, “chứ về nhà em đến cái bát cái đũa cũng không có, chứ đừng nói đến cái để… ăn”.
“Họ phải ăn cả con nòng nọc để chống đói, ăn chuột thì dĩ nhiên rồi” - một lãnh đạo đồn nói thêm.
Gã xin được “tạm giam” vẫn nài nỉ: “Cho em ở lại đi, cán bộ ơi. Em sẽ đi kiếm củi hằng ngày để lập công. Vì về nhà đói lắm”. Trong dịp cai nghiện ma túy cho 30 người La Hủ vừa rồi, cho chỗ ở, cho thức ăn, cho cả áo mặc, nhưng những kẻ bẹp tai vẫn nói lý: Nếu muốn tôi cai, đồn phải cho tôi hút thuốc lào, cho tôi uống rượu và ăn cơm thật ngon.
Tôi đến xem người ta cai rồi, họ phải ăn cơm không ngon bằng cơm của… lãnh đạo đồn. “Rõ khổ, họ ăn uống có suất rồi, cho họ ăn uống tươm tất lắm chứ. Nghe họ nói thương quá, mà cũng buồn cười quá, chúng tôi phải nhường thêm cá suối, cá mắm và một số thức ăn khác cho họ đấy” - anh Ty cười kể.
Nhiều đối tượng đã ma lanh đi buôn ma túy, chống lại người thi hành công vụ. Ch là cán bộ đồn biên phòng Pa Ủ, anh vẫn mang một vết sẹo suốt đời không quên trên trán, do bị đối tượng buôn ma túy ở bản Pa Ủ chống trả. Có vụ trong lúc “hỗn chiến”, một chiến sĩ bị bắn vào tay.
Có đối tượng như Vàng Mùa Cho - nguyên là lính nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang, về lại bản, buôn ma túy rất quỷ quyệt, giờ đang bị phát lệnh truy nã. Có gã như Nguyễn Quang Phóng, SN 1980, người Phú Thọ, lên Pa Ủ dạy học, rồi mắc nghiện. Cán bộ đưa lên đồn biên phòng cai, vừa cai xong, anh này lại đã bị bắt gọn khi đang mang cả heroin lẫn thuốc phiện đi vào bản.
Một miền rừng ám khói phù dung. Bà con bước ra từ rừng già sâu thẳm, từ cuộc sống “ăn lông ở lỗ”, bà mẹ sinh con ra không có tấm áo che thân, đứa con sống trong căn lều phủ lá không có cả cái đũa cái bát. Họ đã từng mông muội.
Khói phù dung ủ đời người Pa Ủ trong mông muội một thời. Bây giờ cán bộ dựng nhà, gọi dân về, mời giáo viên đến dạy cái chữ, mở đường xe máy trị giá nhiều tỉ đồng bon bon qua ngầm qua núi.
Cán bộ đi phá các nương thuốc phiện, bỏ tù người bán “cái chết trắng” và “cơm đen”, cán bộ đưa đủ nam phụ lão ấu đi cai ma túy. Đi dọc Tà Tổng, Mù Cả, sang tít mãi Pa Ủ, đến nơi nào lam lũ tận khổ, chúng tôi cũng thấy sáng lên cái tình của những người đi thắp sáng biên cương.
Họ không chỉ làm những việc nhà nước và nhân dân phân công, với danh mục, đề án và kinh phí cụ thể; mà hơn thế, họ đã lăn xả vì cộng đồng. Họ nghĩ ra việc mà làm, thấy việc là phải gắng làm.
Họ dạy người Lá Vàng học chữ, dạy cấy trồng, họ cơm đùm cơm nắm lội rừng đi phá những nương thuốc phiện rực rỡ mênh mông. Từ trong hoang vu không có bất cứ thứ gì, từ trong đau đớn số phận bị “ả phù dung” sai khiến, nay, người Lá Vàng đã gặp được cái mùa thay mái lá cho mỗi ngôi nhà của mình.
Có lẽ, họ là những “người nguyên thủy” cuối cùng của Việt Nam được gọi về định canh định cư, dần thoát khỏi hủ tục và đói nghèo truyền kiếp…
Theo Đỗ Doãn Hoàng (Lao Động)
Bình luận