Mực nước về hồ Lai Châu đạt 869m3/s, lưu lượng nước xả là 353m3/s; hồ Sơn La lượng nước về đạt 618m3/s, lượng nước xả 913m3/s; hồ Hoà Bình lượng nước về đạt 952m3/s, lượng nước xả là 380m3/s; hồ Thác Bà (Yên Bái) lượng nước về đạt 160m3/s, lượng nước xả là 60m3/s.
Đặc biệt, một số thuỷ điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên, lượng nước về hồ tăng cao, lượng nước xả cũng lớn.
Điển hình như hồ thuỷ điện A Vương (Quảng Nam), lượng nước xả là hơn 366m3/s; hồ thuỷ điện Sông Ba Hạ (Phú Yên – Gia Lai) lượng nước xả 500m3/s; hồ thuỷ điện Sê San 3, Sê San 3A, Ialy (Gia Lai) lượng nước xả từ gần 500 - hơn 600m3/s; thuỷ điên Thác Mơ (Bình Phước) lượng nước xả gần 400m3/s.
Nhiều cảnh báo xả tràn
Trước tình hình mưa lũ diễn biến bất thường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành công điện gửi các công ty thủy điện: Ialy, Sê San; Ban Quản lý dự án điện 2, 3; Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3; Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; các tổng công ty Điện lực: miền Bắc, miền Trung, miền Nam; Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia; Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ Thông tin; Trung tâm Thông tin Điện lực.
Công điện yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất và ngập úng, để đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản.
Đồng thời, EVN yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin Viber, Facebook của Ban Chỉ đạo QG PCTT và Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia để chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất. Tổ chức trực ban đầy đủ, tuyệt đối không được chủ quan và cần tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai.
EVN đề nghị các đơn vị, địa phương phổ biến cho người dân vùng hạ du biết thông tin để chủ động các biện pháp phòng tránh, nhất là hoạt động nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và du lịch; các đơn vị thường xuyên phối hợp để kịp thời nắm bắt và có biện pháp ứng phó hữu hiệu khi có tình huống xảy ra.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia dự báo, từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Trong 3 tháng tới, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục tác động đến thời tiết các tỉnh Trung Bộ. Do vậy, khu vực này còn nhiều ngày mưa rào và dông, có ngày xuất hiện mưa vừa, mưa to đến rất to.
Cơ quan khí tượng cũng đưa ra dự báo tổng lượng mưa tại các khu vực trong giai đoạn từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024 so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Bắc Bộ: Từ tháng 11-12/2023 phổ biến cao hơn từ 10-20%. Tháng 01/2024 phổ biến 20-40 mm (ở mức cao hơn từ 5-15 mm).
Trung Bộ: Tháng 11/2023, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 10-20%, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình cao hơn từ 10-30%.
Tháng 12/2023, Bắc Trung Bộ cao hơn 20-40%, Trung và Nam Trung Bộ mức xấp xỉ. Tháng 1/2024, tổng lượng mưa phổ biến từ 20-60 mm, phía Nam Nghệ An-Quảng Nam phổ biến từ 60-150 mm (cao hơn từ 5-20 mm, riêng Ninh Thuận, Bình Thuận phổ biến thấp hơn từ 5-15 mm).
Tây Nguyên và Nam Bộ: Tháng 11-12/2023, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ, trong đó tháng 12/2023, Tây Nguyên ở mức thấp hơn từ 5-15%. Tháng 1/2024, khu vực này phổ biến ít mưa, tổng lượng mưa phổ biến từ 5-15 mm.
Lưu vực sông Mê Công: Khu vực thượng lưu, tổng lượng mưa tháng 11/2023 phổ biến cao hơn từ 10-20%; tháng 12/2023 và tháng 1/2024 phổ biến cao hơn từ 20-50%.
Người dân trên cả nước cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa, từ nửa cuối tháng 10 và tháng 11/2023.
Bình luận