• Zalo

Nước mắt cô giáo viết nhật ký bằng thơ trong tù

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 04/02/2013 06:39:00 +07:00Google News

(VTC News) - Bao uẩn ức, bao khổ đau, và cả những đêm không thể chợp mắt ở trong tù, tự nhiên bà có thể làm thơ để vơi đi nỗi buồn, chờ ngày được trả tự do.

(VTC News) - Bao uẩn ức, bao khổ đau, và cả những đêm không thể chợp mắt ở trong tù, tự nhiên bà có thể làm thơ để vơi đi nỗi buồn, chờ ngày được trả tự do.


Kỳ 2: Nhật ký bằng thơ

Tháng 3-1998, chiếc xe chuyên dụng chuyển phạm nhân Đỗ Thị Hằng từ Bắc Giang thẳng đến trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên), để lại tiếng gọi mẹ đến lạc giọng của đàn con.

Bố chết, mẹ đi tù, 5 đứa trẻ bơ vơ. Mất nơi nương tựa, 5 đứa con cả lớn lẫn bé không còn nơi nào để bấu víu, bắt đầu thất học, lang lang đầu đường xó chợ, trộm cắp, cướp giật để sinh tồn.

Linh tính của người mẹ về một ngày đám con của mình dễ sa ngã, hư hỏng đã hiển hiện trong đầu bà ngay lúc vào trại.

Bà Hằng nương nhờ cửa Phật 
Bà Hằng bảo: “Tôi bị bắt đi tù đúng lúc lũ trẻ cần phải được giáo dục nhất, không người nuôi dưỡng, lũ trẻ bị hất ra ngoài đường tự mưu sinh.

Sự cay cực của cuộc sinh tồn, thêm nỗi đau mất bố và tù đày của mẹ đã khiến chúng nó thay đổi nhân cách, mất lòng tin vào con người. Chúng trở nên cằn cỗi, hoang dã và hung tợn”.

Những lúc tưởng như bà sẵn sàng lìa khỏi cõi đời này nhằm chấm dứt chuỗi ngày khổ đau thì hình ảnh mấy đứa con lại hiện về, khiến bà càng phải sống và cố gắng chấp hành xong án.

Ở trong tù bà tiếp tục ăn chay, niệm Phật nhằm cân bằng tinh thần. Có một điều khiến bà buồn hơn cả khi nghĩ đến gia đình ở Hà Nội của mình, đó là cả bố đẻ và anh em ruột trong nhà quay lưng.

Ngay cả việc bà ở tù, mỗi khi Tết đến xuân về, những phạm nhân khác có người đến thăm, tặng quà ăn Tết, riêng bà hẩm hiu.
Những vần thơ tặng con 
“Nhìn bạn tù có người thân đến thăm, tôi tủi phận, nước mắt lưng tròng. Những ngày đó tôi thèm nghe được tiếng người thân, vậy mà điều đó vẫn bặt vô âm tín”, bà Hằng nhớ lại.

Buồn hơn cả là khi bà chịu án được một thời gian, bà nhận tin dữ, cô con gái lớn là Ngô Thiên Hương bị lừa bán sang Trung Quốc. Lúc đó, lòng bà đau quặn thắt.

Hơn ai hết, bà đã 2 lần bị lừa bán sang xứ người, bà hiểu được nỗi đau của người phụ nữ phải gánh chịu. Cuộc đời bà đã ba chìm bẩy nổi, giờ lại đến lượt đứa con gái lớn phải gánh nghiệp chướng cùng với bà.

Bao uẩn ức, bao khổ đau, và cả những đêm không thể chợp mắt ở trong tù, tự nhiên bà có thể làm thơ để vơi đi nỗi buồn, chờ ngày được trả tự do. Cuốn sổ thơ được bà đặt tiêu đề là “Ghi lại những tháng ngày nghiệt ngã”.

