• Zalo

Nước Anh: 3 thủ tướng, 3 cuộc khủng hoảng

Tư liệuThứ Ba, 06/09/2022 12:47:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ba thủ tướng Anh gần nhất đều tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực khi nước này phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng khác nhau, từ COVID-19 đến lạm phát.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss tới đây sẽ trở thành thủ tướng thứ 4 của Anh trong vòng 6 năm kể từ khi nước này bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu, và là nữ thủ tướng thứ 3 của Vương quốc Anh. Bà Truss cũng là thủ tướng thứ 3 liên tiếp tiếp quản quyền lãnh đạo nước Anh trong thời điểm những người tiền nhiệm của bà đã không thể đối mặt với các cuộc khủng hoảng xảy ra trong nhiệm kỳ của họ. 

Bà Theresa May – Brexit

Thủ tướng Theresa May tuyên bố từ chức ngày 24/5/2019, khiến nhiệm kỳ thủ tướng kéo dài ba năm đầy sóng gió của bà kết thúc đột ngột. Đến 7/6/2019, bà phải từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Nước Anh: 3 thủ tướng, 3 cuộc khủng hoảng - 1

Cựu Thủ tướng Anh Theresa May. 

Trong một bài phát biểu đầy cảm xúc bên ngoài số 10 Phố Downing, bà May cho biết bà đã “làm mọi thứ” có thể để thuyết phục các thành viên Quốc hội ủng hộ thỏa thuận rút khỏi Brexit mà bà đã đàm phán với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, bà "hối tiếc sâu sắc" rằng cuối cùng đã không đạt được sự đồng thuận giữa các nhà lập pháp.

Cuộc trưng cầu dân ý để Anh rời EU được thông qua vào ngày 23/6/2016. Một ngày sau, Thủ tướng David Cameron, người phản đối Brexit, tuyên bố từ chức. Bà May kế nhiệm ông, trở thành nữ lãnh đạo thứ hai của Vương quốc Anh, và cam kết sẽ hoàn thành Brexit.

Khó khăn lớn nhất mà bà May phải đối mặt khi cố gắng thực hiện việc Anh rời khỏi EU là giải quyết vấn đề biên giới Ireland - một vấn đề gây tranh cãi từ lâu.

Cuối cùng, kế hoạch rời khỏi Liên minh châu Âu của bà đã không làm hài lòng các nhà lập pháp và đặt ra một chuỗi các sự kiện khiến bà phải từ chức.

Ông Boris Johnson – COVID-19

Ông Johnson kế nhiệm vị trí tại số 10 phố Downing với lời hứa "hoàn tất Brexit".

Nước Anh: 3 thủ tướng, 3 cuộc khủng hoảng - 2

Ông Boris Johnson. 

Để phá vỡ sự bế tắc, ông đã kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 12/12/2019 và giành chiến thắng vang dội trước cựu lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn.

Vào ngày 31/1/2020, sau ba năm rưỡi tranh cãi và trì hoãn chính trị, Vương quốc Anh đã chính thức rời EU.

Cũng vào khoảng thời gian này, dịch COVID-19 bắt đầu hoành hành trên toàn cầu. Nước Anh không nằm ngoài vòng xoáy với những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào 29/1/2020. Theo số liệu chính thức, tính đến 31/8/2022, nước này có 19,8 triệu ca mắc COVID-19, hơn 171.000 ca tử vong.

Cuộc điều tra công khai chính thức của Vương quốc Anh về COVID-19 gần đây đã được bắt đầu nhằm xem xét kỹ lưỡng cách ông Boris Johnson và chính phủ của ông ứng phó với đại dịch.

Chính quyền của ông bị chú ý sát sao sau khi báo cáo của một nhà điều tra vào tháng 5/2022 chỉ trích việc các quan chức bên trong văn phòng thủ tướng vi phạm các quy tắc phòng chống dịch COVID-19, trong một vụ bê bối được gọi là "Partygate".

