Cụ thể, trường sẽ tạm dừng các hoạt động dã ngoại trong phạm vi nội đô (các điểm ở xa trung tâm vẫn tổ chức và được thông báo cho phụ huynh), hoạt động thể chất, vui chơi ngoài trời của học sinh.
Thay vì hoạt động ở ngoài trời, các em sẽ được học trong nhà đa năng, phòng thể dục tự do hay phòng họp hội đồng sư phạm, phòng chuyên đề để tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng hạn chế mở cửa sổ lớp học cho đến khi tình hình không khí được cải thiện an toàn hơn.
Đồng thời, nhà trường cũng đề nghị phụ huynh nắm bắt thông tin để phối hợp đón con về sớm sau giờ học và cho con đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Theo ông Tạ Như Việt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Khu đô thị Mỹ Đình 1, Từ Liêm), trước tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội, nhất là buổi sáng, nhà trường đã thay đổi thời khóa biểu một số tiết thể dục ở buổi sáng, thể dục giữa giờ sang buổi chiều, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe của các em học sinh.
“Nếu không khí được cải thiện, không còn báo màu tím nữa, lịch học của các em học sinh sẽ trở lại bình thường”, ông Việt nói.
Những ngày qua, chất lượng không khí ở Hà Nội luôn ở mức nguy hại, hôm qua chạm ngưỡng đặc biệt nguy hiểm, cảnh báo mọi người không được ra ngoài. Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá bụi mịn PM2.5, sát thủ lơ lửng trong không khí đạt mức kỷ lục trong 5 năm trở lại đây.
Ông Vũ Đăng Định – Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội cũng chỉ ra 12 nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn gồm: Khí xả thải từ các phương tiện ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; phá dỡ các công trình xây dựng, xây dựng các công trình; vận chuyển vật liệu xây dựng; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm;
Các nguyên nhân khác là: Đốt rơm dạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; do tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
Bình luận