• Zalo

Ồ ạt xây dựng lấn chiếm đất công ở Hoài Đức (Hà Nội): 'Có thế lực đứng sau' là thế lực nào?

Điều traThứ Sáu, 22/04/2016 01:24:00 +07:00Google News

Trả lời PV về việc hàng chục công trình xây dựng trái phép ngang nhiên mọc lên tại Hoài Đức (Hà Nội), Chủ tịch UBND xã An Thượng nói: "Có thế lực dứng sau...".

(VTC News) - Trả lời PV về việc hàng chục công trình xây dựng trái phép ngang nhiên mọc lên tại xã An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), Chủ tịch UBND xã này nói: "Có thế lực đứng sau...".

Dù các công trình vi phạm tồn tại từ lâu, gây nhức nhối dư luận nhưng đến nay, việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ vẫn chưa được thực hiện.

Công trình không phép ùn ùn mọc lên

Chạy dọc khu vực đường gom trái và nhánh đầu cầu vượt Phương Bản (từ km13+150 đến km13+500), hàng loạt công trình xây dựng trái phép gồm nhà xưởng, quán ăn nhậu, nhà hàng, quán café, trang trại... có quy mô lớn ồ ạt mọc lên. 

Hầu hết các công trình này đều đã được xây một tầng nhưng kiên cố, có cổng lớn và rào bằng dậu ngăn cách hẳn với bên ngoài. Ai đi qua cũng thấy, song ít người dám nghĩ rằng, đó lại là những công trình xây dựng không phép. 
Công trình lấn chiếm đất công được xây kiên cố, có cổng lớn và rào bằng dậu ngăn cách hẳn với bên ngoài. Ảnh H.H
Công trình lấn chiếm đất công được xây kiên cố, có cổng lớn và rào bằng dậu ngăn cách hẳn với bên ngoài. Ảnh H.H 
Ông Nguyễn Anh (Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức) cho biết, tình trạng xây dựng nhà ở, lều lán tạm, nhà xưởng sản xuất vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực trên xuất hiện đã từ lâu. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần lập phương án xử lý song vẫn chưa dứt điểm.

Theo ông Nguyễn Chí Lương (Chủ tịch UBND xã An Thượng), qua kiểm tra có 37 công trình vi phạm của 5 hộ dân. Trong số đó, có một hộ ở xã An Thượng, còn lại ở xã Vân Côn, Song Phương và các xã khác.

Ngoài 37 công trình vi phạm đã xác định được chủ, khu vực chân cầu Phương Bản còn 14 công trình mọc lên nhưng… vô chủ.

Ông Nguyễn Trọng Tấn (Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức) cho biết, khu vực trên vốn là đất để mở rộng Đại lộ Thăng Long, được giao cho Công ty Cố phần Giao thông Hà Nội làm lán tạm cho công nhân. Sau đó, khu vực này bị người dân lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép.

Làm ngơ để... bao che?

Tình trạng vi phạm trật tự xay dựng trên khiến dư luận và đơn vị được giao quản lý là Công ty Cổ phần Giao thông Hà Nội nhiều lần lên tiếng, nhưng không hiểu vì sao, sự việc không được xử lý dứt điểm. 
Ngoài 37 công trình vi phạm đã xác định được chủ, khu vực chân cầu Phương Bản còn 14 công trình trái phép mọc lên nhưng… vô chủ. Ảnh H.H
Ngoài 37 công trình vi phạm đã xác định được chủ, khu vực chân cầu Phương Bản còn 14 công trình trái phép mọc lên nhưng… vô chủ. Ảnh H.H 
Cụ thể, ngày 21/4/2010, Công ty Cổ phần Giao thông Hà Nội có công văn số 78/BDH-LHL gửi UBND huyện Hoài Đức và UBND các xã Song Phương, An Thượng phản ánh tình trạng nhiều hộ dân cố tình xây dựng nhà trái phép trên phần đất lưu không giữa đường gom trái và nhánh A&B đường đầu cầu vượt Phương Bản. 

Mặc dù đã được đơn vị quản lý nhắc nhở nhưng các hộ dân vẫn không chịu thực hiện,buộc đơn vị được giao quản lý khu vực trên phải kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp thu hồi diện tích đất bị xây dựng trái phép trên.

Cụ thể, đơn vị quản lý có hàng loạt công văn (số 174/BĐH-LHL ngày 26/7/2010, số 135/CV ngày 02/3/2012 và số 299/GTHN ngày 6/8/201) đề nghị hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại khu đất trên.

Những tưởng, tình trạng vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên sẽ được xử lý dứt điểm, nhưng ngược lại, nhà không phép lại nở rộ hơn trước. Kết quả kiểm tra hiện trạng tại thời điểm 2/1016 của Tổ công tác huyện Hoài Đức cho thấy, bên cạnh “hàng loạt các công trình vi phạm đã tồn tại trước đây với quy mô không thay đổi” là “thêm 5 công trình xây mới trái phép” vừa mọc lên. 