Báo cáo mô tả các buổi tiệc với đồ uống có cồn mà nhân viên phố Downing tổ chức vào năm 2020 và 2021, trong thời gian các hạn chế về đại dịch ngăn cản người dân Vương quốc Anh giao lưu hoặc thậm chí đến thăm những người thân đang hấp hối của họ.

Ông Johnson tiếp tục dành nhiều tháng chiến đấu duy trì quyền lực sau khi các cuộc tranh cãi diễn ra xung quanh việc ông trở thành thủ tướng Anh đương chức đầu tiên bị phát hiện vi phạm điều luật.

Tuy nhiên, một loạt bê bối tiếp theo liên quan đến các thành viên nội các của ông, đặc biệt là làn sóng từ chức của các quan chức chính phủ, đã buộc Thủ tướng Johnson đi đến quyết định rời khỏi vị trí lãnh đạo.

Bà Liz Truss – lạm phát

Bà Truss, người đã giành chiến thắng trước ứng viên Rishi Sunak để trở thành Thủ tướng tiếp theo của nước Anh, cũng sẽ phải đối mặt với một loạt các vấn đề khi chỉ số lạm phát của nước này đang ở mức hai con số, cộng thêm suy thoái kinh tế rình rập, bất ổn trong lực lượng lao động, hóa đơn điện của các hộ gia đình tăng vọt và nguy cơ thiếu nhiên liệu mùa đông.

Nước Anh: 3 thủ tướng, 3 cuộc khủng hoảng - 3

Bà Liz Truss trở thành thủ tướng trong thời điểm khủng hoảng lạm phát đang hoành hành nước Anh nói riêng và châu Âu nói chung. 

Bà cũng phải đối mặt khả năng “va chạm” với Liên minh châu Âu về luật thay đổi các quy tắc thương mại ở Bắc Ireland, một tranh chấp có thể lan sang mối quan hệ của Anh với Mỹ, khi Mỹ phản đối bất kỳ thay đổi gây rắc rối nào.

Trong một bài phát biểu ngắn gọn với các thành viên đảng sau khi chiến thắng, bà Truss đã cam kết có "kế hoạch táo bạo" để giảm thuế và vực dậy nền kinh tế.

Các nhà phê bình cho rằng lời kêu gọi của bà về việc cắt giảm thuế và có một chính phủ nhỏ hơn là không phù hợp khi các mối đe dọa kinh tế nghiêm trọng đang giáng xuống nước Anh. Nhiều người mong đợi bà sẽ tìm cách xoay sở nhanh chóng và công bố một chương trình viện trợ lớn, ngay trong tuần này, để hỗ trợ các hộ gia đình với tình trạng hóa đơn điện và khí đốt tăng vọt, một “tác dụng phụ” của việc Nga cắt nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu.

Trên trường toàn cầu, bà Truss có khả năng tăng cường sự ủng hộ của Anh đối với Ukraine. Với tư cách là Ngoại trưởng, bà từng đưa ra quan điểm cứng rắn đối với Nga.

Bà cũng từng cam kết hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng nhiều nhất khi chi phí năng lượng tăng cao, nhưng từ chối cho biết chi tiết. Bà loại trừ các biện pháp như phân bổ nhiên liệu hoặc đánh thuế mới đối với các công ty năng lượng. Tại sự kiện vận động tranh cử cuối cùng của mình ở London, bà Truss cam kết không áp thêm bất kỳ loại thuế nào, một lời hứa mà một số chuyên gia cho rằng sẽ khó giữ được.

Tuy nhiên, trong suốt sự nghiệp của mình, bà Truss đã thể hiện khả năng thay đổi lập trường khi cần thiết. Khi còn là sinh viên tại đại học Oxford, bà là một thành viên tích cực của đảng Dân chủ Tự do, trước khi chuyển sang đảng Bảo thủ. Bà đã vận động chống lại việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu trong chiến dịch trưng cầu dân ý năm 2016, nhưng sau đó trở thành một người ủng hộ chủ trương này.

Phương Anh(Nguồn: NYT, CNBC, Al Jazeera)
Bình luận
vtcnews.vn