Trong khoảng không gian từ hàng trăm đến hàng ngàn km, có vô số các vật thể do con người chế tạo ra nhưng số lượng vệ tinh nhân tạo chỉ chiếm 5%. Còn lại, 95% vật thể trôi vô định trong khoảng không gian này là rác thải vũ trụ: các trạm vũ trụ mất kiểm soát, các bộ phận tên lửa được tách ra trong quá trình phóng, các vệ tinh không còn hoạt động hay các dụng cụ mà phi hành gia đánh rơi...
Điều nguy hiểm nằm ở chỗ những thứ rác thải vũ trụ này di chuyển với vận tốc nhanh gấp 10 lần so với vận tốc của 1 viên đạn, và chúng “có thể ở trên quỹ đạo đến hàng trăm năm”, Bill Ailor, kỹ sư hàng không vũ trụ nói với Business Insider. Ông cho biết thậm chí các loại vật thể ở độ cao lớn thậm chí duy trì vị trí đến hàng ngàn năm.
Theo dữ liệu của Space-Track.org, tính theo số lượng các mảnh vỡ đủ lớn để có thể theo dõi được, Mỹ là quốc gia xả nhiều rác vào vũ trụ nhất với 3.999 mảnh vỡ các loại, tiếp sau là Liên Xô và sau này là Nga với 3.961 mảnh vỡ các loại. Xếp vị trí thứ 3 là Trung Quốc với 3.475 mảnh vỡ các loại.
Điều đáng nói là mặc dù Trung Quốc mới triển khai chương trình vũ trụ của mình, nhưng nước này tự phá hủy vệ tinh của mình khi thử nghiệm vũ khí tiêu diệt vệ tinh khiến lượng rác thải vũ trụ của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng.
Theo ước tính của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, có đến 170 triệu mảnh vỡ có kích thước lớn hơn 1 mm đang di chuyển với vận tốc cực cao trên quỹ đạo Trái Đất và luôn sẵn sàng đe dọa đến các vệ tinh, tàu vũ trụ hay thậm chí là trạm vũ trụ trên quỹ đạo Trái Đất.
Bình luận