Trước thực trạng đáng báo động kể trên, Tổ công tác do ông Nguyễn Anh làm tổ trưởng đã “đề nghị, hướng dẫn UBND xã An Thượng thiết lập hồ sơ xử lý đối với các trường hợp vi phạm về hành vi chiếm đất và ban hành quyết định cưỡng chế theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm".

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Anh, khi đó, Huyện cũng đề nghị UBND xã An Thượng phải “giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm nêu trên”. Đối với các trường hợp đã đủ hồ sơ, đề nghị ban hành quyết định cưỡng chế theo thẩm quyền. Đối với trường hợp vi phạm mới phát sịnh, ban hành quyết định cưỡng chế nếu không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 

Ngoài ra, ở một số công trình chưa xác định chủ thể vi phạm, lãnh đạo huyện yêu cầu xã An Thượng lập biên bản niêm yết công khai, ra thông báo và tiến hành tháo dỡ, giải tỏa hành lang giao thông  theo đúng quy định pháp luật. Thời hạn tổ chức thực hiện cưỡng chế các trường hợp vi phạm phải hoàn thành xong trong tháng 2/2016.

Tuy nhiên, nay đã là tháng 4, nhưng các công trình vi phạm vẫn "đứng trơ gan cùng tuế nguyệt" trên phần đất lưu không, thách thức chính quyền và công luận.

"Có thế lực đứng sau"

Ông Nguyễn Anh (Phó Chủ tịch huyện Hoài Đức) khẳng định: “Đây là đất công, phải thu hồi. Ai vào chiếm dụng trái phép, phải bị xử lý.”

Ông Nguyễn Trung Lương (Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hoài Đức) cho biết, việc này huyện đã chỉ đạo nhiều lần. “Đất nằm trên xã An Thượng nên thẩm quyền và trách nhiệm xử lý chính thuộc về chính quyền xã An Thượng", ông Lương nói.

Liên quan hành lang pháp lý, ông Lương cho hay: “Về hồ sơ đã hoàn thành đến bước ra quyết định cưỡng chế. Về kế hoạch, đã hoàn tất các khâu chuẩn bị, nhưng chưa định ngày cụ thể".

Theo ông Giang Văn Thịnh (Đội phó Đội Thanh tra xây dựng huyện Hoài Đức), đơn vị đã tham mưu dừng cung cấp điện, kiểm tra về cư trú, lập và xử lý hồ sơ vi phạm. “Các công trình đều thuộc thẩm quyền UBND xã An Thượng, nếu xã không cưỡng chế thì huyện phải cưỡng chế theo các quy định của pháp luật", ông Thịnh nói.

Ông Nguyễn Chí Lương (Chủ tịch UBND xã An Thượng) cho biết: Nguyên nhân chưa tiến hành cưỡng chế là do chưa hoàn thiện hồ sơ và có đơn thư khiếu nại của người dân.

“Chúng tôi đã rà soát văn bản, kiểm tra hiện trường và lập biên bản, nhưng do không có ai nhận nên chưa thể xử lý. Thiếu hồ sơ nên phải chờ bổ sung. Giải quyết việc này không thể một sớm một chiều. Còn tài sản trên đất vi phạm, tuy không lớn nhưng rất nhiều", ông Lương, nói.

Thế nhưng, trái ngược với ông Lương, ông Giang Văn Thịnh lại khẳng định: “Về hồ sơ cưỡng chế đã đảm bảo quy định pháp luật".

“Việc có đơn thư khiếu nại thì giải quyết theo quy định, còn quy trình cưỡng chế vẫn tiến hành. Chỉ khi có văn bản của toà án mới dừng cưỡng chế", ông Thịnh cho hay.

Giải đáp lo ngại của ông Chủ tịch UBND xã An Thượng, ông Nguyễn Anh nói: “Cứ làm theo luật. Luật xử lý vi phạm hành chính đã nói rõ rồi, cần thì thanh lý. Anh là chủ tịch xã thì anh phải quyết".

Lúc này, ông Nguyễn Chí Lương tiếp tục quanh co: “Không phải tự nhiên họ xây được, có thế lực đứng sau”.

Ông Nguyễn Anh nói: "Thế lực nào, đề nghị anh nói rõ. Chúng ta làm đúng, có hành lang pháp lý đầy đủ thì không sợ gì".

Các công trình vi phạm ngang nhiên tồn tại từ lâu, nhưng đến nay vẫn không được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, gây bức xúc dư luận.

Vì sao lại có tình trạng này? Đề nghị UBND TP.Hà Nội cần chỉ đạo xử lý nghiêm, lập lại trật tự xây dựng, kỷ cương văn minh đô thị vốn đã xảy ra nhiều vụ việc nhức nhối thời gian qua.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc.

Hoàng Hưng 

Bình luận
vtcnews.vn