Nước mía - thức uống bình dân in sâu vào tâm trí người Việt Nam. Đã bao năm qua đi, vậy mà chiếc xe ép mía in hình cô gái có mái tóc đen bồng bềnh vẫn là hình ảnh quá đỗi thân thuộc. Người ta lâu lâu có thể đổi khẩu vị từ nước ngọt sang trà chanh, trà tắc hay trà sữa, nhưng cơn thèm nước mía thì vẫn ở đó, lâu lâu thèm ngang hông thì ghé đại một quán ven đường, gọi một ly đầy ụ mà giá chỉ 5.000 đồng.
Nước mía có vị ngọt gắt, vì vậy thường được ép chung với 1-2 trái tắc hoặc nửa trái cam sành cho cân bằng vị. Mùi tắc lại thơm và hợp với mùi mía đến lạ, khi kết hợp lại tạo ra một mùi hương rất riêng, đứng từ xa đã biết phía trước sắp có một xe nước mía. Nước mía ngon phải có màu vàng đậm, tung bọt. Nhiều nơi thường dằn thêm vài hạt muối cho đậm đà. Có nơi thêm nước chanh muối hay tắc muối. Mía ngọt nên uống phải có đá để làm mát dịu cái vị gắt của đường. Chỉ cần bấy nhiêu cũng đủ thổi bay cái nắng oi ả của mùa này.
Trước đây, người ta thường chỉ uống nước mía nguyên chất. Bây giờ, khẩu vị người uống đa dạng hơn, chúng ta có cả tá phiên bản như nước mía dâu, nước mía sầu riêng, nước mía bạc hà, chanh dây, đào, táo,... Nhưng thử đi thử lại thì vị nguyên bản vẫn ngon và giải nhiệt tốt nhất.
Mùa dịch, những điều trước đây tưởng chừng đơn giản và thân thuộc nhất bỗng dưng hóa xa xỉ. Vậy nên bây giờ dẫu có thèm một ly nước mía mát lạnh cũng khó mà kiếm ra. Hẹn một ngày gần nhất, khi được tung tăng trên đường trở lại, quán nước mía đầu ngõ chắc hẳn sẽ nằm trong danh sách điểm hẹn của rất nhiều người.
Bình luận