Những ngày qua, chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các thành phố lớn luôn ở mức báo động khiến người dân lo lắng. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên nước ta có thành phố "lọt top" những thành phố có chỉ số ô nhiễm cao nhất thế giới trên nhiều thang đo quốc tế.
Tuy nhiên, trước những diễn biến rất đáng báo động của tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, ngoài việc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế đưa ra một vài giải pháp khuyến nghị người dân đối phó, chưa có bất cứ thông tin nào từ chính quyền về nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục triệt để vấn đề nghiêm trọng này.
VTC News có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng về vấn đề này.
- Ô nhiễm không khí thời gian qua trở thành vấn đề rất đáng lo ngại ở Hà Nội và các thành phố lớn hiện nay, thưa bà?
Thực ra, thông tin về ô nhiễm được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, ô nhiễm ở Hà Nội nói riêng và ở các thành phố lớn nói chung đã ở mức báo động, chỉ số những ngày qua luôn luôn ở mức nguy hại, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trên nhiều thang đo.
Tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ con người đã nói đến rất nhiều và chúng ta cũng đều biết, tôi không muốn nhắc lại nữa. Tuy nhiên, ngoài ảnh hướng đến sức khoẻ, sẽ kéo theo ảnh hưởng đến năng suất lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, vấn đề nghèo đói và rất nhiều những tác động khác.
Cho nên, vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để xử lý, giải quyết những chuyện này.
- Gần đây khi công bố kết quả quan trắc về chất lượng không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra một vài khuyến cáo với người dân, tuy nhiên kết quả quan trắc không nhắc tới nguyên nhân cụ thể dẫn tới tình trạng ô nhiễm. Hiện cũng chưa có công bố nào về nguyên nhân ô nhiễm từ các cơ quan chức năng, thưa bà?
Đúng vậy, đến nay vẫn chưa đưa ra nguyên nhân cụ thể của thực trạng ô nhiễm hiện nay. Tôi cho rằng nhà nước cần phải vào cuộc, có sự đầu tư để đánh giá cụ thể vì chuyện đánh giá nguyên nhân sẽ liên quan đến việc đưa ra giải pháp sau này.
Phải đánh giá được nguyên nhân, nhân tố chính gây ra ô nhiễm với các thành phố. Chẳng hạn như vấn đề giao thông chiếm bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu đến từ các phương tiện giao thông, ô tô, xe máy cũ nát; bao nhiêu phần trăm ô nhiễm đến từ nông nghiệp như việc đốt rơm rạ; bao nhiêu phần trăm từ công nghiệp, khói bụi của các nhà máy gây ra, hay bao nhiêu phần trăm do xây dựng gây ra… phải đánh giá được chuyện đó, trên cơ sở đó xác định nguyên nhân nào dẫn đến tình trang ô nhiễm ở mỗi thành phố và từ đó đưa ra giải pháp thích hợp.
Chính quyền phải vào cuộc, phải lên tiếng và có giải pháp tận gốc cho người dân để triệt các nguồn gây ô nhiễm không khí, ổn định xã hội, phát triển kinh tế.
PGS.TS Bùi Thị An
Ví dụ như các khu công nghiệp phải di dời ra khỏi các thành phố, hay các phương tiện giao thông cá nhân phải hạn chế, các loại xe quá niên hạn không cho chạy nữa; đối với nông thôn có thể vận động ngừng đốt rơm rạ để làm thức ăn cho gia súc hoặc sử dụng vào việc khác…
Đặc biệt, phải cân nhắc việc sử dụng các loại năng lượng khác như năng lượng tái tạo để hạn chế lượng khí phát thải, ô nhiễm không khí, tăng cường trồng cây xanh cũng là việc làm cực kỳ quan trọng.
Tóm lại, phải có một giải pháp tổng thể tất cả các yếu tố, nhưng đối với một thành phố riêng lại phải đánh giá cái nào là yếu tố chính để từ đó có một giải pháp thích hợp nhất.
- Nhiều thông tin cho rằng thời tiết là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm hiện nay?
Yếu tố thời tiết hiện nay tuy góp phần khiến bụi trong không khí đậm đặc hơn nhưng đây không phải là nguyên nhân thực sự, bởi nếu không khí trong lành thì tầng nhiệt thế nào cũng không thể tạo ra khói bụi. Thời tiết chỉ góp phần làm tăng mức độ ô nhiễm của từng vùng, từng địa phương nhưng đó không phải là nguyên nhân chính.
- Sau Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế cũng lần đầu cảnh báo, đưa ra 14 gợi ý với người dân để đối phó với ô nhiễm, bà đánh giá thế nào?
Việc đưa ra khuyến cáo là rất cần thiết nhưng khuyến cáo đó theo tôi là khó khả thi, chẳng hạn như khuyến cáo người dân hạn chế ra đường thì rõ ràng chuyện ra đường ai cũng phải ra để đi làm, để mưu sinh, trừ các cụ già, em nhỏ, mà ngay cả các em nhỏ thì cũng phải đi học.
Hay việc phải đeo khẩu trang đạt chuẩn thì các loại khẩu trang đảm bảo tiêu chuẩn thì rất tốn kém, người dân có mua được không? Hay chính quyền có phát khẩu trang đạt tiêu chuẩn không?
Theo tôi, các cơ quan chức năng phải vào cuộc để hạn chế tối đa các nguồn gây ô nhiễm, nếu không sẽ không thể xử lý được. Khuyến cáo thì cần thiết nhưng hiệu quả thực sự không cao.
- Vậy còn chính quyền, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy giải pháp cụ thể nào, phải chăng chính quyền đang im lặng, và chính bản thân người dân cũng không ít người thờ ơ với sức khoẻ của mình?
Người dân rất lo lắng, tôi thấy Hà Nội cũng bắt đầu chú ý và yêu cầu phải tăng các trạm quan trắc, tuy nhiên những chuyện này chỉ là giải pháp tình thế, vấn đề nằm ở giải pháp gốc và hiện nay chưa có.
Tôi kiến nghị phải có nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp gốc, xử lý triệt để vấn đề này, đảm bảo thành phố không bị ô nhiễm, đảm bảo sức khoẻ cho người dân cũng là đảm bảo năng suất lao động và những vấn đề khác với người dân.
Còn với người dân, nhiều người lo lắng nhưng nhiều người cũng không quá để ý bởi họ “có kêu cũng thế thôi”, họ vẫn phải đi làm và không còn cách nào khác. Nhiều người cũng không nhận thức rõ ràng tác hại của ô nhiễm, họ cũng chẳng hiểu bụi PM2.5 là thế nào, tác động ra sao.
Vấn đề chính nằm ở cơ quan quản lý và phải có giải pháp cho dân. Chính quyền phải vào cuộc, lên tiếng có giải pháp tận gốc cho người dân để triệt các nguồn gây ô nhiễm không khí để ổn định xã hội, phát triển kinh tế.
- Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước cần ban hành chính sách, luật chống ô nhiễm không khí, thưa bà?
Giải pháp khắc phục ô nhiễm có thể bằng giải pháp hành chính, bằng thuế phí nhưng yêu cầu phải chính xác. Nếu không phân biệt được chính xác nguyên nhân gây ra ô nhiễm thì khi định ra các chính sách sẽ không khả thi và người dân sẽ kêu.
Theo tôi, Nhà nước, hay ngay tại thành phố và các cơ quan chức năng cần có nghiên cứu cho chuyện này, điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân trực tiếp đến giải pháp gốc để khắc phục ô nhiễm.
- Xin cảm ơn bà!
Video: Hà Nội có thờ ơ với tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng?
Bình luận