Bà Phạm Thị Xuyên, 73 tuổi, sống cùng hai con gái và cháu ngoại 14 tuổi trong căn nhà cấp bốn tại thị trấn nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Căn nhà này từng được nhà nước hỗ trợ xây dựng với số tiền 20 triệu đồng,
Chồng bà Xuyên hy sinh khi tham gia chiến đấu, nhưng giấy tờ bị cháy trong trận hỏa hoạn khiến gia đình không được hưởng chế độ trợ cấp dành cho liệt sĩ. Điều này khiến người góa phụ và các con vào tình cảnh túng quẫn không lối thoát, mọi gánh nặng cuộc sống đè nặng lên đôi vai yếu ớt của bà.
Bà Xuyên sinh được năm người con, ba gái, hai trai. Ba con của bà đã lập gia đình, nhưng cuộc sống cũng không khá hơn là bao, chỉ trông chờ vào việc trồng khoai, sắn. Còn hai cô con gái khuyết tật cùng bà nương tựa nhau. Người phụ nữ tần tảo cả đời, bữa đói bữa no nuôi năm người con khôn lớn.
Cách đây 14 năm, con gái đầu khiếm thị của bà Xuyên nên duyên với một người đàn ông. Cả hai có với nhau cậu con trai, nhưng không kết hôn. Một thời gian sau, người đàn ông đi nơi khác làm ăn, còn con gái cùng cháu lại ở với bà.
Năm nay cháu 14 tuổi nhưng trí tuệ không nhanh nhẹ như bạn bè cùng trang lứa. May mắn, thầy cô giáo, nhà trường cảm thông với hoàn cảnh gia đình nên mỗi người hỗ trợ chút kinh phí để cháu có thể đi học.
Cô con gái thứ ba không chỉ khiếm thị mà còn bị câm, năm nay 40 tuổi. Chị còn mắc chứng tắc ruột phải mổ đặt hậu môn nhân tạo, nên bà Xuyên phải phục vụ con từng bữa ăn, giấc ngủ. Việc chăm sóc con gái bệnh tật khiến bà không có thời gian và sức khỏe để làm thêm bất kỳ công việc gì khác.
Cả gia đình bà sống dựa vào 540.000 đồng tiền trợ cấp khuyết tật của các con, cộng thêm khoản tiền bán rau mỗi ngày chỉ được 20 - 30.000 đồng.
Bản thân bà Xuyên bị bệnh tim, nhiều lần phải đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị đặt máy tạo nhịp tim. Mỗi năm bà phải kiểm tra một lần, chi phí khá lớn, trong khi gia đình không còn bất kỳ nguồn thu nhập nào.
Vài năm trước, bà bán mảnh ruộng duy nhất trong nhà để có tiền chữa bệnh và lo cho các con, nhưng số tiền đó như muối bỏ bể, không đủ để trang trải chi phí y tế đắt đỏ.
Mới đây vay mượn khắp nơi bà đưa con lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mong muốn đóng lại hậu môn nhân tạo cho con, nhưng không thể. Bà kể, nếu nối ruột thì con phải đi vệ sinh tám lần một ngày, không thể sống như người bình thường. Bác sĩ khuyên giữ nguyên hậu môn nhân tạo để điều trị và chăm sóc tốt nhất.
Sức khoẻ ngày một yếu, đi vài bước đã phải đứng thở dốc nhưng vẫn phải chăm con trong viện, bà Xuyên tâm sự, giờ đây không sợ chết nữa mà sợ nếu bản thân không còn, con cháu phải sống thế nào khi con khiếm thị, cháu lại ngây dại chẳng biết gì.
Bác sĩ Lệ Nhật Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Đại trực tràng - Tầng sinh mô, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, đang sử dụng túi hậu môn nhân tạo và gặp vấn đề táo bón. "Bệnh nhân gầy yếu, đòi hỏi phải thực hiện thủ thuật tháo túi và cung cấp dinh dưỡng qua truyền dịch để cải thiện tình trạng", bác sĩ Huy nói.
Hậu môn nhân tạo gây nhiều phiền toái và khó khăn, đặc biệt với bệnh nhân mù, câm, điếc, phải dựa vào người thân để thay túi và ngăn ngừa các vấn đề như loét, viêm da.
Với người bình thường, việc sử dụng hậu môn nhân tạo là gánh nặng lớn, đòi hỏi phải thay túi thường xuyên và đối mặt với nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Với bệnh nhân như con gái bà Xuyên vấn đề còn nghiêm trọng hơn khi không có khả năng tự chăm sóc và phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ từ người thân để duy trì chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, chi phí điều trị cũng là gánh nặng lớn, với mỗi túi hậu môn nhân tạo có thể lên đến hàng triệu đồng mỗi tháng, là khoản chi không thể nào đáp ứng được cho bệnh nhân không có thu nhập.
"Tôi mong các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ gia đình bà Xuyên vượt qua gia đoạn khó khăn này", bác sĩ Huy nói.
Quý độc giả biết những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ, xin hãy thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ email [email protected] hoặc gọi điện đến đường dây nóng 0855.911.911.
Bình luận