Tác dụng của nước chè xanh
Bài viết của BS Vũ Quốc Trung trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, chè xanh còn gọi là chè tươi là loại nước uống có từ lâu đời, với khả năng tăng cường miễn dịch, chống lão hoá và phòng chữa bệnh.
Hỗ trợ phòng chống ung thư
Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu toàn diện về chè xanh cho thấy loại chè này có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể; nâng cao sức đề kháng chống tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, chè xanh có thể ức chế ngăn chặn tác động của tác nhân gây ung thư.
Tại Thượng Hải (Trung Quốc) một công trình nghiên cứu ung thư thực quản cho thấy nhóm uống chè, ung thư giảm rõ 50% so với nhóm không uống. Các nhà khoa học cũng nhận thấy người Nhật nhờ tập quán uống chè lâu đời nên đã hạn chế tác hại gây bệnh. Theo tác giả Nhật hàng ngày nên uống chè xanh. Mùa hè uống chè xanh hỗ trợ phòng chống ung thư da.
Giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim
Một công trình nghiên cứu ở Hà Lan nhận thấy nhóm dùng chè xanh hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim.
Trung tâm này cũng nhận định, nhờ tập quán lâu đời uống chè mà người Nhật đã được bảo vệ phòng chống các bệnh tim mạch. Nếu uống nước chè hàng ngày thì nồng độ cholesterrol xấu trong máu giảm rõ rệt.
Nhiều nghiên cứu cho thấy chè xanh có tác dụng hỗ trợ diệt khuẩn, tiêu viêm, giảm đau, hưng phấn thần kinh, hạ đường huyết, hỗ trợ giảm máu mỡ, lợi tiểu, giữ vệ sinh răng miệng.
Chè xanh là "mỹ phẩm thiên nhiên"
Tắm lá chè xanh giúp mang lại làn da khỏe, tự nhiên. Nước chè xanh giúp làm sạch chất nhờn, se lỗ chân lông, diệt vi sinh vật trên da khỏi mẩn ngứa. Dùng bông gòn thấm nước chè xanh chà nhẹ lên mặt, hạn chế được hiện tượng lão hóa da. Bột chè xanh đắp mặt nạ loại bỏ những bụi bẩn và ngăn ngừa mụn.
Chè xanh bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím có thể gây ung thư da. Với tính làm săn se, hoạt chất trong chè xanh còn được dùng để làm thuốc súc miệng trị viêm họng, nhiệt miệng hoặc dùng ngoài làm lành vết loét do người bệnh nằm lâu.
Tác dụng của nước vối
Báo Vietnamnet dẫn lời Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, cây vối được người dân trồng để lấy lá, nụ, vỏ thân cây nấu nước uống hằng ngày tốt cho sức khỏe. Hiện có hai loại vối rừng và vối nhà, công dụng giống nhau, tốt cho sức khỏe.
Trong lá vối có saponin, rất ít tanin, 4% tinh dầu bay hơi, mùi thơm dễ chịu. Các bộ phận khác của cây còn chứa các sterol, chất béo, tanin catechic và gallic. Lá và nụ chứa axit triterpenic.
Nhiều nghiên cứu cho thấy lá và nụ vối có tính kháng sinh đối với một số vi trùng Gram+ và Gram- ở tất cả giai đoạn phát triển. Chất kháng sinh thường tập trung cao nhất ở lá vào mùa đông. Cây vối hoàn toàn không có độc đối với cơ thể người.
Trong Đông y, vối là vị thuốc trị bệnh. Các bộ phận của cây có vị đắng, chát, thơm, tính bình chủ trị vào kinh tỳ, vị, đại tràng. Tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, sát trùng, hạ khí, tiêu đờm. Lá và nụ vối từ lâu được người dân nấu nước để uống vừa thơm, vừa tiêu thực, kích thích tiêu hóa, tán thũng, chỉ huyết, sinh cơ. Lá vối tươi hay khô sắc đặc có tính chất sát trùng để rửa mụn nhọt, lở loét, ghẻ, ngứa.
Người bị chướng bụng, nôn mửa, viêm đường ruột (viêm đại tràng mạn), viêm họng, bệnh ngoài da, vết thương do cháy bỏng, xuất huyết, trùng độc cắn, rắn cắn dùng vối rất tốt.
Trong các bộ phận của cây vối, lá được dùng nhiều nhất. Hằng ngày, bạn nấu nước lá vối uống có tác dụng bình ổn đường huyết, hạn chế đường huyết tăng. Lá vối còn chống oxy hóa, bảo vệ tế bào beta tụy, phòng đục thủy tinh thể, hỗ trợ giảm mỡ máu, gout. Lá vối giúp bạn tiêu hóa tốt hơn, ăn ngon miệng, bảo vệ niêm mạc ruột, giải độc gan hiệu quả, ngăn ngừa gan nhiễm mỡ.
Nước vối và chè xanh loại nào tốt hơn?
Tác dụng của nước chè xanh và vối không khác nhau nhiều. Việc sử dụng thức uống nào do sở thích của mỗi người. Cả hai đều thanh nhiệt, giải độc, tăng cường chức năng gan, làm chậm quá trình oxy hóa, ngăn bệnh tim mạch, ung thư.
Lá chè xanh chứa tanin cao hơn và caffeine kích thích nhẹ thần kinh trung ương, hệ hô hấp, tim mạch, tạo cảm giác sảng khoái, dễ chịu, kích thích hoạt động của thận và tăng cường sự lưu thông máu.
Một số người có hiện tượng say khi uống trà lúc đói do thành phần catechin, theanine và caffein trong nước chè xanh.
Ngoài ra, nước chè xanh khiến bạn mất ngủ do chứa caffeine giúp tỉnh táo, tập trung. Ngược lại, khi uống nước vối, bạn không có hiện tượng say và mất ngủ nhờ tác dụng làm dịu và giảm căng thẳng, giúp thư giãn của nước vối.
Lưu ý, không nên uống nhiều nước vối sau ăn khiến dưỡng chất bị pha loãng. Nếu bạn mất ngủ, không nên uống nước vối quá mức gây tình trạng nhuận tràng, tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt. Không uống nước vối thay nước lọc, để qua đêm.
Bình luận