• Zalo

Nước cúng trên bàn thờ là nước lã hay đã đun sôi?

Gia đìnhThứ Tư, 11/12/2024 06:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nước cúng trên bàn thờ gia tiên, thờ Phật hay thần Tài cần dùng loại đã đun sôi mới đủ thành kính hay có thể sử dụng nước lã?

Theo quan niệm dân gian, nước là biểu tượng của sự thanh thiết, là nguồn sống, nguồn tài lộc, vì thế nó là lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật hay thần Tài, vừa là để thể hiện sự cung kính, tri ân vừa thay lời cầu chuyện được bình an, may mắn, thịnh vượng. Nước cúng trên bàn thờ là nước lã hay đã đun sôi là câu hỏi nhiều người đặt ra mới mong muốn thực hiện nghi lễ một cách hoàn hảo đúng với truyền thống, trọn vẹn với tổ tiên, thần linh.

Nước cúng trên bàn thờ là nước lã hay đã đun sôi?

Theo quan niệm dân gian, ở mỗi ban thờ, nước cúng mang ý nghĩa khác nhau nên gia chủ có thể sử dụng loại nước khác nhau: 

  • Ban thờ Phật: Nước dâng cúng Phật không phải là đồ uống mà là biểu tượng để nhắc nhở các Phật tử phải sống trong sạch, thanh tịnh. Chén nước trong thể hiện cho sự bình đẳng, không phân biệt giàu sang hay nghèo hèn, cũng là thể hiện cái tâm trong như nước. Vì vậy, nước đặt trên ban thờ Phật thường sử dụng nước tinh khiết như nước lọc hoặc nước lã, không cần đun sôi. 
  • Ban thờ gia tiên: Với quan niệm "trần sao âm vậy", khi dâng nước lên bàn thờ gia tiên, gia chủ có thể dâng nước lọc hoặc nước lã; những gia đình cẩn thận thường dâng nước lọc. Những dịp giỗ chạp, gia đình có thể dâng thêm nước trà, rượu hay nước ngọt - những loại nước mà người đã khuất thích uống khi còn sống. 
  • Ban thờ thần Tài: Nước tượng trưng cho sự thanh tịnh, tài lộc nên gia chủ có thể sử dụng nước tinh khiết như nước lọc hoặc nước lã. Vào các dịp lễ cúng thần Tài có thể dâng thêm trà, nước ngọt...

Theo quan niệm phổ biến, nước cúng trên bàn thờ có thể dùng nước lã chứ không nhất thiết phải đun sôi, điều quan trọng là nước cúng phải trong, sạch.  

Cách đặt nước lên ban thờ 

Nước cúng trên bàn thờ thường được để trong bộ kỷ 3 chén hoặc 5 chén. Trong đó: 

  • 3 chén nước: Đại diện cho gia tiên, bà cô ông mãnh (hai bên) và thần linh (ở giữa). Con số 3 còn gắn liền với quan niệm dân gian như để tang cha mẹ 3 năm, 3 đời...
  • 5 chén nước: Đại diện tổ tiên, bà cô ông mãnh được đặt hai bên, 3 ly ở giữa là sự thành tâm của gia chủ đối với các vị thần linh. Số 5 còn biểu trưng cho ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ.

Với ban thờ Phật, số chén không quá quan trọng nhưng mọi người thường đặt 3 chén đại diện cho tam bảo hoặc 1 cốc thuỷ tinh để thể hiện sự tinh khiết, chay tịnh. Trên ban thờ thần Tài, ngoài bộ kỷ 3 hoặc 5 chén thường sẽ có thêm bát nước thả hoa hoặc cốc nước lã để tụ tài, tụ lộc. 

Một số lưu ý khi đặt nước trên bàn thờ:

  • Thay nước thường xuyên trên ban thờ để bảo đảm sự thanh tịnh và giữ lòng thành kính.
  • Luôn kiểm tra, châm nước thờ đầy đủ và không được để nước cạn khô trên ban thờ. 
  • Vật dụng như chén, cốc đựng nước phải còn mới, được rửa và lau chùi sạch sẽ trước khi đặt lên ban thờ. 
  • Tuyệt đối tránh dùng nước không sạch để thờ cúng. Với các loại rượu bia, nước ngọt, cần chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng để dâng cúng, không dùng các loại nước không rõ xuất xứ hay hết hạn sử dụng. 
  • Sau khi thắp hương xong, với nước lọc tinh khiết, gia chủ có thể để nguyên trên ban thờ; còn rượu bia, nước ngọt cần được hạ xuống, tránh để lâu vì chúng dễ ố vàng hoặc ám mùi trên ban thờ. 
An An
Bình luận
vtcnews.vn