Bà lật giở từng trang của cuốn sổ ghi chép đã ố vàng rồi rơi lệ. Từng nét chữ, từng vần thơ, hay từng tiêu đề của mỗi bài thơ khiến bà trở lại với quãng đời đầy tủi cực.

Trong tập thơ này bà viết về các con nhiều nhất vì có bà mẹ nào mà ngày nào không nhắc đến những đứa con của mình. Trong khi đó, cuộc đời bà lại chẳng mấy khi được ở gần để chăm sóc bữa cơm, giấc ngủ cho chúng.

Mấy năm bị thần kinh bà lang bạt khắp nơi, rồi cũng ngần ấy thời gian bị lừa bán sang Trung Quốc, rồi lại tiếp tục bóc lịch trong tù khiến bà càng thêm phần ân hận là không được chăm lo cho các con.

Bài thơ đầu tiên bà viết tặng người con gái thứ hai là chị Ngô Thị Thanh Hoa. Mỗi vần thơ như một lời tâm sự của người mẹ gửi gắm cho người con gái thân yêu Thanh Hoa:

“… Mẹ mừng vì con đã lớn nhanh
Giúp mẹ bao việc tận tình bấy lâu
Họa kia bỗng đâu đổ xuống đầu
(…)
Thương con gánh chịu họa lây
Nuôi em, nuôi mẹ, một mình lo toan
Có hôm trời đổ mưa ngàn
Dáng con nhỏ bé vượt ngàn đường xa
Nuôi em, thay mẹ thờ cha
Nhờ con vất vả cả nhà bình an…”.

Vốn là người có trình độ, lại ăn học tử tế, bà được ban giám thị chuyển lên nhà bếp để nấu cơm phục vụ cán bộ. Nhờ đó những tháng ngày mất tự do cũng dần trôi qua mau. Mỗi khi đêm xuống bà vẫn tiếp tục viết nhật kí bằng thơ.

Nhắc lại chuyện làm thơ, bà cũng không ngờ tới. Bà Hằng tâm sự rất thật rằng: “Tôi học sư phạm, chuyên khoa toán và chưa bao giờ làm thơ. Chỉ từ khi bị bắt giam và tù đày, tự dưng cảm xúc bỗng dâng trào.

Tôi nghĩ mình ghi lại quãng đời đầy tủi nhục này bằng những vần thơ để làm nguồn động viên cho mình”.
Bà Hằng mong chờ vụ án sớm được xử lại 
Quãng thời gian ở trong tù buồn nhất là mỗi khi Tết đến xuân về. Bà đón cái Tết đầu tiên ở tù trong nỗi buồn tê tái. Bài thơ “Tết xa nhà” cũng được bà viết trong tâm trạng đó: “Năm nay là Tết xa nhà/ Nhớ con nhớ cháu thương cha nhớ chồng/ Quê nhà đang đợi ngóng trông/ Miếng ngon chẳng đặng trong lòng không yên/ Các con ơi chớ buồn phiền/ Nơi đây mẹ sống buồn vui thất thường…”.

Năm 2002, bà Hằng được trả tự do. Dường như mỗi lần xa các con trở về, bà đều phải đón nhận những chuyện chẳng lành. 5 người con của bà đều bỏ học và có cuộc sống không ra gì.

Con gái lớn cũng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. Con gái thứ 3 đã lấy chồng và cả 2 vợ chồng đều nghiện. Hai người con trai tính nết hung hãn, vào tù ra tội như cơm bữa.

Ngôi nhà nhỏ của bà trước đây chỉ còn là đống đổ nát. Ngay cả chỗ đặt di ảnh của người chồng quá cố cũng không còn. Đến tận lúc đó bà mới có cơ hội thắp nén hương thơm tạ lỗi với người chồng đã mất.

Bà phải thuê tạm một gian nhà để ở. Hàng ngày lại lần hồi kiếm ăn, động viên đàn con hư tu tỉnh, làm lại cuộc đời. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng bà vẫn luôn đau đáu một điều là tìm cách giải oan cho mình.

Mỗi lần kiếm được ít tiền bà lại đi khắp các cơ quan chức năng của tỉnh, rồi trung ương để gửi đơn với hy vọng gột rửa được thanh danh cho mình. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất đối với bà khi ấy là phải tìm được nhân chứng là chị Dương Thị Liễu.

Ngày tháng qua mau, bà cũng dần lấy lại được cân bằng trong cuộc sống. Bà ăn chay niệm Phật và tự răn mình sống sao cho có tâm, có đức, rồi mọi việc tốt đẹp sẽ đến với mình.

Đầu năm 2012, trong một lần đi lễ tại chùa Phúc Linh (Bắc Giang), bà đã may mắn gặp được người mà bà mong muốn gặp từ 12 năm về trước.

“Hôm đó tôi làm giúp nhà chùa ghi danh sách những người vào chùa công đức, bỗng dưng có một người xưng là Dương Thị Liễu ở thôn Vạn Thạch. Như có linh tính mách bảo, tôi đã ôm chầm lấy Liễu. Thế là trời Phật run rủi đã cho tôi tìm thấy Liễu”, bà Hằng nhớ lại.

Hôm đó, bà đã theo chị Liễu về nhà. Khi nghe bà kể lại hành trình khổ ải bị lừa bán sang xứ người rồi bị kết án vì tội buôn bán phụ nữ, cả nhà chị Liễu đều cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của bà.

Chị Liễu cho biết: “Tôi vô cùng hốt hoảng bởi tôi đâu có gặp chị Đỗ Thị Hằng bao giờ mà người ta lại nói là tôi gặp chị ấy và kết tội cho chị ấy như thế?”.

Chị Liễu khẳng định: “Đưa tôi sang Trung Quốc hôm đó chỉ có ông Phạm Văn Ngọ, chứ đâu có chị Hằng. Ông Ngọ đưa tôi đến nhà một chị cũng tên là Hằng ở Bằng Tường nhưng rất trẻ và xinh. Lúc đó chị Hằng ở Bằng Tường bằng tuổi tôi chứ đâu có già như chị Đỗ Thị Hằng này. Án kết như thế thì là kết tội oan cho chị ấy rồi”.

Chị Liễu cũng đã viết giấy xác nhận sự việc trên và chị cũng sẵn sàng ra tòa làm chứng để minh oan cho bà Đỗ Thị Hằng.

Không chỉ có chị Liễu, bà Khổng Thị Mỹ - người bạn thân của bà Hằng cũng rất bất ngờ khi biết bạn mình bị tù 6 tháng vì tội “chiếm đoạt lừa đảo tài sản”.

Thực ra năm 1993, bà Hằng có vay bà Mỹ duy nhất 300.000 đồng. Trong khoảng thời gian đó, bà Hằng đã trả tiền cho bà Mỹ rồi. Không hiểu tại sao lại có kết luận bà Hằng là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Mỹ.

Bà Mỹ cho biết: “Hôm tòa xử chị Hằng, không hề mời chúng tôi ra đối chứng. Tôi cho chị ấy vay tiền, chứ chưa một lần tố cáo hay làm đơn về việc chị ấy lừa đảo tôi cả”. Bà Mỹ cũng đã viết bản xác nhận khẳng định rõ việc này gửi tới các cơ quan chức năng để minh oan cho bà Hằng.

Khi đã gặp được 2 nhân chứng rất quan trọng trong vụ án, bà Hằng tiếp tục làm đơn gửi Tòa án Nhân dân tối cao.

Thế là sau bao năm vất vả ngược xuôi, chịu trăm nghìn cay đắng, giờ đây bà Hằng đang chờ đợi và hy vọng sự công bằng sẽ đến với mình.

Hoàng Giang
Bình luận
vtcnews.vn